.

Người nhà quê

.

Bà cụ hối hả chuẩn bị để sáng sớm mai ra thành phố bởi nhớ con nhớ cháu. Bà có thằng con trai độc nhất có vợ ở thành phố đẻ ra thằng cháu nội cũng độc nhất.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lương liệt sĩ của chồng tạm đủ để sống nếu trong tháng đó không phát sinh đau ốm. Rau trái trong vườn bán được bà để dành đủ một chỉ thì đổ vàng rồi tỉ mỉ tẩn mẩn gói bằng vải mùng. Quấn một lớp. Hai lớp. Ba lớp. Bốn lớp. Đến lớp thứ năm mới yên tâm. Trước lúc quấn, bà đếm đi đếm lại được năm khoen. Bà khoét cái lỗ trong gốc cột bàn thờ rồi nhét cục vải mùng vào nêm chặt lại, sau đó lấy tờ giấy lịch dán lên xóa dấu.

Năm chỉ. Ừ. Là số sinh! Bà gật gù trong đêm khuya. Ánh điện hắt bóng bà lên bức vách căn nhà gỗ dựng từ năm một ngàn chín trăm tám mươi.

Bốn giờ sáng gà gáy te te. Thôn xóm còn chìm trong giấc ngủ bao phủ bởi màn sương tỏa ra từ ba bên bốn bề núi rừng lô xô lúp xúp một vài căn nhà ủ dột.

Bà hối hả đi bộ một quãng đường đất ngoằn ngoèo cây cỏ bụi rậm mất ba mươi phút. Bắt xe ôm mười lăm cây số xuống bến xe trung tâm huyện hết hai mươi nghìn. Trời hửng sáng. Tám mươi cây số xe hàng chạy đến thành phố hết hai mươi nghìn. Xe ôm chở mười lăm cây số đến nhà con trai hết hai mươi nghìn. Tổng cộng mất gần bốn giờ đồng hồ và hết sáu mươi nghìn đồng.

Bà hấp tấp gõ lốc cốc vào cánh cổng sắt.

Con béc-giê cao nghều nhe hàm răng nhọn xừng cái bờm lông bấu hai chân trước lên cánh cổng kín mít trợn trừng mắt nhìn qua khe hở.

Thằng cháu từ tầng hai chạy xuống kéo tuột con chó vào. Thằng cháu chạy ra lại để mở cổng. Cánh cổng ken két mở rồi kèn kẹt đóng.

“Cháu bà lớn nhanh thế này cơ”. Bà xoa xoa đầu cháu. Thằng cháu cúi đầu quay chỗ khác.

“Bà mang quà quê cho cháu nè”. Miệng đang nhai trầu bỏm bẻm. Bà đưa cái đãy một đầu dây cột gút có đựng hai nải chuối mốc, một gói xôi đậu, mấy củ sắn luộc, một lon khoai chà.

Thằng cháu cầm cái đãy chạy tọt lên cầu thang. Con béc-giê đứng gầm gừ bên hàng kiểng hình con sư tử, con đại bàng, con nhân sư. Bà bước lên những bậc tam cấp vào nhà. Đặt cái làn trên bàn bếp. Cởi nón cời. Bà vào buồng tắm. Xong. Bà cầm bộ đồ nhớp trong buồng tắm của anh con rồi bỏ vào thau. Bà lọ mọ giặt.

Thằng cháu học trường chuyên lớn nhất thành phố. Bà nghe người ta nói nó học rất giỏi. “Cái ngữ con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ở quê người ta đồn: “Con trai bà thành đạt nhứt ở cái làng cái xã này. Giờ đã là cái ông chi trên cả tiến sĩ rồi đấy”. “Đúng là số bà sướng. Chắc kiếp trước phải ăn ở có phước có đức, con trai bà mới được như ngày nay”. Thây kệ người ta bàn tán nó vẫn là thằng con trai của bà.

Phơi bộ đồ xong. Bà nằm trên chiếc ghế xếp giữa nhà tầng trệt ngủ không hay. Mở mắt, trời xế chiều. Thằng cháu đã đi học tự lúc nào. Cánh cổng im ỉm khóa . “Vợ chồng hắn chắc ở lại cơ quan rồi. Ghớm. Làm việc Nhà nước mà”.

