Xử lý vi phạm nuôi chó thả rông

.

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn thành phố liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng tình trạng các hộ dân nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm, phóng uế gây mất vệ sinh môi trường công cộng. Tuy nhiên cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết.

Chó thả rông tại kiệt 35, đường Quang Trung, phường Hải Châu 1.  (Ảnh do người dân cung cấp)
Chó thả rông tại kiệt 35, đường Quang Trung, phường Hải Châu 1. (Ảnh do người dân cung cấp)

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay một số người dân thường xuyên để chó chạy rông trên đường, không đeo rọ mõm. Nhất là tại các tuyến đường đông dân cư, khu chung cư, công viên, bãi biển... như kiệt 35 đường Quang Trung, công viên Phong Bắc, đường Đức Lợi 1… tình trạng này không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đơn cử, tình trạng chó thả rông tại đường Đức Lợi 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu). Bà Nguyễn Thị Lan trú đường Đức Lợi 1, cho biết: “Nuôi thú cưng là quyền của mỗi người nhưng cần có môi trường nuôi thích hợp và không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khu vực này đông dân cư sinh sống, nhiều trẻ nhỏ, việc nuôi chó không đeo rọ mõm, thả rông như hộ dân tại số nhà 14 là không thể được”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Nguyễn Phan Chánh thông tin, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo phường cử cán bộ xuống kiểm tra, tuyên truyền chủ hộ xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh. Đồng thời, viết cam kết đối với chủ hộ nuôi chó không được phóng uế gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Phan Chánh cho biết thêm, tại thời điểm kiểm tra, chó đang được nuôi giữ nhốt trong chuồng, không thả rông. Nên lãnh đạo phường không xử phạt. Theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Trường hợp chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt 1- 2 triệu đồng.

Tương tự, trong kiệt 35, đường Quang Trung (phường Hải Châu 1) có một con chó lớn thường xuyên đi rông, không đeo rọ mõm, hay tiểu tiện phóng uế trước nhà dân trong kiệt. Ông Nguyễn Văn Đạt, người dân sống tại kiệt 35 cho rằng: “Bên cạnh nỗi lo chó thả rông gây tai nạn giao thông thì việc thả rông chó còn tiềm ẩn nhiều đe dọa đến sức khỏe con người nếu không may bị chó cắn, nhất là chó dại. Tôi lo mùa nắng nóng gần tới, việc thả chó không đeo rọ mõm như vậy rất nguy hiểm. Đề nghị chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi cố tình thả chó chạy rông”.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết, UBND phường đã gửi giấy mời chủ hộ nuôi chó tại kiệt 35, đường Quang Trung nhưng đến nay chủ hộ chưa lên làm việc với lãnh đạo phường. Phường đang thống kê, rà soát có bao nhiêu hộ trên địa bàn phường nuôi chó chưa tiêm phòng dại để chuẩn bị cho lịch tiêm sắp tới.

Bàn về giải pháp xứ lý dứt điểm tình trạng này, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, thời gian tới lãnh đạo phường sẽ thành lập tổ tự quản thường xuyên kiểm tra và bắt nhốt chó thả rông. Chó thả rông tại những nơi công cộng sẽ bị tổ tự quản bắt giữ. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở người dân nuôi thú cưng thì nên có trách niệm với cộng đồng, phải tiêm phòng bệnh dại đầy đủ, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng.

KHÁNH HUYỀN

;
;
.
.
.
.
.