.

Khi mỗi em là một thế giới

.

Những đứa trẻ là nạn nhân chất độc da cam đang ngồi đó cười nói một mình hay nhìn ra phía cửa sổ với ánh mắt vô hồn. Có em đang vạch áo chỉ cho bạn xem những khuyết tật trên cơ thể mình. Có em đang cặm cụi tô tô, vẽ vẽ những nét nghệch ngoạc xuống tờ giấy đã rách bươm.

 Môn xỏ cườm luôn được các em nhỏ ở TT ưa thích vì dễ làm và mang màu sắc rực rỡ.

Chỉ đến khi chị Phan Thị Thanh, giáo viên dạy thêu của cơ sở 1 thuộc Trung tâm (TT) Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (119 Nguyễn Như Hạnh) vỗ vỗ tay, chỉ về phía chúng tôi thì các em mới ngoan ngoãn vòng tay chào. Nhưng động tác chào cứ như đã được mặc định sẵn trong trí nhớ của những em bé “người lớn” này. Xong, mỗi em lại quay về với “công việc” của mình, lại cười, lại nói một mình cứ như đang ở một thế giới khác.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Phan Thị Thanh cho biết, khi mới vào TT, mỗi em là một thế giới. Cái thế giới ấy đơn độc lắm, không ai biết các em nghĩ gì, muốn gì. Chỉ đến khi lên cơn đau, co giật, được các cô tại TT chăm sóc, mình mới có dịp gần gũi và hiểu chúng hơn.

Hôm chúng tôi đến, những học viên của TT như Bùi Tấn Thọ, Lê Trùng Dương, Lê Thị Cúc, Đặng Phước Nam đang đi học tại lớp dạy may nâng cao cho người khuyết tật tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố. Họ là những nạn nhân da cam bị câm, điếc, khuyết tật nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo và nhận thức được.

Anh Nguyễn Ngọc Phương, một nạn nhân và cũng là thầy giáo của những nỗi-đau-da-cam này cho biết, đây là những học viên xuất sắc của TT được cho đi học với hy vọng các em có thể nâng cao tay nghề và tìm được việc làm khi khóa học kết thúc. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện vì đã có em sau khi kết thúc khóa học được TT giới thiệu việc làm nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã xin về lại với TT vì không thể thích nghi được.

Tại cơ sở 2, 112/11 Quang Trung, Lê Thị Hà dù đã 16 tuổi nhưng vẫn mang dáng hình của một đứa trẻ. Thân hình còm cõi, chân và tay đều cong vòng kiềng, cao chưa đến 1,2m. Tuy thế, Hà vẫn may mắn hơn nhiều bạn cùng lớp vì đầu óc em còn tỉnh táo. Khi còn ở với gia đình, Hà đã học đến lớp 6, nhưng trong một lần bị tai nạn gãy tay, em nghỉ học và ở nhà đến khi gia đình đưa em tới TT. Hà cười ngượng nghịu. “Em thích nhất môn xỏ cườm, vì môn này dễ làm nhất. Mỗi lần đi học em chỉ thích được ngồi xỏ cườm. Em muốn làm được những sợi dây thật đẹp để tặng cho thầy, cô giáo”.

Dù bị tật nguyền, nhưng thầy Trương Tấn Dũng vẫn ngày ngày đến với các em tại TT.

 

Theo thống kê, TP Đà Nẵng hiện có 1.400 là trẻ em trong số khoảng 5.000 nạn nhân chất độc da cam. Hiện chỉ có 80 em đang được nuôi dưỡng, học tập ở 2 cơ sở nêu trên là con số quá ít, dù chính quyền và cộng đồng đã luôn đồng hành cùng họ. Những em đến được với TT ít nhiều vẫn có sức khỏe, còn những em không thể đến thì sẽ như thế nào, đơn độc ra sao?

Những thầy, cô giáo như chị Phan Thị Thanh, Hoàng Kim Uyên, Trương Tấn Dũng, Nguyễn Ngọc Phương… đã đến với các em bằng tình thương, sự cảm thông và lòng kiên nhẫn. Chưa bao giờ lớp học đủ học viên. Các em luôn mang trong mình nỗi đau về thể xác. Đây là tác nhân khiến nhiều em không thể đến lớp thường xuyên. Cùng vào một lần, nhưng sau vài tháng, có em biết đọc, biết viết, có em không viết nổi tên mình. Mang tên TT dạy nghề nhưng phần lớn chỉ thực hành những “nghề” đơn giản như làm hương trầm hay xỏ cườm. Còn may thêu thì chưa có học viên nào thành thạo.

 

Cô giáo Hoàng Kim Uyên đang cần mẫn dạy các em tập phát âm.

Theo chị Võ Thị Thu, Phó Giám đốc TT, phần lớn các em chỉ nhớ những gương mặt mà mình đã tiếp xúc, còn con chữ thì học đâu quên đó, có khi học cả tháng không đọc được tên mình. Một đường thêu đôi khi phải dạy 2, 3 ngày mới xong. Vài ngày sau các em lại quên mất, lại phải học lại từ đầu. Để hoàn thành một mẫu thêu đơn giản, thời gian đôi khi kéo dài hết tháng này qua tháng khác… Vất vả là thế nhưng thu nhập mỗi tháng của cán bộ TT chưa đến 1 triệu đồng. Nhiều thầy, cô giáo không đủ sự kiên nhẫn đã bỏ cuộc giữa chừng.

Một con số làm chúng ta cảm thấy rưng rưng: Hơn 50% thầy, cô giáo ở TT là người khuyết tật hay cũng chính là nạn nhân của chất độc da cam. Họ đã gắn bó đời mình với TT bằng sự kiên nhẫn, cảm thông và gần gũi. Họ đã chung tay với gia đình, với xã hội, lặng lẽ dốc hết sức mình cùng xoa dịu nỗi đau da cam.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.