Bà xuống bếp, lục cơm nguội. Làm một bát ứ hự. Bà quen với phong thái ăn này đã mấy mươi năm kể từ ngày chồng hy sinh, sau đó con trai ra thành phố học đại học, cưới vợ ở lại làm luôn. Sống một mình, nấu một lần ăn cả ngày. Đầu tuần gửi hàng xóm đi chợ ăn đến hết tuần. Rứa là khỏe nhất.

Con béc-giê ngồi bệt trên hai chân sau chống thẳng hai cẳng trước đưa ánh mắt nhìn bà im lặng. Bà chia cho nó một bát cơm trộn với cá để trong tủ lạnh.

Xong nhiệm vụ với cái bụng. Bà bu cầu thang leo lên tầng một. Dạo khắp một lượt. Bà lẩm bẩm “Không bõ công nó cơ cực để được như ngày hôm nay”.

Từ tầng một bà bu cầu thang bò lên tầng hai. Dạo khắp một lượt. Bà lẩm bẩm “Thằng cháu giống thằng cha hồi nhỏ như đúc”. Bà lui cui sắp xếp một lượt tất cả mọi thứ.

Bà vịn cầu thang xuống tầng một rồi vịn cầu thang tiếp tục xuống tầng trệt. Bà nằm tựa cái lưng mỏi nhừ lên cái ghế xếp. Bà không biết bật chiếc ti-vi to tổ chảng chi chít những nút là nút.

Con béc-giê nằm một bên, cái đuôi ve vẩy, mắt dõi theo từng hành động của bà. Bà nhìn nó rồi gọi:

“Lại đây”. Tay bà ngoắc ngoắc.

Con chó nhìn bà chăm chú rồi đứng dậy đi chậm rãi đến với một chút còn dè chừng.

“Lại đây với bà nào”.

Con chó gật gù, phe phẩy đuôi, ngoe nguẩy thêm hai cái tai tiến đến gần. Bà đưa bàn tay trước mặt nó. Con chó le cái lưỡi dài ngoẵng liếm liếm lên bàn tay nhăn nheo thô ráp.

“Con chó cao to phải biết. Nuôi mày phải mất hơn miệng ăn chẳng chơi”. Bà càm ràm với nó.

Bà nằm trên chiếc ghế. Con béc-giê nằm trầm ngâm dưới chân bà miệng gác trên hai cẳng trước, hai tai khuỵp xuống. Trông nó dài đến cả mét.

Cánh cửa sắt ken két mở rồi kèn kẹt đóng. Con béc-giê mừng húm nhảy cẫng bu lên người phụ nữ trạc năm mươi, quần jean bó cặp đùi tròn căng, áo thun ôm trọn vòng eo quá lứa, má đánh lớp phấn lớp son phớt hồng, những vòng vàng lẻng xẻng đầy trên cổ đầy trên cánh tay có ngấn.

- Ra khi mô đó? Sao không điện trước. Con dâu vừa dắt xe vào vừa hất hàm.

- Có địa chỉ rồi. Má đi xe ôm đến cũng được. Con bận việc Nhà nước nhiều mà.

- Đã ăn uống gì chưa?

- Má bới cơm nguội ăn rồi.

Con dâu dựng chiếc xe ga. Vứt cái xách trên ghế salon quay lưng đi lên tầng một. Người mẹ cầm cái xách treo lên cái ngoắc trên tường nhà tầng trệt.

Con béc-giê dụi đầu vào chân bà. Bà nhìn đồng hồ treo trên tường. Đã hơn sáu giờ một tẹo. Bà ngồi trên ghế xếp lấy hai tay trói hai cái cẳng tong teo.

Một lát. Từ tầng hai, con dâu hấp tấp chạy xuống dắt xe ra khỏi nhà. Cánh cổng sắt ken két mở ra rồi kèn kẹt đóng.

Còn lại bà và con chó. Con chó nhìn bà vẻ trìu mến. Xem ra nó rất vui khi có người để làm bạn.

