Trong quá trình lịch sử và quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào, vai trò của cộng đồng người Việt ở đất nước Triệu Voi và các nỗ lực hỗ trợ trên tinh thần tình nghĩa anh em của các tỉnh duyên hải miền Trung đối với các tỉnh Trung-Nam Lào có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho hai bên, mà còn tạo tiền đề xây dựng một hành lang kinh tế-giao lưu văn hóa hòa bình và bền vững. Từ ngày 8 đến 10-9, Hội thảo quốc tế về các sự kiện lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào khu vực Trung Lào được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị đã minh chứng rõ hơn vấn đề này.
Việt kiều và các bạn Lào tại lễ thông xe cầu Hữu Nghị (Ảnh: T.Đ.T) |
Một số công chức, viên chức, sĩ quan, binh lính bị Pháp đưa sang Lào phục vụ bộ máy cai trị và một số sang Lào làm ăn buôn bán. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, một số ít người Việt là quan chức, binh lính chế độ cũ đã ở lại định cư tại Lào... Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có hơn 20.000 người, một nửa trong số đó sinh sống ở thủ đô Vientiane, còn lại ở các thành phố lớn như Champassak, Savannakhet và Khammuon... Được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ bạn, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đã phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố, có vai trò trong kinh tế-xã hội địa phương và có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh. Tại các tỉnh và thành phố lớn Vientiane, Pakse, Savannakhet… đều có các Hội Người Việt Nam hoạt động khá mạnh.
Nhiều Hội với sự trợ giúp của chính quyền các tỉnh trong nước ở khu vực miền Trung đã tổ chức tốt việc dạy và học tiếng Việt cho con em mình và cho cán bộ, con em các bạn Lào, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động thường xuyên như ở Pakse, Savannakhet... Từ sau đổi mới và nhất là khi Hành lang kinh tế Đông Tây thông tuyến vào cuối năm 2006, nhiều kiều bào đã đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực vận tải, du lịch mang lại nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa và kinh tế của nhân dân hai nước.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tặng quà cho Trung tâm tiếng Việt tại Savanakhet. (Ảnh: T.Đ.T) |
|
Bên cạnh những thành tựu về ngoại giao nhân dân đó, hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, trong đó có các tỉnh duyên hải miền Trung, đều có quan hệ hợp tác và kết nghĩa anh em với các tỉnh, thành của bạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 1.500 lưu sinh viên thuộc các tỉnh Trung và Nam Lào theo học các ngành khoa học xã hội - nhân văn và tự nhiên tại các trường thuộc ĐH Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn, Vinh và TP. Đà Nẵng, theo các hiệp ước liên chính phủ, hiệp định hợp tác song phương giữa các tỉnh và cả du học tự túc.
Đến nay, Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh Savanakhet, Champasak, Salavan, Sekong với tổng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương này khoảng 7,2 tỷ đồng, bao gồm: Xây mới Trung tâm tiếng Việt tại thị xã Cayxon (tỉnh Savanakhet); Tiếp tục hỗ trợ con giống, kỹ thuật và một số máy móc nông nghiệp cho tỉnh Savanakhet; Tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển Nông trại Nỏnđẻng và hỗ trợ con giống cho tỉnh Salavan; Hỗ trợ Hội Người Việt Nam tại các tỉnh Sekong và Savanakhet kinh phí xây dựng trường học và công tác giảng dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều... |
Đến nay, đã có hàng chục công ty tại các tỉnh duyên hải miền Trung đầu tư và có quan hệ thương mại tại Lào. Riêng TP. Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp đang đầu tư tại Lào với tổng vốn gần 51,4 triệu USD trong các lĩnh vực khai khoáng, dệt nhuộm, trồng cao su, gạch tuy-nen và chế biến lương thực... Năm 2007, Đà Nẵng xuất khẩu sang Lào hơn 12 triệu USD, chủ yếu là nhiên liệu (xăng dầu các loại), vật liệu xây dựng, cao su thành phẩm, máy móc thiết bị và xe ô-tô chở khách. Kim ngạch xuất khẩu của năm 2008 đã tăng lên 23 triệu USD, tăng 63% so với năm trước.
Từ năm 2001 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ các tỉnh Trung và Nam Lào nhiều dự án bằng ngân sách địa phương, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, qui hoạch kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, giao thông, huấn luyện thể thao với tổng kinh phí gần 18,7 tỷ đồng, như hỗ trợ tỉnh Savanakhet xây dựng Nông trại Pạcpo đầu tư giống heo, vịt và giống rau; hỗ trợ tỉnh Salavan tu sửa Nông trại Nỏnđẻng và hỗ trợ con giống; hỗ trợ các tỉnh Savanakhet, Sekong, Salavan các trạm trộn thức ăn gia súc.
Buôn bán trong chợ mới ở trung tâm Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak. Chợ do người Việt đầu tư xây dựng (Ảnh: N.Thành) |
Các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh Trung, Nam Lào còn có nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trên nhiều lĩnh vực du lịch lữ hành, văn hóa, phòng chống tội phạm qua biên giới và an ninh-quốc phòng..., nhằm tạo ra cho hai nước cũng như toàn bộ Hành lang kinh tế Đông Tây một không gian hợp tác vì hòa bình và hữu nghị bền vững.
Như phát biểu của bà Siphone Banchongphanith, Tổng Lãnh sự CHDCND Lào tại Đà Nẵng vừa kết thúc nhiệm kỳ 7 năm công tác tại miền Trung vào đầu tháng 9 vừa qua: “Lãnh đạo, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã dành cho các tỉnh Trung và Nam Lào nhiều sự giúp đỡ to lớn với nhiều dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Điều đó đã góp phần gìn giữ và phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào”.
Theo số liệu của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào- Campuchia, tính đến cuối tháng 12-2008, Việt Nam đã có 157 dự án đầu tư sang Lào được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 811,59 triệu USD, trở thành một trong những nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp tại Lào. Riêng trong năm 2008, trao đổi thương mại đạt 422,856 triệu USD, tăng 35,39% so với năm 2007. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 136,4 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng dệt may, than đá, dây điện và dây cáp điện, các sản phẩm chất dẻo. Việt Nam nhập khẩu trên 259 triệu USD, với các mặt hàng như kim loại thường, gỗ và sản phẩm gỗ, ô-tô nguyên chiếc các loại và nguyên phụ liệu thuốc lá.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG