Có người đã được đào tạo điều dưỡng viên, có người là y sĩ, nhưng cũng rất nhiều người là nhân viên phòng giáo vụ nhưng khi đã đảm nhiệm công việc nhân viên y tế trong các trường học thì phải làm đủ các chuyên khoa. Tuy nhiên số trường có phòng, góc y tế theo quy định về cơ bản vẫn chưa đáp ứng tốt chuyên môn; nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cán bộ y tế kiêm nhiệm
Hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang ngăn ngừa bệnh cúm ở Trường THPT Nguyễn Hiền. |
Năm 2008, lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Từ Kha, nhân viên giáo vụ kiêm phụ trách YTHĐ Trường THPT Nguyễn Hiền được tham gia lớp bồi dưỡng về An toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Y tế tổ chức; trước đó là một vài lần tập huấn công tác sơ cứu ban đầu do Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai. Những hiểu biết về thuốc của chị cũng dừng lại ở mức độ như một người mẹ trong gia đình biết để chẩn bệnh cho con trước khi đến bác sĩ, tức về một số thuốc cảm, hạ sốt, đau bụng…
Thời điểm học sinh bị cảm cúm hàng loạt theo mùa, mỗi tuần phòng y tế kiêm giáo vụ của chị đón khoảng 50 học sinh đến xin thuốc và tư vấn về bệnh. Theo chị Kha, hiện nay khá nhiều học sinh quan tâm đến sức khỏe, đến phòng y tế thường xuyên nếu có bệnh, nhưng thực sự chị không có chuyên môn về y tế nên chỉ có thể tư vấn một cách chung chung cho các em.
Cô giáo Trường TH Phan Thanh hướng dẫn cách băng bó, sơ cứu vết thương cho các em học sinh. |
|
Ông Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng, nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên YTHĐ ngày càng cao, đòi hỏi người làm công tác trong lĩnh vực này phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo và hiểu biết về nghề y. Tuy nhiên, ở Trường Nguyễn Hiền cũng như một số trường trên địa bàn chưa có nhân viên y tế chuyên trách, cũng như chưa có sự quan tâm từ các cấp bởi trường chỉ có thể trích một phần kinh phí hoạt động để trả lương cho nhân viên y tế kiêm nhiệm.
Đây có lẽ là vấn đề đau đầu của nhiều trường học đang sử dụng nhân viên của trường kiêm phụ trách vấn đề y tế trong khi YTHĐ được đánh giá là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, cũng như các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu cho các em khi có tai nạn đột xuất xảy ra. Các trường không có định biên cho nhân viên YTHĐ và việc bổ sung chỉ tiêu biên chế thuộc về ngành giáo dục chứ không phải ngành y tế.
Cần sự đầu tư bài bản
Tại trường TH Phan Thanh, mỗi lớp học đều được trang bị một tủ thuốc gồm thuốc sát trùng, bông băng, thuốc hạ sốt, dầu gió… để nhân viên y tế có thể sơ cứu ban đầu cho các em. 21 tủ thuốc đã được hiện diện trong mỗi lớp học. Chị Minh Anh, y sĩ, phụ trách phòng y tế của trường cho biết, công việc của chị chịu khá nhiều áp lực do đây là trường nội trú, phải hướng dẫn cho các em cách giữ vệ sinh và chăm sóc bản thân. Chị còn theo dõi vấn đề nha khoa, bệnh lý về mắt, cột sống… để có bước tư vấn, trao đổi với phụ huynh về bệnh lý con em họ. Ngoài ra, chị còn phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn của nhà trường.
Rửa tay chống nhiễm khuẩn là một nội dung quan trọng trong y tế học đường. |
Những năm gần đây, các chương trình cơ bản (nha học đường, mắt học đường, vệ sinh YTHĐ, thấp tim học đường) đã được đưa vào thực hiện trong trường học. Nhiều phong trào được phát động như vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường; duy trì và xây dựng nhiều mô hình điểm về phòng chống các bệnh thường gặp như cận thị, vẹo cột sống... Tuy nhiên, tất cả những chương trình đó đều khó có thể hoàn thành khi mà lực lượng YTHĐ còn quá thiếu và yếu.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND thành phố về tình hình chuẩn bị cho công tác năm học mới, Sở GD&ĐT thành phố đã đề nghị được tuyển dụng 1 bác sĩ hoặc y sĩ, giúp theo dõi, chỉ đạo công tác Y tế trường học và phụ trách các công việc liên quan vệ sinh, sức khỏe học đường trong ngành. Còn việc các trường có đủ nhân viên y tế hay không, có lẽ là một bài toán cần nhiều năm nữa mới được giải quyết.
Theo Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình phòng, chống bệnh tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu cụ thể đến năm 2015, 100% các Sở, Phòng Giáo dục và đào tạo, dạy nghề có cán bộ chuyên trách về công tác y tế trường học; 85% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề có trạm y tế; 60% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục khác có phòng y tế và bố trí cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học. Đến năm 2015, 80% trạm y tế, phòng y tế của các cơ sở giáo dục có đủ cơ số thuốc và trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục có cán bộ y tế, 100% học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe ban đầu và được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. |
Hiền Lương