Bà lọt thỏm trong chiếc ghế sa lon lớn. Con béc-giê ngồi một bên ngoe nguẩy đuôi. Bà nhìn theo con dơi sẻ liệng vào nhà không tìm được đường trở ra đang bay nhập nhoạng. Con dơi sẻ đập đầu vào tường. Rồi thối ra. Rồi nhập nhoạng đập vào. Bà quệt vôi vào lá trầu. Lấy một miếng cau rồi bỏ tất vào miệng nhai chóp chép chóp chép, chốc chốc đi ra nhổ phẹt nước trầu đỏ au vào gốc kiểng hình con sư tử, con diều hâu. Con béc-giê lon ton chạy theo ra rồi chạy theo vào.

Tám giờ. Con dâu đèo cháu về trên xe ga treo hộp cơm gà xé cho bà và mấy khúc xương cho con béc-giê. Con béc-giê ngoài mấy khúc xương còn có thêm thau cơm nguội trộn cá kho để trong tủ lạnh.

Con dâu bước hai bậc cầu thang một lên tầng một. Thằng cháu mang cặp chạy thoăn thoắt thoăn thoắt lên tầng hai. Bà lọt thỏm trong ghế sa lon ăn cơm hộp. Con béc-giê nằm nhai mấy khúc xương cồm cộp bên cạnh. Chốc chốc nó nhe răng quầu mấy con mũi vằn bay váng vất trước mắt.

Chín giờ. Bà tắm giặt xong. Con dâu xuống tầng trệt dắt bà vào căn phòng sau phòng bếp. Trong phòng có cái giường gỗ cũ. Bà nhớ hôm con trai lên chức cộng với về nhà mới, cái tin nóng dẻo này chạy về quê. Ai cũng đến hỏi “con trai nhận chức cao, mừng nhà to, bà có ra dự không”? “Không biết. Nhà không có điện thoại nên không liên lạc về được”. Bà lấp lửng.

“Thế hôm con trai đọc diễn văn trên ti-vi, bà có xem không”?

“Không. Nhà bà không có ti vi”. “Vì bà sống một mình nên có cần chi ti-vi tốn điện. Khi mô thèm xem phim thì lội qua nhà chị hàng xóm xem ké”. Nhưng dù gì thì bà cũng cảm thấy tiếc hùi hụi. Nếu biết con trai lên ti-vi đọc diễn văn, thể nào bà cũng nhờ chị hàng xóm mở qua kênh đó để xem cho sướng.

Mười một giờ. Trằn trọc mãi hai mắt vẫn ráo hoảnh. Bà cố dỗ giấc ngủ sau một ngày xương cốt mỏi nhừ gần bốn tiếng ngồi xe. Bà nghe có tiếng ô-tô con đậu trước cổng. Đèn pha sáng choang dãy phố. Con béc-giê nhào ra sủa loạn lên. Tiếng sủa của nó ồn ộn cả khu phố mới toàn những tòa nhà cao tầng cao ngất. Chiếc ô-tô lao vút đi và đèn pha tắt phụt. Cánh cổng sắt ken két mở rồi kèn kẹt đóng. Con béc-giê nhận ra chủ nhảy cẫng lên sung sướng mừng rối rít. Bà mở cửa phòng lò dò đi ra trong tiếng càu nhàu của con dâu:

“Bà dậy mà coi con trai quý hóa của bà đây này”.

Con dâu bước những bước dài lên cầu thang trong bộ đồ ngủ mỏng tang. Con trai ngật ngưỡng bước lên những bậc tam cấp. Đến giữa tầng trệt cúi xuống, loạng choạng, hai tay lúi húi cởi đôi giày vứt phẹt giữa nhà.

“Con làm chi mà uống nhiều rứa”.

“Con đi tiếp khách. Má mới ra à”.

“Má ra lúc trưa”.

“Thằng Đức đâu rồi. Lấy cơm cho nội ăn chưa”? Anh con trai có vẻ xỉn quá.

“Má ăn rồi. Để cho cháu ngủ chứ khuya rồi con à. Con tắm rồi ngủ cho khỏe”. Người mẹ giúp con trai cởi đôi tất và chiếc cà vạt vắt lên cái khoen trên bức tường tầng trệt rồi cầm đôi giày đặt lên cái sạp giày dép một cách tỉ mỉ.

Anh con trai loạng quạng leo lên cầu thang rồi mất hút ở góc quanh. Đèn điện cầu thang phụt tắt. Người mẹ ngồi lại lọt thỏm trên chiếc ghế salon. Một lát sau người mẹ đứng dậy với tay tắt điện tầng trệt rồi vào căn phòng có mùi ẩm mùi mốc cố dỗ giấc ngủ.

