.

Một thời ba cùng

Thời gian dẫu có trôi qua dăm ba thập niên, nhưng “ba cùng” vẫn còn lưu lại trong tâm thức nhiều thế hệ như một sản phẩm của một thời đại mới, thời đại tôn vinh Nhân Dân, coi Nhân Dân là mục tiêu của sự dấn thân, quên mình. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Chính ba cùng ấy mà cán bộ mới nghe, mới hiểu thấu đáo suy nghĩ, nguyện vọng của người dân và cuộc sống người cán bộ mới thực sự được sưởi ấm, được che chở bằng tình Nhân Dân. Đó là sợi dây máu thịt nối liền cán bộ, bộ đội với Nhân Dân.

Tôi còn nhớ rõ cảnh đón tiếp bộ đội về làng thật cảm động trong những năm của hai cuộc kháng chiến. Tình cảm ấy đâu phải ngẫu nhiên. Bộ đội về làng, cùng ở trong nhà dân, cùng vác cày ra ruộng, cùng gặt lúa với dân. Những ngày không tập luyện thì dạy em bé đánh vần, cắt tóc cho các cụ già, nhặt rau cùng các mẹ, các chị. Trên đồng lúa, anh bộ đội bên ni, o thôn nữ bên tê nổi lên những câu hò lơ ẩn nhiều tình ý. Không bỗng dưng mà mấy mế già làng quê gọi bộ đội bằng con và xưng mẹ. Cũng chỉ vì dân thấy bộ đội, cán bộ như con như em, như những người trong gia đình. Chính cái tinh túy ba cùng ấy mà cán bộ, bộ đội được sưởi ấm trong tình đồng bào và nếu có phải vì những người thương yêu ấy mà hy sinh, thì sự hy sinh đó coi là “nhẹ tựa lông hồng”.

Tôi còn nhớ những năm ở chiến trường miền Nam. Hầm bí mật được đào ngay trong nhà dân. Địch bất thần càn tới, cán bộ xuống hầm và trên mặt đất là sự bắt bớ, tra khảo. Nhưng dân chỉ một mực “không biết, không thấy” cộng sản, dẫu họ bị đánh, bị bắn. Nhiều người dân đã mang thương tật, đã vào tù, đã bỏ mạng vì bảo vệ cán bộ, bộ đội. Ẩn náu dưới hầm mà người chúng tôi như lên cơn sốt, chỉ muốn bật nắp hầm, nhảy ngay lên mặt đất sống mái với kẻ thù. Hiềm một nỗi, kỷ luật không cho phép. Dân yêu thương đến thế.
 
Dân đùm bọc đến thế, xét cho cùng cũng bởi cán bộ mình, bộ đội mình đã thương yêu dân như cha hiền, mẹ hiền, đã cùng sống, cùng chết với dân trong cuộc chiến sống còn với kẻ thù. Và tình yêu cũng đã được nẩy nở trong những đêm đập lúa cùng trăng tỏ trăng mờ. Những làng quê bộ đội dừng chân đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Họ có mẹ già, bố già thực sự để nhớ, để thương, có ánh mắt một cô gái trông chờ, hẹn ước và khi ra đi họ nhìn thấy trong những cặp mắt đỏ hoe lưu luyến “Các anh đi biết bao giờ trở lại/ Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong...”.

Tôi đã có dịp chuyện trò với người lính già, Đại tá Vũ Ngân. Ông vốn là lính tình nguyện Lào trong những năm kháng chiến. Ông kể:

- Cánh mình ngày ấy còn trẻ lắm. Sang nước bạn Lào, cấp trên chỉ dặn mỗi một điều: Nhân Dân Lào cũng như Nhân Dân Việt Nam. Đâu cũng là Nhân Dân. Vậy là nước Lào rừng núi trập trùng, hóa gần. Chỉ ba tháng là chúng mình nói được tiếng Lào, viết được chữ Lào, lại còn dạy trẻ em Lào học viết, học đọc. Về nước cả chục năm hòa bình, vậy mà họ nhớ rõ tên từng anh lính Tình nguyện.

Khi trở về nước, những ông bà già, những em nhỏ, những cô gái đưa tiễn lính Tình nguyện đến hết mấy con suối, mấy vạt nương, nước mắt đầm vạt áo... Các cậu đọc “Bên kia biên giới” hay “Trước giờ nổ súng” của ông nhà văn Lê Khâm rồi chứ. Bố ấy viết về cánh lính mình ở Trung Lào đấy. Tình quân dân ấy sưởi ấm chúng mình cho đến cuối đời. Ngẫm lại lời cấp trên ngày ấy, “Nhân Dân bạn cũng là Nhân Dân mình...” sao mà thấm thía.

Ngày nay, gần gũi Nhân Dân vẫn là tiêu chí, là đi cán bộ. Giữ gìn mối liên hệ với Dân không phải xuân thu nhị kỳ mà là mạch máu nối liền mọi cơ thể sống, lắng nghe dân, cùng dân bàn, tháo gỡ khúc mắc trong cuộc sống... Có như vậy người cán bộ mới xứng đáng là công bộc, là đày tớ của nhân dân.

Chính Ngôn

;
.
.
.
.
.