Giải pháp hạn chế tình trạng cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà

.

Việc người dân và du khách khi tham quan bán đảo Sơn Trà cho khỉ ăn đã và đang gây nên nhiều mối nguy hại. Chính vì vậy, Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang tìm các giải pháp và tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để hạn chế tình trạng này.

Việc người dân cho khỉ ăn gây nên nhiều tác hại, làm khỉ mất đi tập tính của động vật hoang dã. (Ảnh do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cung cấp)
Việc người dân cho khỉ ăn gây nên nhiều tác hại, làm khỉ mất đi tập tính của động vật hoang dã. (Ảnh do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cung cấp)

Ghi nhận tại chân núi Sơn Trà (tuyến đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang), ngày 2-3, tình trạng người dân cho khỉ ăn khá phổ biến. Đang trên đường tham quan bán đảo Sơn Trà, ông Nguyễn Văn Tài (du khách đến từ Bình Định) dừng lại để xem và bày tỏ sự bất ngờ vì độ “dạn dĩ” của đàn khỉ. Tuy vậy, ông Tài cho rằng, việc cho khỉ ăn sẽ khiến đàn khỉ trở nên phụ thuộc vào con người, mất đi tập tính của động vật hoang dã. Là một trong những tình nguyện viên tích cực hưởng ứng việc hạn chế cho khỉ ăn, chị Thanh Ngọc Trúc (trú tại quận Cẩm Lệ) hy vọng sẽ có giải pháp để nâng cao ý thức của người dân, du khách khi đến tham quan tại bán đảo Sơn Trà.

Theo BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tình trạng cho khỉ ăn xuất hiện từ 2 năm trở lại đây. Ban đầu, đàn khỉ chỉ sống trong khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nếu di chuyển thì chỉ quanh khu du lịch Bãi Bắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khỉ ra đường tìm thức ăn và được người dân cho ăn nên ngày càng dạn dĩ, kèm theo đó là tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), khoảng 10 cá thể khỉ đã chết hoặc bị thương khi tràn xuống đường theo thói quen để chờ người dân cho thức ăn.

Phó BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải phân tích, việc cho khỉ ăn tạo ra nhiều tác hại xấu đến cả động vật và con người. Đó là thay đổi bản năng, tập tính của khỉ hay động vật hoang dã; người dân và du khách cho ăn có nguy cơ bị lây bệnh từ khỉ như cảm cúm, viêm lợi… Đồng thời, việc du khách mang thức ăn để nhử, trêu chọc cũng khiến chúng trở nên hung dữ, có phản ứng giành đồ ăn và tấn công người. Bên cạnh đó, một số người dân cho khỉ ăn rồi xả rác sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái. “Việc cho khỉ ăn thì người dân ở khu vực gần núi Sơn Trà là người chịu ảnh hưởng nhất. Bởi đã xảy ra tình trạng đàn khỉ không sợ người, mò vào nhà dân tìm đồ ăn, thậm chí đập phá đồ đạc”, ông Hải thông tin thêm.

Hiện BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã dựng biển cấm, lập 4 chốt để nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn chưa hiệu quả vì công tác quản lý còn thiếu hụt nhân sự và chưa có mô hình quản lý đồng bộ. Khi có bảo vệ và lực lượng nhắc nhở thì người dân không cho khỉ ăn nhưng bảo vệ vừa đi khỏi thì tình trạng lại tái diễn. Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử phạt cụ thể về hành vi cho động vật hoang dã ăn nên chỉ thực hiện việc nhắc nhở là chính.

Ông Hải nói thêm, vì thiếu hụt nhân lực nên BQL đang tuyển tình nguyện viên để trực ở các vị trí người dân thường cho khỉ ăn như trước cổng chùa Linh Ứng, khu vực Miếu Đôi, quán ăn cách chùa 300m trong hai khung giờ 9-11 giờ sáng và 15-17 giờ chiều. BQL đã tuyển được 10 tình nguyện viên và đang tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ với độ tuổi 19-35 tham gia góp sức. Ngoài ra, BQL tăng cường phối hợp với nhiều đơn vị, cũng như phát thanh lưu động để nâng cao nhận thức, cảnh báo người dân.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.
.