Xử lý nghiêm người uống rượu, bia tham gia giao thông

.

Vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt “hết khung”, một số người không hợp tác, giở chiêu trò, to tiếng, cự cãi với lực lượng làm nhiệm vụ... Đó là thực tế được ghi nhận trong những ngày cao điểm ra quân xử lý nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. 								   	                      Ảnh: L.HÙNG
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: L.HÙNG

Uống rượu bia vẫn lái xe

Qua ghi nhận tại một số quán nhậu trên địa bàn thành phố, nhiều thực khách sau khi sử dụng rượu, bia vẫn vô tư sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Tại các quán nhậu dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) tối 5-1, chúng tôi bắt gặp nhiều trường hợp dù đã rơi vào trạng thái “bước thấp, bước cao” song vẫn điều khiển xe máy, ô-tô trở về nhà. Khoảng 21 giờ, tại quán nhậu P.B, 6 vị khách bước ra trong trạng thái mặt đỏ bừng, nồng nặc mùi rượu. Có người không thể tự dắt xe xuống vỉa hè nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong trạng thái  “ngất ngưỡng” trên đường.

30 phút sau, tại quán nhậu Đ.Q, 7 thanh, thiếu niên sau khi đã “chén chú chén anh” cũng vội lên ô-tô cá nhân tiếp tục đi “tăng 2”. Theo anh Bùi Văn H., chủ một quán nhậu trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chuyện dân nhậu “lai rai” từ chiều đến khuya nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông diễn ra thường xuyên. “Rượu, bia có thể chưa ngấm ngay sau khi uống, nhưng ngấm dần trên đường về, khiến không ít vụ tai nạn đau lòng xảy ra. Hằng ngày, tôi chứng kiến nhiều vị khách say mềm, đi chân nọ đá chân kia thế mà vẫn cố lái xe về nhà. Hiểu rõ việc uống rượu bia có thể gây ra những tai nạn giao thông thảm khốc nên bản thân tôi và nhân viên thường xuyên khuyên thực khách hãy để xe lại quán, sử dụng taxi hoặc xe ôm về nhà cho an toàn nhưng chỉ số ít khách nghe theo lời khuyên này”, anh H. nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số quán nhậu trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu)... Đồng hồ đã điểm sang 0 giờ 10 ngày 6-1 nhưng trong quán nhậu Đ. trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ vẫn đông khách. Khách đa phần là người điều khiển xe máy nhưng vẫn liên tục nâng ly. Đến khi không thể trụ được thì mới chịu rời quán, điều khiển phương tiện ra về. Bà L.T.B, chủ quán nhậu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, quán của bà chuẩn bị khoảng sân để khách sử dụng đồ uống có cồn có thể gửi xe lại qua đêm; đồng thời, nếu khách có nhu cầu, nhân viên quán sẽ hỗ trợ đặt và gọi xe giúp. Tuy nhiên, hầu hết khách đều cho rằng “rất tỉnh táo”, có thể điều khiển xe về nhà mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Nhiều trường hợp bị xử phạt “hết khung”

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực ngày 1-1-2020, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất dành cho người điều khiển ô-tô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển mô-tô từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng... Khung hình phạt trên được đánh giá là nghiêm khắc. Thế nhưng, nhiều “ma men” vẫn liều mình bất chấp Luật.

Tối 5-1, Tổ chốt đo nồng độ cồn thuộc Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố làm nhiệm vụ tại khu vực trước Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ). Chỉ trong vài giờ đồng hồ, nhiều trường hợp khi ngậm ống thổi có nồng độ vượt quy định. Trong đó, trường hợp đặc biệt nhất là ông Tr.N.K (1979, trú quận Thanh Khê), điều khiển xe máy BKS 43D1-336... có nồng độ cồn ở mức 1.115mg/lít khí thở. Ông K. cũng không có các giấy tờ xe nên mức xử phạt lên đến 8 triệu đồng. Ông liên tục “làm khó” và cự cãi lực lượng làm nhiệm vụ. Sau hơn 1 giờ đồng hồ được lực lượng làm nhiệm vụ khuyên nhủ, ông K. mới chịu ký vào biên bản vi phạm nhưng yêu cầu phải tạo điều kiện để mình lấy xe, điều khiển về nhà. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho ông, tổ làm nhiệm vụ yêu cầu ông K. đón xe khác trở về. “Ông Tr.N.K đã ở mức độ nguy hiểm đến tính mạng khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Khi có nồng độ cồn ở mức trên 1.4mg/lít, con người rơi vào trạng thái hôn mê. Theo tiêu chuẩn quốc tế, một người khi có nồng độ cồn 0,4mg/lít khí thở điều khiển phương tiện giao thông đã bị xử phạt ở mức cao nhất”, Đại úy Trần Quốc Nam, Tổ trưởng Tổ chốt đo nồng độ cồn cho biết.

Trước đó, 21 giờ 30 ngày 4-1, tại vị trí tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ), khi phát hiện ô-tô BKS 29C-789… do tài xế Phạm V.C. (1984, trú Hà Nội) điều khiển chạy với tốc độ lớn, lực lượng Cảnh sát giao thông có hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế bỏ chạy. Lực lượng ngăn chặn, buộc tài xế xuống xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả, tài xế có nồng độ cồn ở mức 0,951 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, trong suốt gần 2 giờ đồng hồ, tài xế này không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ mà tìm mọi cách trốn tránh xử lý.

Tổ công tác phải điện Cảnh sát 113 và Công an phường đến hỗ trợ và cẩu phương tiện về trụ sở. “Việc xử lý nồng độ cồn luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi đả sử dụng rượu bia, đặc biệt những người uống quá nhiều, không làm chủ được hành vi thường gây rối, không hợp tác.”, Đại úy Trần Quốc Nam nói.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố đã từng xử phạt 40 triệu đồng trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn chưa cảnh tỉnh, vẫn cố tình vi phạm. Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: “Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt đợt cao điểm tuần tra, chốt chặn nhằm phòng ngừa đua xe, lạng lách, đánh võng cũng như kiềm giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra. Quá trình làm nhiệm vụ, các cán bộ vừa xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, vừa nhắc nhở tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.”

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
100 tệ bằng bao nhiêu tiền việt Mua vang rose chính hãng từ Red Apron