Chấn chỉnh tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy

.

Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra, đa phần vi phạm của các em là điều khiển xe máy có phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang… gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông.

Trên tuyến đường Trần Cao Vân, dễ dàng bắt gặp tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy. Ảnh: N.QUANG
Trên tuyến đường Trần Cao Vân, dễ dàng bắt gặp tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy. Ảnh: N.QUANG

Theo ghi nhận của phóng viên chiều 10-4 trên đường Trần Cao Vân (đoạn trước Trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê), vào thời điểm tan học, chỉ trong vòng 30 phút, có hơn 10 trường hợp học sinh điều khiển xe máy tham gia giao thông, trong đó có nhiều trường hợp phóng nhanh, dàn hàng hai, hàng ba trên đường. Không chỉ vậy, nhiều bậc phụ huynh đến đón con nhưng không nhắc nhở con mình đội mũ bảo hiểm.

Anh Lê Văn Dũng (SN 1993, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) chia sẻ, anh thường xuyên thấy học sinh sử dụng xe gắn máy tham gia giao thông. Nhiều trường hợp các em vô tư đùa giỡn, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường rất nguy hiểm. “Các bậc cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Không để con em mình dùng xe gắn máy để đi học mà có thể thay bằng xe đạp, xe điện…”, anh Dũng nói.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê cho biết, từ đầu năm học, phòng đã chỉ đạo các trường học phối hợp Ban An toàn giao thông quận và UBND các phường tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh nghiêm túc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở phụ huynh quan tâm, giáo dục con em mình về ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận yêu cầu hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh điều khiển xe gắn máy đến trường.

Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, để chấn chỉnh tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy, Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm vào giờ cao điểm. Trung tá Lê Công Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Liên Chiểu) cho biết, chỉ riêng trong ngày 10-4, đơn vị đã xử lý 4 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện đến trường và nhắc nhở 3 trường hợp học sinh đỗ xe dưới lòng đường.

“Trong quý 1- 2023, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông tại 6 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn quận. Đội đã lập biên bản xử phạt 36 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và phụ huynh học sinh lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, Trung tá Lê Công Tuấn thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, phòng thường xuyên chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện các quy định về an toàn giao thông. “Các trường học trên địa bàn quận đã tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao mô-tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định.

Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, đặc biệt là không điều khiển mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi quy định. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp giao ban hiệu trưởng, lãnh đạo phòng thường xuyên nhắc nhở các đơn vị lưu ý đến công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, thường xuyên tuyên truyền và phối hợp với lực lượng công an các cấp để tuyên truyền trong các buổi lễ chào cờ đầu tuần”, ông Lịch nói.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phát hiện, lập biên bản 492 trường hợp học sinh vi phạm giao thông với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng. Trong đó, các trường hợp học sinh vi phạm các lỗi chủ yếu như: chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không có đăng ký xe, không có giấy phép lái xe.

Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, thời gian đến lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, người chưa đủ 18 tuổi.

Đồng thời, nhân rộng mô hình “Cổng trường học an toàn”; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; yêu cầu các điểm trông giữ xe viết cam kết không nhận trông, giữ mô-tô trên 50cm3 do học sinh điều khiển…

Năm 2008, Luật Giao thông về đường bộ quy định về độ tuổi của người sử dụng xe máy, cụ thể là tại Điều 60, Khoản 1: Với xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 thì công dân đủ 16 tuổi trở lên được phép sử dụng; đối với trường hợp đủ 18 tuổi trở lên sẽ được điều khiển các xe có phân khối từ 50cm3 trở lên như mô-tô hai bánh, mô-tô ba bánh và các loại xe có kết cấu tương tự.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.