Giao dịch ra sao khi bỏ sổ hộ khẩu giấy?

.

Nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn về những giao dịch hành chính, dân sự như: làm thủ tục nhập học cho con; tách/nhập hộ khẩu; giao dịch ngân hàng; chuyển nhượng nhà, đất đai... sẽ được thực hiện ra sao khi cơ quan Công an thu hồi sổ hộ khẩu và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Trong ảnh: Công dân quận Hải Châu nộp sổ hộ khẩu để làm thủ tục cấp Căn cước công dân. (Ảnh chụp tháng 4-2021)Ảnh: ĐẮC MẠNH
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. TRONG ẢNH: Công dân quận Hải Châu nộp sổ hộ khẩu để làm thủ tục cấp Căn cước công dân. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Thượng tá Đoàn Thi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thông suốt từ Trung ương đến địa phương (cấp phường, xã, thị trấn) và đang triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đồng thời hoàn thiện các phương thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Thưa Thượng tá, khi nào sổ hộ khẩu giấy chính thức bị bãi bỏ?

- Theo quy định của Luật Cư trú 2020, từ ngày 1-7-2021 không thực hiện cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho công dân. Còn với sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 1-7-2021, theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chỉ bị thu hồi trong trường hợp công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Khi đó, cơ quan Công an sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu cư trú; đồng thời thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và không cấp mới các loại sổ này. Không phải tất cả người dân đều phải nộp lại sổ hộ khẩu cũ kể từ ngày 1-7-2021. Đối với các sổ hộ khẩu đã cấp, nếu không thay đổi thông tin gì thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2022.

* Hiện nay, sổ hộ khẩu liên quan tới nhiều thủ tục hành chính thiết yếu như: đăng ký nhập học, đăng ký xe, giao dịch ngân hàng, hồ sơ liên quan tới nhà, đất... Khi bỏ sổ hộ khẩu thì các giao dịch này được thực hiện thế nào?

- Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cơ bản đã hoàn thành, các thông tin cơ bản của công dân đã được cập nhật đầy đủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phần lớn công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp căn cước công dân (CCCD). Người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan mà cần sổ hộ khẩu trước đây thì cũng không ảnh hưởng gì vì mọi thông tin cá nhân đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu này. Cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính và cơ quan liên quan sẽ khai thác thông tin trong CCCD, khi cần thiết thì có thể khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu về dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa.

* Trường hợp muốn nhập học cho trẻ, nhà trường yêu cầu hộ khẩu để xác định đúng tuyến mới theo học được. Nếu bỏ sổ hộ khẩu thì chứng minh nơi thường trú và xác định nhân thân bằng cách nào?

- Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Vì vậy, những thay đổi về nơi thường trú sẽ được cơ quan Công an cập nhật trong cơ sở dữ liệu về cư trú (gồm họ, tên, ngày tháng sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại...). Như vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình CMND/CCCD, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin về nơi đăng ký thường trú, tạm trú.

* Trường hợp trẻ em chưa đủ 14 tuổi, chưa có CMND/CCCD mà mới có mã định danh cá nhân, không có thông tin thường trú thì căn cứ nào để nhà trường xác nhận và giải quyết?

- Về vấn đề này, cha/mẹ của các em nhỏ dưới 14 tuổi có thể tới cơ quan Công an địa phương (phường, xã) nơi mình có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú để xin xác nhận thông tin về cư trú (đây là một thủ tục hành chính đã được Bộ Công an quy định), cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cho công dân theo đúng quy định.

* Nếu công dân bị thu sổ hộ khẩu giấy trong khi các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký nhà, đất chưa liên kết, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thủ tục liên quan sẽ thực hiện ra sao?

- Khi công dân cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch mua bán nhà, đất thì chỉ cần xuất trình CCCD. Từ số CCCD (số định danh cá nhân), các cơ quan, tổ chức sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để khai thác các thông tin cơ bản của công dân để phục vụ cho giao dịch hành chính. Kể từ ngày 1-7-2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối với tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó đủ điều kiện. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa kết nối được nên họ vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. Như đã trao đổi, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp này nếu cần thiết thì công dân xin xác nhận như trường hợp giải quyết cho trẻ em nhập học theo phân tuyến.

* Xin cảm ơn Thượng tá!

ĐẮC MẠNH thực hiện

Bỏ 7 thủ tục liên quan đăng ký cư trú

Theo Bộ Công an, cùng với việc quản lý cư trú theo phương thức mới “số hóa dữ liệu”, sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.

Thay đổi về đăng ký thường trú, tạm trú

Luật Cư trú 2020 quy định, điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau, không phân biệt thành phố trực thuộc Trung ương như trước đây. Trong thủ tục đăng ký tạm trú, Luật Cư trú 2020 cũng không còn yêu cầu người thuê nhà phải có ý kiến đồng ý của chủ nhà. Đáng chú ý, Luật Cư trú bổ sung quy định về những nơi không được đăng ký thường trú, tạm trú như: nhà nằm trên đất lấn chiếm; nhà đã có quyết định thu hồi đất; nhà đã có quyết định phá dỡ…

Luật Cư trú 2020 cũng quy định, trường hợp bị xóa đăng ký thường trú là khi vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh; bán nhà mà không được chủ nhà mới đồng ý cho giữ lại đăng ký thường trú.

Các điểm mới về thủ tục làm căn cước công dân

Từ ngày 1-7-2021, việc cấp căn cước công dân (CCCD) có những quy định mới. Theo đó, cơ quan Công an thu hồi mọi chứng minh nhân cũ (CMND - 9 số, 12 số) khi người dân làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip (trước đây chỉ thu hồi CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, còn các trường hợp khác chỉ cắt góc và được trả lại cho người dân).

Bộ Công an yêu cầu, thời gian tối đa để cấp CCCD cho người dân là 8 ngày làm việc. Mã QR trên CCCD chứa thông tin về số CMND cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin giấy xác nhận số CMND và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số CMND cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR không có thông tin về số CMND.

Một quy định đáng chú ý là người dân được làm CCCD ở nơi tạm trú từ ngày 1-7-2021, thay vì phải về nơi thường trú. Khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, người dân không còn phải điền thông tin trên tờ khai CCCD như trước, mà cán bộ làm thủ tục sẽ tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó in phiếu cho người dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên...

TRỌNG HUY tổng hợp

 

;
;
.
.
.
.
.