Mười hai giờ hơn, người mẹ thiếp đi chập chờn.

Năm giờ sáng. Bà lúi húi quét hết tầng trệt ra ngoài hiên ra ngoài khoảnh sân nhỏ. Dọn mấy đống phân chó. Con béc-giê chạy tới chạy lui đuổi theo con bướm rồi ngoạm vào gấu quần bà. Con dâu xuống tầng trệt nấu món phở sáng. Con trai bước những bước dài xuống cầu thang. Tóc nó đã điểm hoa râm. Đã năm lăm rồi mà. Da trắng, thân hình mập mạp, trán rộng, cao, dáng đi bệ vệ, cổ ngắn nhiều mỡ. Thằng cháu cao lều nghều mang cặp táp chạy từ tầng hai xuống.

“Tối qua con uống say quá. Má ngủ được không”.

“Ừ. Má ngủ rất ngon”.

Mỗi người hì hụp xong bát phở sáng của mình.

“Con đi làm. Ở nhà không được mở cổng cho bất cứ ai”. Con dâu dặn dò.

“Đồ ăn trong tủ lạnh. Trưa lấy hâm trên bếp ga rồi nấu lon gạo trong nồi cơm điện này này”. Con dâu dặn thêm.

Một chiếc ô-tô đen bóng lộn đỗ xịch trước cổng. Người tài xế đeo kính đen, bộ đồ láng coóng, thắt cà vạt đỏ, mang giày đen, mở cửa, bước nhẹ xuống, đi vòng qua đầu xe, mở cánh cửa bên phải, tay khoanh trước ngực đứng im lìm. Anh con trai bệ vệ, bước ra, mở cánh cổng kèn kẹt, không quên chào người mẹ:

“Con đi làm”.

Còn lại con dâu và cháu.

“Con chở thằng Đức đi học đi làm luôn”.

Cánh cổng kèn kẹt đóng lại.

“Cái thằng, học cấp ba mà để má chở đi miết rứa biết bao giờ khôn. Không giống thằng cha lớp một đã cưỡi xe đạp phăng phăng đường làng. Lớp hai chăn trâu tận trong núi no kềnh. Lớp năm đã biết đi cày ruộng lấy công gặt lúa”. Người bà lẩm nhẩm.

Con béc-giê đứng trên bậc tam cấp trong nhà, nheo mắt nhìn ra cánh cổng kín mít. Ánh nắng bắt đầu tràn vào căn phòng. Ngoài đường, anh bán bánh mì rao ơi ới. Chị vé số dạo tất tả bước nhanh qua. Một vài con bướm vàng, đen bay lập lờ trên mấy chậu kiểng. Bà ngồi hai tay bó gối, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Chốc chốc bước ra nhổ phẹt vào chậu kiểng hình con hổ. Con béc-giê cũng lon ton chạy theo ra rồi chạy theo vào.

Tiếng nhạc rộn ràng. Chiếc xe rác dừng lại trước cổng. Hàng xóm hối hả mở cổng mang theo những xô những thùng trút vào thùng xe rác. Bà mở cổng, tay xách thùng rác trước hiên, vội bước. Người công nhân môi trường nhanh nhảu nắm lấy thùng rác từ tay bà rồi đổ ào vào thùng xe. Bà dõi đôi mắt đã cũ nhưng còn sáng nhìn với theo. Đập vào mắt là cái đãy quen thuộc của chồng lòi ra trong đống rác. Hơn ba mươi năm trước, sau giải phóng một năm người đồng đội cũ của chồng tìm đến trao cho bà cái đãy này. Đó là di vật cuối cùng còn lại của chồng. Cái đãy in hình đôi chim bồ câu đã đóng lại chút hy vọng cuối cùng của bà. Người công nhân môi trường cầm lấy cái đãy giũ giũ. Bịch khoai chà, mấy củ sắn luộc, gói xôi đậu, hai nải chuối mốc đã chín. Tất cả chòi ra khỏi cái đãy. Người công nhân kịp thả cái đãy chụp được một nải chuối trước lúc tất cả chạy tuột vào cái họng rác đen ngòm thối khoắm.

