.

Vì mục đích trồng người

Trong cuộc đối thoại trực tuyến vừa được tổ chức trước thềm năm học mới, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được 2.500 câu hỏi từ khắp nơi gửi về trong đó không ít người hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Số lượng câu hỏi về giáo dục cao hơn cả câu hỏi về, vấn đề an toàn giao thông, bất động sản… trong một vài cuộc đối thoại trực tuyến gần đây, mới thấy giáo dục đang là vấn đề bức xúc trong xã hội đến nhường nào.

Nguyên nhân của nó, ai cũng thấy. Nước ta có khoảng 2,5 triệu người hiện là học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường, chưa kể số người đang học theo các phương thức khác. Cùng với họ còn có hàng triệu thầy, cô giáo, những người làm công tác quản lý giáo dục. Người dạy học và người đi học đều có gia đình, người thân của mình.

Chỉ tính như vậy đã thấy ở nước ta hiện đang có hàng chục triệu người có mối liên hệ với nhà trường. Mọi vấn đề diễn ra ở trường học từ trường sở vật chất, học phí, chất lượng sách giáo khoa, thi cử đến những vấn đề còn quan trọng hơn như phẩm chất những người làm công tác giáo dục, chất lượng những người đi học, chính sách đối với giáo dục… đều liên quan đến toàn xã hội. Thực trạng những vấn đề ấy trong nhiều năm qua như thế nào?

Nhìn nhận khách quan, từ nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục của chúng ta có những mặt tiên tiến, ưu việt nhiều nước khác không có. Cũng cần khẳng định rằng, sau hơn 20 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục đã có những tiến bộ rõ nét về chính sách đối với giáo dục; phương pháp giảng dạy; chất lượng sách giáo khoa; chất lượng giáo viên, học sinh; trình độ khoa học-công nghệ; cơ sở vật chất giáo dục; điều kiện sống của người dạy và người học.

Tuy nhiên, cách nhìn nhận về sự nghiệp giáo dục vẫn không vì thế mà bớt đi sự phê phán. Bởi vì, bên cạnh những mặt tiến bộ đó, không ít những mặt tiêu cực đang làm hạn chế rất nhiều thành tích của ngành. Hầu như ở đâu cũng còn tồn tại những vấn đề về định hướng, chiến lược, chất lượng quản lý giáo dục, chất lượng dạy và học. Người ta nói nhiều đến tình trạng tiêu cực trong dạy và học, trong chạy trường chạy lớp, trong thi cử.

Người ta than phiền về chất lượng sách giáo khoa, về đạo đức nhà giáo, đạo đức học trò, đạo đức phụ huynh học sinh. Người ta chưa thật yên tâm về chính sách, chế độ đãi ngộ giáo viên. Có thể nói, mặc dù có rất nhiều cố gắng và thành tựu nhưng chưa bao giờ ngành giáo dục lại đứng trước sức ép đòi hỏi phải đổi mới, đòi hỏi phải kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa khuyết điểm như bây giờ.

Muốn sửa chữa được thiếu sót, khuyết điểm, cần đánh giá đúng thiếu sót, khuyết điểm đó và tìm ra nguyên nhân của nó. Theo nhiều người, nguyên nhân sự xuống cấp của không ít lĩnh vực trong ngành giáo dục chính là sự xuống cấp chung về văn hóa, đạo đức trên phạm vi toàn xã hội, mà giáo dục là một bộ phận, thậm chí là bộ phận nhạy cảm nhất. Không thể có những nhà trường trong sáng, lành mạnh, xa lạ với tiêu cực khi bên ngoài nhà trường, những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, nghiện hút, tệ nạn xã hội, xem thường phép nước… ngày một nhiều.

Nhưng sự xuống cấp trên phạm vi xã hội cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của chính nhà trường và ngành giáo dục, ngành được giao nhiệm vụ đầu tư, xây dựng con người Việt Nam cho hiện tại và tương lai. Chỉ khi nào toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính thuộc về ngành giáo dục cùng tham gia tích cực vào sự nghiệp trồng người như Bác Hồ đã dạy thì giáo dục mới sửa chữa được yếu kém, bất cập, phát huy được ưu điểm.

Năm học 2009-2010 đã đến. Hàng triệu người lớn và trẻ em phấn khởi đến trường với quyết tâm, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói trong thư chúc mừng năm học mới, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục phải trở thành hiện thực trong năm học này.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.