Qua phản ánh của một số phụ huynh, sau thời gian dài học trực tuyến, các con của họ đều gặp vấn đề về thị lực. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đôi mắt của trẻ như thế nào là điều phụ huynh đang đặc biệt quan tâm.
Tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài rất dễ làm giảm thị lực ở trẻ. Ảnh: K.Q |
Các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên rằng, cách chăm sóc đôi mắt hiệu quả nhất là điều chỉnh thời gian tương tác giữa mắt với máy tính, vì làm việc quá sức là tác nhân nguy hiểm khiến mắt bị mệt mỏi. Phụ huynh nên nhắc trẻ chớp mắt, đảo mắt thường xuyên, massage cho đôi mắt mỗi ngày, dùng thuốc nhỏ mắt có sự tư vấn của bác sĩ, không nheo mắt, liếc mắt.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần bố trí cho trẻ vị trí ngồi học đủ ánh sáng để giảm mỏi mắt và điều chỉnh mức độ ánh sáng trên màn hình thiết bị ở mức trung bình, vừa phải với ánh sáng trong phòng. Nếu xem màn hình trong phòng thiếu ánh sáng sẽ dẫn đến mỏi mắt và nguy cơ tổn thương võng mạc. Hoạt động ngoài trời cũng là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả, đặc biệt đối với căn bệnh cận thị. Trong các nghiên cứu, người ta thấy rằng, trẻ em ở ngoài trời nhiều hơn có xu hướng ít bị cận thị hơn. Vì vậy, hãy để trẻ dành thời gian ra ngoài trời, nhìn những vật ở xa là rất quan trọng.
Nên hạn chế ánh sáng tối đa khi ngủ vì ánh sáng kích thích thị giác, tạo hưng phấn vỏ não gây khó ngủ. Nên mở cửa sổ cho thông thoáng vì lúc ngủ mắt cũng cần oxy để “thở”. Nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các bệnh viện chuyên khoa để sớm phát hiện các bệnh về mắt cũng như kịp điều chỉnh kính phù hợp với trẻ bị cận thị vì đeo sai số kính cũng là một nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi.
Đồng thời, nên bổ sung một số vitamin và vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với mắt gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein và axit béo omega. Các chất này có trong các thực phẩm như: cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá... Tốt nhất nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp dưới dạng các chất bổ sung.
KHÁNH QUYÊN
(Nguồn: Sức khỏe và Đời sống, Bộ Y tế)