Chiếc xe rác rà rà chạy. Tiếng nhạc réo rắt xa dần xa dần rồi tắt lịm.

Bà thất thểu đi vào thẫn thờ kéo cánh cổng sắt ken két đóng lại.

Con béc-giê lẽo đẽo đi theo sau trong câm lặng.

Ba ngày sau. Ăn sáng xong. Con dâu chở cháu đi học đi làm luôn. Anh con trai còn đang đợi xe.

“Má về con à”. Người mẹ mở miệng xua không khí giữa hai mẹ con ở tầng trệt trong khi anh con trai đang tranh thủ lướt tờ báo.

“Ở lại chơi với con với cháu chứ về cái xó xỉnh đó một mình làm chi, chết không ai hay”.

“Má già rồi nên đi xa mấy ngày đã nhớ nhà, nhớ làng xóm”.

“Thôi. Tùy”. Anh con trai thò tay móc bóp.

“Con để chi tiêu. Má có lương liệt sĩ của ba con đủ sống rồi”.

Bà vỗ nhè nhẹ lên đầu con béc-giê. Con chó ngoe nguẩy cụp cái đuôi, xếp hai cái tai, dõi mắt nhìn theo dáng người mẹ dần ra cổng. Cánh cổng ken két mở ra rồi kèn kẹt đóng lại

Xe ô-tô con đưa người mẹ đến bến xe mất năm phút. Tám mươi cây số xe hàng chạy đến trung tâm huyện hết hai mươi nghìn. Bà đi bộ một quãng vào trong chợ rồi ra lại hết sáu mươi nghìn và mất ba mươi phút. Bà bắt xe ôm mười bảy cây số đi về làng mất hai mươi nghìn. Đi bộ một quãng về đến nhà mất chừng mười lăm phút. Tổng cộng mất bốn giờ đồng hồ và hết một trăm nghìn đồng.

Làng xóm già trẻ bé choai tay bồng tay ẵm chạy đến hỏi thăm. Bà lấy quà trong cái cạp làn.

“Đây. Quà con dâu gửi về biếu các cháu nhỏ”.

“Ừ. Nhà to ra phếch”.

“Ừ. Sáng có xe con đón đi. Tối xe nhỏ chở về tận nhà”.

“Ừ. Thằng Đức giống cha như đúc. Học giỏi và ngoan lắm. Thấy bà ra nó cứ bám riết đòi kể chuyện quê, chuyện xóm. Rồi cứ đòi về chơi miết nhưng bận học suốt”. Bà hồ hởi trả lời hàng xóm.

Ba tháng sau. Bà mở cái nút ở gốc cột cạnh bàn thờ. Bà lôi cục vải mùng lần qua năm lớp vải bà đếm đi đếm lại được bốn cái khoen. Một khoen tháng trước bị ốm bà phải bán.

Bà lắc đầu trong đêm khuya. Ánh điện hắt bóng bà lên bức vách căn nhà gỗ dựng từ năm một ngàn chín trăm tám mươi.

Bốn giờ sáng gà le te gáy. Thôn xóm còn im lìm trong giấc ngủ bao phủ bởi màn sương dày tỏa ra từ ba bên là núi rừng lô xô lúp xúp một vài căn nhà ủ dột vắng lạnh.

Bà mò mẫm đi bộ một quãng đường ngoằn ngoèo đất sét lún mắt cá chân mất chừng ba mươi lăm phút. Bắt xe ôm mười lăm cây số xuống bến xe trung tâm huyện hết hai mươi lăm nghìn. Trời còn mờ tối. Tám mươi cây số xe hàng chạy đến thành phố hết hai mươi lăm nghìn. Xe ôm chở mười lăm cây số đến nhà con trai hết hai mươi lăm nghìn. Tổng cộng mất gần bốn giờ đồng hồ và hết bảy mươi lăm nghìn đồng.

Con béc-giê cao nghều bấu hai chân trước lên cánh cổng sắt kín mít nguýt đuôi phẩy tai múa ngoáy tít cái mông rít lên âng ẩng.

Bà chậm rãi gõ lốc cốc lên cánh cổng sắt.

