.

Sẻ chia bất hạnh

.

4 giờ chiều, một người đàn ông đứng chờ ngoài sân Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng cơ sở 1 ở số 119 Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Trong phòng tập phục hồi chức năng (PHCN) của trung tâm, cô Lê Thị Hoa đang hướng dẫn cho một bé trai những động tác vận động đôi chân.

Học và chơi bằng liệu pháp tâm lý để vơi đi nỗi đau.

Đó là em Ngô Thành, 13 tuổi, cha em từng là bộ đội đóng quân ở sân bay Khâm Đức cũ – một trong những nơi chứa chất độc da cam/điôxin của quân đội Mỹ ngày trước. Người đàn ông đi vào, giới thiệu là ông nội của Thành, đôi mắt ánh lên sự biết ơn: Cháu nó bị hồi gia đình còn ở trên Khâm Đức, hai mắt to, đầu lớn, chân tay không cử động được, cực khổ trăm bề. Khi cha mất, mẹ bỏ đi, nó về ở với tui. Năm 2006, tui đưa nó vô trung tâm đây, được các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mấy lần, chừ thì cơ thể bình thường trở lại rồi, đi lại được.

Cô Lê Thị Hoa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế, làm việc ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê 7 năm, sau đó chuyển về trung tâm làm kỹ thuật viên vật lý trị liệu - PHCN. Do một đồng nghiệp đang đi dự tập huấn chuyên môn ở Huế, những ngày này, cô Hoa phải chạy đi chạy về giữa cơ sở 1 ở 119 Nguyễn Như Hạnh và cơ sở 2 ở 112/11 Quang Trung để tập các bài PHCN cho một số em.
 
Bên cạnh những trường hợp may mắn như Thành, có không ít em vẫn phải sống trong bất hạnh. Ở cơ sở 2 có em Xuân Anh bị khuyết tật vận động không đi được, nếu gia đình có tiền đưa em đi phẫu thuật sớm thì em sẽ không bị liệt. Giờ đây, các cô duy trì các bài tập luyện PHCN cho em cũng chỉ để giảm biến chứng co rút, kéo dài thời gian teo cơ.

Ông nội em Ngô Thành: Cháu đi được rồi, thiệt là phước đức.

 

Theo BS Văn Ngọc Kỳ, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng, chất độc da cam/điôxin làm biến chứng nặng nề về cả trí tuệ, vận động, nhìn, nghe của người bị nhiễm. Bệnh viện triển khai PHCN cho hệ vận động nhiều hơn, phối hợp giữa phẫu thuật chỉnh hình và PHCN. Những dị dạng về chân, tay, mặt, vẹo cột sống, trật khớp… nếu thấy trường hợp nào có thể can thiệp được bằng phẫu thuật thì sẽ thực hiện với kỹ thuật tương đối mới về lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình. Trong PHCN, các kỹ thuật viên sẽ tập luyện, lấy lại chức năng cho bệnh nhân, sau đó phối hợp làm các dụng cụ chỉnh hình trợ giúp như giày, nẹp, máng nhựa...

Vừa rồi, bệnh viện đã tập huấn một tuần lý thuyết về vật lý trị liệu và PHCN cho nhóm gần 10 kỹ thuật viên của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh; sẽ tập huấn thêm một tuần nữa về thực hành và chuyển giao công nghệ với kỹ thuật tiên tiến tại cơ sở. Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đà Nẵng cho biết, một số kỹ thuật viên là người khuyết tật hiện chưa có chuyên môn nhưng có tấm lòng. Qua các lớp này, họ sẽ càng gần gũi, sẻ chia bất hạnh hơn với những người đồng cảnh ngộ.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của toàn xã hội, sẽ có nhiều em bé như Thành nhìn thấy một hướng mới về tương lai của mình, có được nguồn vui, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Bác sĩ Văn Ngọc Kỳ, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng:

PHCN cho người khuyết tật nói chung, nạn nhân chất độc da cam/điôxin nói riêng là một trong những chương trình tôi cho rằng mang tính nhân đạo, nhân văn, xã hội rất cao. Mục tiêu là làm cho tất cả những người bất hạnh này được tiếp cận các kỹ thuật PHCN tiên tiến, từ đó nhận ra rằng mình không khuyết tật, mà là một con người có thể cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho xã hội.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.