.

Ơi trái Nam trân

.

…. Chuyện xưa kể rằng, vào mùa hè năm Ất Mùi, Chúa Nguyễn Ánh (cũng có thuyết cho rằng là Chúa Nguyễn Phúc Thuần) bị quân Tây Sơn vây đánh, thua chạy vào vùng rừng núi Quảng Nam. Lương thực đã cạn, trong lúc đang đói lả thì gặp một rừng cây trái lạ, Chúa hái ăn thử thấy rất ngon, và qua được cơn đói. Ơn rừng phương Nam “cứu người qua cơn đói”, khi thành đế nghiệp, Gia Long Nguyễn Ánh đã "ban" cho tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý (như ngọc) ở xứ Quảng Nam.
 

Trong vườn loòng boong Tiên Phước mùa xả trái. Ảnh: Mai Hoa

Loại trái đó, từ bao đời nay, người dân xứ Quảng vẫn quen gọi là trái loòng boong. Còn theo chính sử triều Nguyễn, Nam Trân được tiến vua để giỗ Tết ở Hưng miếu, và để làm đồ ngự dụng (nôm na là để vua ăn). Năm 1802, dinh Quảng Nam đã chạy trạm trái Nam Trân tiến vua. Đến năm 1805, đích thân Gia Long hạ lệnh "Vệ hạt Quảng Nam thường năm đến kỳ tháng 9 dự tính việc hái trái, chia làm 2 kỳ, đúng ngày đến kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng miếu".

Triều Minh Mạng, năm 1830 quy định khá rõ ràng là mỗi kỳ trái chín phải tiến cống 6 giỏ. Suốt triều Nguyễn, mỗi triều vua đều có chỉ dụ của đương kim hoàng đế về lệ này… ... Ngày nay, trên lớp vỏ mỏng màu vàng nhạt của thứ trái cây ruột trắng mịn màng, hương thơm tinh khiết và ngọt đậm đà này, vẫn còn một vệt lờ mờ tựa hồ dấu móng tay, tương truyền chính thị vết móng tay ông vua Nguyễn thuở nào lưu lại khi bấm vào để thử xem trái đã chín hay chưa.

Loòng boong mọc thành rừng chủ yếu ở vùng Đại Lộc, Tiên Phước (Quảng Nam). Ngày nay, loòng boong không chỉ có ở rừng mà đã vào vườn nhà. Nhiều gia đình đã vươn lên khỏi cảnh đói nghèo ở vùng bán sơn địa nhờ vào cây trái này.

Bây giờ, loòng boong đang vào mùa thu hoạch. Sáng sáng, từng gánh loòng boong về chợ Tiên Phước để đóng hàng, tỏa đi khắp nơi: xuống Tam Kỳ, ra Đà Nẵng, ra Huế… Trái loòng boong xứ Quảng cứ chua chua, ngọt ngọt mang hương vị thật riêng mà không vùng quê nào có được. Mỗi lần về quê vào mùa loòng boong chín, chúng tôi lại đón người bán, mua dăm bảy ký đem ra Đà Nẵng, đem ra Hà Nội hay vào thành phố Hồ Chí Minh làm quà…

Khi chọn loòng boong, người mua không lựa những trái to, họ chọn loại quả vừa, không lớn cũng không nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái, da màu vàng nhạt, núm cuống căng tròn. Khi bóc lớp vỏ ngoài, bên trong lộ ra năm múi dính chặt lấy nhau màu trắng trong, mọng nước, thơm lừng. Và lúc cắn vào một múi, cảm thấy một dòng nước ngọt lịm ngấm dần xuống tận cổ. Vừa đãi bạn loại trái đặc biệt quê mình, chúng tôi lại nhân nha câu chuyện về trái Nam Trân để tự hào về quê hương…

Thế nhưng, những ngày này, tôi lùng khắp Đà Nẵng để tìm thứ trái chua chua ngọt ngọt mang đậm hương sắc Quảng Nam đã không còn thấy. Người dân Đà Nẵng đã quen với trái loong boong Thái Lan ngọt lịm nên không còn mặn mà với loòng boong xứ Quảng. Một chị bán trái cây ở chợ Hàn đã nói khi tôi hỏi chị về loòng boong “mình”:

“Bữa nay không ai ăn trái đó nữa, họ chê chua…”. Bỗng nhiên tôi thấy cảm giác thiệt chua và thiệt buồn… Vậy đã vắng những rổ loòng boong vàng ươm ở các sạp trái cây khắp chợ? Vậy là tình yêu thủy chung son sắt của người con gái Quảng Nam “Trái bòn bon trong tròn ngoài méo/Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi/Em thương anh ít nói ít cười/Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng” cứ chơi vơi, chơi vơi…

Không mua được thứ trái quê mình, tôi đành mua vài ký loòng boong Thái làm quà cho bạn. Rời hàng trái cây, sao thấy sống mũi cứ cay cay. Vị chua chua, ngọt ngọt trái loòng boong quê mình cứ ám ảnh suốt đường về.

THỦY TRÚC

;
.
.
.
.
.