Cánh cổng sắt ken két mở ra rồi kèn kẹt đóng lại. Con béc-giê nhảy chồm chồm lên người bà mừng húm. Con dâu quay lưng bước từng bước lên bậc tam cấp. Cháu nội chúi mũi trên những trang sách ở tầng hai trong tiếng xập xình một bản nhạc nước ngoài. Con trai đang bận dự tiệc ở một khách sạn năm sao.

“Bà mang quà quê cho cháu đây nè”. Bà nói với lên tầng hai. Trong cạp làn: Bao đậu phộng già nấu chín. Hai khúc mía tím to bằng cổ tay. Bọc dâu đất trái to màu đỏ ửng.

Bà ngả cái lưng mỏi nhừ trên chiếc ghế xếp. Con béc-giê nằm phủ bên chân bà. Bà xoa nhẹ lên đầu rồi lên cái bờm lông của nó. Con chó im lim dim mắt.

Mười một giờ đêm. Bà đang cố dỗ giấc ngủ. Bà nghe trong người mệt và khó thở. Tim đập dồn dập đứt quãng. Bà với tay lấy gói thuốc trong cái cạp làn bóc vội mấy viên bỏ vào miệng nuốt đánh ực khô rát cổ họng rồi vuốt nhẹ vuốt nhẹ lên vùng tim đang đập liên hồi bất tận. Tiếng xe ô-tô con đậu trước cổng. Ánh đèn chiếu sáng cả khu phố. Con béc-giê nhảy xổ ra mừng rối rít. Cánh cổng sắt ken két mở rồi kèn kẹt đóng trong tiếng làu bàu của con dâu:

“Bà dậy mà ra xem thằng con trai quý hóa của bà đây này”.

“Mới chết một thằng đó cũng không chừa”. Con dâu tiếp.

Đó là người cháu gọi bà bằng bác ruột bị tai nạn xe máy chết được hai tháng.

Bà nằm im như không nghe, cố dỗ giấc ngủ. Gần một giờ sáng bà mới thiếp đi chập chùng trong hơi thở mệt nhọc bởi ngồi xe gần bốn tiếng đồng hồ.

Buổi tối hai ngày sau.

“Má gửi cái này con cất hộ. Để trong quê già lẩm cẩm sợ mất. Trộm cắp giờ ở mô cũng có”. Người mẹ lôi bốn cái khoen gói trong năm lớp vải mùng đưa cho con dâu.

Sáng hôm sau con dâu chở con trai đi học đi làm luôn. Một lát sau xe ô-tô con đến đón con trai đi làm. Con trai không quên chào người mẹ “con đi làm”.

Người mẹ nói chuyện với con béc-giê:

“Con trai bà chừ làm lớn nên bận nhiều việc chó à”. Con chó phe phẩy tai.

“Con dâu bà bận việc Nhà nước nên cũng đi cả ngày”. Bà vỗ nhè nhẹ lên đầu hắn. Con chó chúi đầu về trước rúc rúc cái mũi hít hít vào lòng bàn tay bà.

“Cháu nội của bà chăm học lắm. Con nít bây giờ sao học mãi học nhiều đến thế không biết”. Con chó giương mắt nhìn bà rồi lim dim.

“Bà cảm ơn mày nhiều chó à. Bà mang quà ra cho cháu bà nhưng không có quà cho mày. Mày đừng buồn và giận bà nghe chó. Cuối đời bà để dành được năm chỉ. Vậy mà chỉ một cơn đau đã hết một chỉ. Còn bốn chỉ bà mang ra gửi chỗ con dâu. Nói là gửi cất hộ nhưng là bà để cho cháu nội của bà. Bà sợ bà đi lúc nào không hay thì biết ai mà gửi mấy chỉ vàng đó cho kịp”. Con chó lại gật gù ra chiều hiểu hết mọi sự. Người bà vuốt nhẹ lên đầu nó mắng “mày biết chuyện chi mà gật gật”. Con béc-giê lại ngúc ngoắc cái đầu đầy lông, phe phẩy hai cái tai, chúi cái đầu về phía trước dụi dụi vào lòng bà. Bà đẩy tay chống hai đầu gối run run rồi bợ cái lưng còng cong đứng dậy đi vào phòng, tay lấy cái làn, tay đội nón lá. Người mẹ bước ra khỏi cửa, bấm ổ khóa kêu cắc khóa cửa lại. Con béc-giê đứng trên thềm ngoài hiên dõi mắt nhìn theo dáng đi cong cong của bà.

