Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 117), có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, tăng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng và tại bệnh viện, trường học, quán cà phê, nhà hàng… Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa ai bị xử phạt vì hành vi này.
Một người đàn ông thản nhiên ngồi hút thuốc tại căn-tin Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (ảnh do bạn đọc cung cấp tháng 1-2021). |
Một ngày tháng 2, không khó bắt gặp hình ảnh người dân phớt lờ biển cấm, thản nhiên hút thuốc tại khu vực nhà ga Đà Nẵng. Cầm điếu thuốc trên tay, một người đàn ông vừa bước xuống tàu lửa cho biết mình đang chờ con rể tới đón. “Ngồi trên tàu bí không hút được điếu mô nên vừa xuống ga phải hút chứ thèm quá”, ông trả lời khi chúng tôi chỉ tay vào biển cấm hút thuốc đặt gần đó.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực nhà ga Đà Nẵng bố trí khá nhiều biển báo cấm hút thuốc, nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra. Nhiều phụ nữ, trẻ em đang ngồi chờ tàu phải di chuyển đến hàng ghế khác khi hành khách ngồi cạnh thản nhiên phì phèo điếu thuốc.
Dù biển cấm hút thuốc được treo từ hành lang, căn-tin đến khu vực chờ nhưng nhiều người vẫn hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Đơn cử, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, không khó thấy hình ảnh người dân hút thuốc tại khu vực sân vườn trong lúc chờ kết quả khám chữa bệnh. Cầm điếu thuốc trên tay, anh N.T.T (quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết đang ngồi chờ mẹ truyền hóa chất, nóng ruột nên “ra vườn làm điếu thuốc”. “Tôi thấy trong kia người ta đặt nhiều biển cấm hút thuốc nên ra khu vực vườn dạo, hy vọng không sao”, anh T. phân trần.
Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, người hút thuốc chủ yếu là người nhà bệnh nhân hoặc người tới thăm bệnh. Theo bác sĩ Quý, thời gian qua, bệnh viện luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường cũng như giám sát việc hút thuốc lá trong bệnh viện. Các biển cấm hút thuốc được treo dọc cầu thang và hành lang các khoa, phòng.
Trong các cuộc họp giữa lãnh đạo bệnh viện với người bệnh và người nhà bệnh nhân, bệnh viện đều tuyên truyền việc cấm hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện nhưng rất khó kiểm soát vì lượng người dân vô, ra bệnh viện hằng ngày khá đông. “Hiện nay, chúng tôi nghiêm cấm căn-tin bệnh viện bán thuốc lá và không cho phép người bệnh, người nhà hút thuốc lá trong khu vực căn-tin hoặc nơi có đặt biển cấm”, bác sĩ Quý thông tin.
Ngoài khu vực công cộng, Nghị định 117 cũng quy định một số địa điểm cấm hút thuốc trong nhà, gồm nơi làm việc, cơ sở giáo dục, nhà ga, bến tàu, bến xe, nhà hát, nhà văn hóa, trung tâm hội nghị, quán cà phê, nhà hàng, cơ sở ăn uống… Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (thuộc Sở Y tế Đà Nẵng) cho hay, sau nhiều năm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Đà Nẵng vẫn chưa xử phạt trường hợp vi phạm nào.
Theo người này, hiện Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá. Trong đó, người hút thuốc lá trong quán cà phê sẽ bị phạt 500.000 đồng, ngoài ra đơn vị kinh doanh không đặt biển cấm hút thuốc và để khách hút thuốc trong khuôn viên bị phạt đến 5 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền (Văn phòng Luật sư Đồng Thông) cho rằng, một trong những điểm mới của Nghị định 117 là cho phép cơ quan chức năng sử dụng máy chụp ảnh, camera, điện thoại quay phim lại hành vi vi phạm, làm cơ sở xử lý nguội sau đó.
Ông Điền cho rằng, hiện nay các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt môi trường làm việc không khói thuốc do đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế hoạt động nội bộ, làm căn cứ xếp loại thi đua, khen thưởng cuối năm.
“Nếu đã có luật thì cơ quan chức năng nên tăng cường xử phạt để người dân nghiêm túc chấp hành, còn không sẽ tạo tiền lệ xấu, người dân “nhờn” luật hoặc không quan tâm đến những quy định cấm”, luật sư Vĩnh Điền nói.
H.LÊ