.

Hòn non bộ giữa lòng Đà Nẵng

.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm giữa một địa thế tuyệt đẹp: từ biển Mỹ Khê kéo dài đến bán đảo Tiên Sa. Quần thể năm ngọn núi Kim – Mộc – Thủy - Hỏa - Thổ bao bọc quanh mình nó rất nhiều huyền thoại khác nhau. Không gian thơ mộng, cảnh trí bảng lảng sắc màu cổ tích đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn một sắc thái thần tiên.

 

Đến với Đà Nẵng, du khách không thể không dừng chân trước vẻ đẹp hùng vĩ của 5 ngọn núi mang tên Ngũ Hành Sơn. Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng vi hành đến đất này. Ông du ngoạn, thưởng lãm khắp các danh thắng và tự mình đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên: Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian. Theo Kinh dịch thì ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ.

Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường. Những núi này do bị nước mưa và khí hậu xâm thực, xói mòn tạo ra những hang động với mọi hình thù kỳ dị, làm cho núi có những sắc thái đặc thù. Mỗi sáng, ánh nắng mặt trời len lỏi qua các ngách đá tạo ra vẻ lấp lánh trên thạch nhũ với vô số hình hài khác nhau mà du khách có thể cảm nhận theo trí tưởng tượng của mình.

Ở động Quan Âm, nhiều thạch nhũ tạo ra những bức tượng Phật rất độc đáo, trong đó khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất hoàn hảo, đẹp hơn bất cứ pho tượng nào do thợ điêu khắc tạc nên. Trong động Quán Thế Âm còn có bộ tam khí nhà Phật gồm chuông, trống, mõ bằng đá, đánh vào nghe vang âm.

Cuối động là hồ nước mát trong, lạnh ngọt quanh năm, được gọi là hồ nước Cam lồ. Nhiều ngôi chùa khác trong quần thể chùa Ngũ Hành Sơn cũng lưu giữ nhiều hiện vật thuộc tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, mang đậm dấu ấn của các thời kỳ lịch sử dân tộc. Ngoài ra, trên những vách đá rêu phong, du khách đến đây còn có thể tìm thấy những bút tích đề thơ, vịnh cảnh của các thi nhân từ thời Trần, Lê...

Từ Vọng giang đài trên ngọn Thủy Sơn, ta có thể nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc trong hoàng hôn, hoặc đứng trên Vọng Hải đài dõi nhìn bãi cát cắt dọc theo chân sóng, phóng tầm mắt bao quát phong cảnh với mây bay gió thoảng, những làn sóng nhẹ xô đuổi vào bờ cát trắng. Chiều xuống, người người tấp nập ra tắm biển, hóng gió, từng tốp ngư dân nhẫn nại đẩy thuyền thúng ngoài khơi..., lòng người như đã giao cảm được với đất trời.

Đến với Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian của những lễ hội, của phong cảnh hữu tình, của làng nghề nhộn nhịp..., mà còn có được một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bãi biển Non Nước. Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Cùng với Bà Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế giới.

Ngũ Hành Sơn làm cho du khách như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bên cạnh, những giá trị văn hóa tâm linh đã góp phần làm nên sự kỳ ảo và hấp dẫn mà một khi đã đến bạn sẽ không thể nào quên.

LƯU THÙY GIANG

;
.
.
.
.
.