.

Báo động đỏ từ thượng nguồn Quảng Nam!

.

Cạnh những công trình thủy điện đang xé toạc khuôn mặt rừng thượng nguồn Quảng Nam, nạn tận diệt rừng của các tập đoàn lâm tặc vẫn hoành hành ngày đêm, không ngừng nghỉ!

Lâm tặc sông Bung kết bè thả gỗ về xuôi. (Ảnh ngày 20-10-2009)

Lũ lụt là mùa lâm tặc cấp tập ra quân. Từ trong bão số 9 đến nay, không ngày nào dứt cảnh những bè gỗ từ thượng nguồn sông Bung theo nhau đổ về xuôi. Cảnh tượng này diễn ra gần như công khai. Bơm bích-xi mất hai ngày, kết bè thêm cả tuần cho thấy số lượng gỗ rất nhiều và bản thân họ rất ung dung.
 
Thế rồi, những bè gỗ từ 5 đến 10m3, lũ lượt từng đoàn theo thác lũ qua cầu sông Bung - nơi có trạm kiểm soát Tà Lơ - rẽ vào điểm hợp lưu Vu Gia, theo nhau xuôi về Đại Sơn, Đại Lãnh. Chờ đêm xuống, hàng đoàn bè gỗ qua trạm kiểm soát lâm sản liên ngành Đại Hồng trót lọt. Từ đó, gỗ cập bến, theo đường nhánh 14D về Ái Nghĩa hoặc êm trôi về tận bến sông Vĩnh Điện.

Sau bão một tuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang Đỗ Tuấn tự tay chôn cất người đồng đội Lê Xuân Hà tử nạn khi truy bắt gỗ bè tại Khe Dung. Ông nói: “Lũ rừng dữ lắm! Lâm tặc dùng phà và bích-xi, kiểm lâm chỉ có ghe nan, nước lại chảy xiết, thấy đó biết đó mà chẳng biết làm sao. Ngay cả tui, có bữa xuống dưới bờ ngăn chặn còn bị chúng xô ngã”.

Thủy điện Za Hung, phía dưới thủy điện A Vương, đang “phát huy” việc phá rừng làm đường dây tải.

 

Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang Lê Hoàng Sơn - người từng bị lâm tặc bắn tin dọa giết - bình quân mỗi kiểm lâm viên Quảng Nam chịu trách nhiệm quản lý 7.000 ha đến 9.000 ha rừng, trong khi các loại phương tiện không mạnh, nhanh bằng lâm tặc! Cuộc chiến giữ rừng ở thượng nguồn Quảng Nam hoàn toàn không cân sức. Không phải tự bây giờ mà kéo dài đã chục năm qua. Hàng chục, hàng trăm bè gỗ, lúc này đây vẫn tiếp tục về xuôi.

Chúng tôi từng nêu giải pháp, đã đến lúc cần có cảnh sát lâm nghiệp bởi kiểm lâm chỉ được phép bắt gỗ quả tang, không được phép dừng xe dù nghi vấn. Bắn viên đạn nào họ buộc phải lập biên bản viên đạn đó. Mặt khác, thật băn khoăn khi không ít tiếng nói nghi ngờ một số kiểm lâm viên ngấm ngầm tiếp tay lâm tặc đã vang lên.
 

Thủy điện đến, rừng sông Tranh bị bóc ra từng mảng.

Tại một hội nghị về rừng, ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, nói: “Bao nhiêu trạm kiểm soát liên ngành mà sao gỗ vẫn đầu xuôi đuôi lọt? Lâm tặc chỉ cần chung chi là được qua. Theo tôi, hãy cho phép mỗi cây số được lập thêm một trạm. Khi buộc phải chung chi liên tục thì lâm tặc hết vốn, bỏ nghề!”.

Nghe qua có phần hài hước nhưng ngẫm lại thật xót khi ông Bí thư huyện là người con Cơtu sinh ra, lớn lên, trưởng thành và giờ đây vẫn gắn bó với núi rừng Quảng Nam. Rừng mãi là mái ấm che chở đời ông, dẫu hồn rừng bây giờ đã rất tang thương, chưa dứt...

Bài và ảnh: ĐẶNG NGỌC KHOA

;
.
.
.
.
.