Vợ liệt sĩ tái giá có phải là thân nhân liệt sĩ?

.

Báo Đà Nẵng tiếp nhận thư của một bạn đọc hỏi về đối tượng được nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho thân nhân liệt sĩ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ (viết tắt là Nghị quyết 42). Cụ thể: “Mẹ tôi là vợ liệt sĩ, đã tái giá, đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Tuy nhiên, trong đợt hỗ trợ Covid-19, mẹ tôi không có tên trong danh sách thụ hưởng theo Nghị quyết 42 dành cho thân nhân liệt sĩ. Xin hỏi như vậy là đúng hay sai?”.

Về vấn đề này, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Điều 19, Nghị định 28/NĐ-CP ngày 29-4-1995 (viết tắt là Nghị định 28) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, nêu rõ gia đình liệt sĩ gồm những thân nhân của liệt sĩ quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh, được cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” và hưởng chế độ ưu đãi như sau: Vợ (hoặc chồng) liệt sĩ là người kết hôn hợp pháp hoặc thực tế là vợ hoặc chồng liệt sĩ, được nhân dân, cơ quan có thẩm quyền thừa nhận.

Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng ở vào một trong hai hoàn cảnh sau đây nếu được gia đình liệt sĩ thừa nhận và UBND xã, phường công nhận thì cũng được giải quyết hưởng chế độ ưu đãi: vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc vẫn phụng dưỡng bố mẹ liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác nhưng nay sống độc thân do người chồng (hoặc vợ) sau đã chết.

Như vậy, theo Nghị định 28, dù tái giá nhưng vợ liệt sĩ vẫn có quyền hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ nếu được gia đình liệt sĩ thừa nhận và UBND xã, phường công nhận.

Trường hợp vợ liệt sĩ đã tái giá không được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 được trả lời như sau: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung năm 2012, thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm: a) cha đẻ, mẹ đẻ; b) vợ hoặc chồng; c) con; d) người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

Khoản 1, Điều 4 Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ”. Như vậy, theo các quy định trên thì trường hợp vợ liệt sĩ tái giá (tức đã đi lấy chồng khác) thì không được coi là thân nhân liệt sĩ nữa.

Theo quy định tại Nghị quyết 42, đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg là các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và có tên trong danh sách chi trả trợ cấp tháng 4-2020 (danh sách lập trước ngày 30-4-2020). Cụ thể: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, bao gồm: thân nhân liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi); người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 từ trần; thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 từ trần; thân nhân của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Với những quy định trên, vợ liệt sĩ đã tái giá được đề cập trong thư của bạn đọc nói trên không được coi là thân nhân liệt sĩ và không được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

HUỲNH LÊ ghi

;
;
.
.
.
.
.