.

Văn hóa kẹo cao su

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh nhiều người nhai kẹo cao su ở mọi lúc mọi nơi. Người ta nhai kẹo cao su với đủ lý do, người thì nhai để cho thơm miệng, trắng răng, người thì nhai để giảm stress hay đơn giản hơn là để… giết thời gian.

Thói quen có thể nói là khá phổ biến này sẽ không có gì đáng nói nếu nó chỉ đơn thuần giúp người ta giải quyết những chuyện như đã nêu ở trên. Và người viết cũng không có ý định nêu cái lợi, cái hại của việc nhai kẹo đối với sức khỏe. Ở đây, chỉ xin đề cập đến những hành vi không đẹp mà người nhai kẹo cao su vô tình hay cố ý gây ra cho cộng đồng, môi trường và cảnh quan…

Điều đầu tiên có lẽ không ít người đã gặp phải là bã kẹo cao su người ta không bỏ đúng nơi, đúng chỗ mà bạ đâu vứt đó, thậm chí tại một số rạp chiếu phim, nơi công cộng…, người ta “dán” bã kẹo lên thành ghế, chỗ ngồi, nền nhà…, làm người khác bị dính vào quần áo, vào tay, giày dép khi ngồi lên hoặc nắm hay đạp phải… rất khó chùi tẩy. Thay vì gói vào giấy sau khi dùng xong, bỏ vào nơi đựng rác, người ta lại ném nó đi tùy tiện, gây bao phiền hà, khó chịu cho người khác.

Chuyện nữa là người ta vừa chóp chép kẹo cao su trong miệng, vừa trao đổi công việc với người đối diện về những nội dung nghiêm túc, ở những nơi đòi hỏi phải nghiêm như công sở, giảng đường, v.v… Chẳng hạn cán bộ, công chức vừa nhai kẹo, vừa tiếp xúc với công dân hay đối tác làm ăn tại nơi làm việc. Hay như chuyện, người viết đã chứng kiến vị hiệu phó một trường đại học ở Đà Nẵng miệng không ngớt nhai kẹo cao su trong khi đang ngồi trên sân khấu, trên dãy bàn dành cho lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trước hàng ngàn phụ huynh và học sinh trong một buổi tư vấn tuyển sinh đại học, thậm chí đến cả khi người giới thiệu giới thiệu đến tên của vị cán bộ này mà miệng ông vẫn chưa chịu nhả cây kẹo ra.
 
Cũng thật phản cảm khi tại một lớp học hay giảng đường, học viên, sinh viên, học sinh vô tư nhai kẹo cao su khi giảng viên, giáo viên đang miệt mài giảng bài. Cá biệt, còn có chuyện một diễn viên nghiệp dư, trong một tốp ca nữ, tại một buổi công diễn văn nghệ trước đông đảo khán giả tại thành phố Đà Nẵng, thản nhiên nhai kẹo khi đang… hát. Đơn giản là vì tốp ca này đang hát playback (hát nhép).

Hình ảnh huấn luyện viên nhai kẹo cao su khi chỉ đạo đội bóng hay cầu thủ vừa đá bóng vừa nhai kẹo, v.v… là những thói quen chấp nhận được, nhưng những hình ảnh chưa đẹp như đã nêu ở trên lại là chuyện khác. Xung quanh việc sử dụng kẹo cao su không đơn giản chỉ là chuyện thưởng thức, mà nó còn thể hiện ý thức, nhận thức, văn hóa của người sử dụng nó. Cũng cần biết là ở Singapore, người ta phạt rất nặng những ai vứt bã kẹo cao su bừa bãi, thậm chí đã có thời gian (12 năm), nước này cấm hẳn việc nhai kẹo cao su.
 
Còn ở ta, có chăng chỉ là chuyện giáo viên nhắc nhở hoặc buộc làm kiểm điểm đối với học sinh nhai kẹo cao su trong giờ học. Thiết nghĩ, cuối cùng vẫn là ý thức, nhận thức của mỗi người, là sự tôn trọng đối với cộng đồng và môi trường, một mục tiêu mà xã hội ta đang hướng đến.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.