.

Tiền hô, hậu chưa ủng

Tháng An toàn giao thông đã đi qua gần nửa chặng đường, nhưng dấu ấn để lại trong dân chúng quả thật còn mờ nhạt. Ngoài khí thế ban đầu từ những đợt ra quân tại một số địa phương và sự hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí, thì cuộc phát động này đang rơi vào cảnh “đá ném ao bèo”. Do chưa đáp ứng được những đòi hỏi nóng bỏng, cấp thiết của tình hình tai nạn giao thông gia tăng một cách đáng lo ngại hiện nay, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông như thông điệp Tháng An toàn giao thông đề ra: “Xây dựng văn hóa giao thông”.

Tình hình tai nạn giao thông tăng có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Khách quan chủ yếu do chất lượng phương tiện, chất lượng hạ tầng giao thông, thời tiết... Nhưng đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như cách tổ chức giao thông của cơ quan chức năng và “Văn hóa giao thông” của người tham gia giao thông.

Có thể nhận xét rằng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân chưa cao. Có thể nêu ra rất nhiều những dẫn chứng như chạy xe quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, chở quá tải, quá khổ, đi xe ngược chiều, sử dụng điện thoại khi đang lái xe, điều khiển xe nhưng không có giấy phép lái xe, sử dụng đường giao thông làm sân phơi lúa, rơm rạ khi mùa về không phải là cá biệt, điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm... Ở một bộ phận nhân dân còn ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa trong quá trình tham gia giao thông.
 
Không ít trường hợp người gây tai nạn bỏ mặc nạn nhân quằn quại giữa đường, còn mình chạy trốn; cũng không ít trường hợp lỗi va quệt do mình gây ra, thay vì xin lỗi người bị nạn thì làm ngược lại, lớn tiếng chì chiết, đổ lỗi cho người bị nạn yếu thế. Chuyện một thanh niên va quệt với một nữ sinh viên ở Hà Nội mới đây là một ví dụ. Không đỡ người bị nạn dậy đã đành, người thanh niên này còn đấm thẳng vào mặt nạn nhân ngay trước mặt cảnh sát giao thông.

Đà Nẵng ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông như nhiều thành phố khác, nhưng không phải không có. Nhưng nguyên nhân những lần ùn tắc đó do vụ tai nạn gây ra thì ít mà người đi đường tự gây ra thì nhiều. Người dân mình có thói quen lạ là khi gặp trường hợp tai nạn xảy ra, đều tò mò chen vào xem, dù biết rằng, mình chẳng giúp được chuyện gì, kể cả gọi xe cấp cứu nạn nhân. Người trước chủ ý dừng xe hỏi chuyện, người sau cũng chủ ý dừng xe hóng chuyện. Tất cả đều “tự nguyện” một cách vô thức mà dẫn đến tắc đường.

Tự ý thức được cái sai của mình mỗi khi vi phạm các quy định về pháp luật an toàn giao thông không phải ai cũng làm được, còn việc đấu tranh với những hành vi vi phạm của người khác lại khó khăn hơn nhiều. Không ít trường hợp nhắc nhở đối với hành vi mà người đi đường vi phạm biến thành một tai hoạ. “Bàng quan”, “thu mình” là cách ứng xử thường gặp trên đường. Đó là những trở ngại cần được tháo dỡ trong cuộc vận động “xây dựng văn hóa giao thông”.

Việc chọn chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông” là rất phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn nhưng chúng tôi cảm giác như chỉ có “phát” mà không có “động”; tiền “hô” mạnh mẽ, dõng dạc, nhưng hậu “ủng” còn rời rạc, yếu ớt. Những mục tiêu Tháng An toàn giao thông đề ra chưa thực sự thấm sâu, tạo chuyển biến trong quần chúng. Những nguy cơ gây tai nạn giao thông, do vậy, vẫn chưa được khắc phục.

Để tạo sự chuyển biến nhận thức cũng như ý thức của mọi người dân trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông không phải một sớm, một chiều, nhưng cũng rất cần thiết nhìn nhận, đánh giá hiệu quả các cuộc phát động để không rơi vào tình trạng hình thức, “đánh trống bỏ dùi”.

Tai nạn giao thông gia tăng là nỗi bức xúc lớn của xã hội, là vấn nạn của đất nước. Nhiều giải pháp hay được đề ra nhằm khắc phục tình trạng này nhưng kết quả mang lại còn quá mong manh. Có lẽ, cái “vòng kim cô” ở chỗ ta chưa toàn tâm, toàn ý, chưa quyết liệt tuyên chiến với vấn nạn này mà thôi.

MINH LONG

;
.
.
.
.
.