Người mẹ mở cánh cổng ken két rồi khép lại kèn kẹt. Người mẹ bấm cái ổ khóa cổng kêu cắc.

Con béc-giê rối rít chạy vào chạy ra nhảy chồm chồm lên cánh cổng miệng kêu âng ẩng rồi há miệng ngoạm vào thanh sắt cánh cổng giật mạnh giật rất mạnh.

“Bà về thôi chó à. Không biết có được gặp lại mày không”.

Người mẹ bước đi. Con béc-giê càng giật mạnh thanh sắt cánh cổng. Cánh cổng sắt rung lên bần bật im ỉm đóng.

Người mẹ cong cong chậm rãi cuốc bộ mất chừng mười phút. Trời mưa phùn. Bắt xe ôm đi tiếp mười bốn cây số đến bến xe hết hai mươi lăm nghìn và mất hai mươi phút. Lên xe hàng chạy tám mươi cây số về đến trung tâm huyện hết hai mươi lăm nghìn. Đi bộ một quãng vào trong chợ rồi ra lại hết bảy mươi lăm nghìn và mất ba mươi phút. Bắt xe ôm mười bảy cây số đi về làng hết hai mươi lăm nghìn. Người mẹ đi bộ tiếp một quãng về đến nhà mất mười lăm phút. Tổng cộng mất gần năm giờ đồng hồ và hết một trăm năm mươi nghìn đồng.

Làng xóm già trẻ bé choai tay bồng tay ẵm chạy đến hỏi thăm đủ mọi chuyện. Bà lấy quà trong cái cạp làn đưa chị hàng xóm chia cho con nít.

Bà không trả lời câu nào hết. Bà mệt vì đang lên cơn đau tim. Bà lần mở cái ghim túi áo lấy bọc thuốc bóc mấy viên bỏ vào miệng nuốt vội kêu cái ựt khô rát cổ họng. Chị hàng xóm pha gáo nước chè xanh đưa cho bà. Bà cầm lấy uống cạn một hơi.

“Chắc bà khát lắm”?!. Một người hàng xóm nói.

“Không. Chắc bà thèm nước chè xanh”. Một người khác chen vào.

“Tội nghiệp thân bà”. Một người nữa nói.

Mười ngày sau, có tin nhắn con dâu báo về “Trộm lẻn vào nhà lấy hết tiền và mấy chỉ vàng cất trong tủ. Tổng cộng khoảng vài mươi triệu. Rất may số tiền lớn đã gửi tiết kiệm ”.

Bà lắc đầu quậy quậy trong đêm khuya. Ánh điện hắt bóng bà lên bức vách căn nhà gỗ dựng từ năm một ngàn chín trăm tám mươi.

Năm ngày sau:

Ánh điện hắt một dấu chấm hỏi lớn dưới nền nhà đất lên bức vách căn nhà gỗ dựng từ năm một ngàn chín trăm tám mươi đúng một đêm cộng một ngày. Chị hàng xóm suốt ngày không thấy bà mở cửa qua xem ti-vi như mọi khi vội xô cửa vào. Chị nhìn thấy hình một dấu chấm hỏi lớn đang hắt lên bức vách. Bên cạnh vài viên thuốc rơi vãi trên nền nhà và vài viên còn nằm trong bàn tay nắm cứng của bà cụ. Chị biết bà cụ thường lên cơn đau tim đột ngột.

Đám tang người mẹ cả một đoàn xe ô-tô con biển xanh biển trắng kéo dài hun hút trong cơn mưa ngút trời và mặt đất thì sụt sùi.

Trên ngôi mộ vừa đắp đất đỏ có đến trăm vòng hoa tươi đủ sắc màu, thoang thoảng mùi thơm của khói nhang, của hương hoa phảng phất trong gió lạnh chiều đông.

Bóng tối phủ trùm ngôi mộ người mẹ. Những vòng hoa bắt đầu héo úa cùng vài nén nhang lụi tàn. Ở thành phố, con béc-giê tự dưng bỏ ăn đến ba ngày.

Truyện ngắn của LÊ THÙY

;
.
.
.
.
.