.

Cảm xúc từ Đà Lạt

.

15 thành viên thuộc Hội LHVHNT TP. Đà Nẵng vừa kết thúc chuyến tham dự trại sáng tác tại Đà Lạt. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong 2 năm, Đà Nẵng mở trại sáng tác tại Đà Lạt. Nếu năm trước, số trại viên tham dự chủ yếu tập trung mảng văn học, thì năm nay, mảng mỹ thuật và nhiếp ảnh chiếm đa số*.

Tranh Thanh Tịnh.

Ngay trong những ngày đầu tiên bước vào trại, nhà điêu khắc Nguyễn Quang đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm Mái ấm (tượng gỗ, cao 5 cm). Nội dung diễn đạt biểu tượng hai cây thông và cũng là hai mái nhà kề cận, che chở lẫn nhau. Theo anh, đó là những cảm xúc sâu đậm mà anh gặp được trong thời gian dự trại sáng tác Đà Lạt. Nguyễn Quang là một trong những gương mặt trẻ nhiều triển vọng của ngành điều khắc Đà Nẵng. Anh đã có một số tác phẩm được công bố như: Tình anh em (gỗ, năm 2000), Bầu trời tuổi thơ (phù điêu gỗ, năm 2005), Đồng cảm (gỗ, năm 2008)…

Họa sĩ Tường Vinh cho biết: Thường đối với anh em họa sĩ, mỗi đợt dự trại sáng tác, chủ yếu là có điều kiện đi thực tế, làm phác thảo. Riêng với anh, qua đợt này, với những ghi chép từ mảnh đất và thiên nhiên Đà Lạt đầy thơ mộng, anh hy vọng sau khi trở về có thể thực hiện được một số tác phẩm sơn mài có giá trị. Các họa sĩ Duy Hối, Quang Huy, Thanh Tịnh... cũng ghi chép được nhiều từ phong cảnh, con người Đà Lạt, và thực hiện tại trại sáng tác một số tác phẩm bột màu hoàn chỉnh.

Nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh như Ngọc Hợi, Huy Đằng, Ông Văn Sinh... dịp này đã tổ chức các chuyến đi thực tế đến Bảo Lộc hoặc các vùng ngoại thành. Nhà nhiếp ảnh Ngọc Hợi cho rằng, bố cục phong cảnh hoa lá, và nhất là các vùng rau ở Đà Lạt có thể tạo nên những bức ảnh bất ngờ độc đáo, không dễ nơi nào tìm được. Ngọc Hợi cũng có dự định bổ sung thêm một số đề tài từ chuyến đi này cho cuộc triển lãm cá nhân của anh vào năm đến.

Mái ấm, tượng gỗ của Nguyễn Quang.

 

Nhạc sĩ Phạm Quang Thức lần đầu tham dự trại sáng tác, với tâm trạng rất háo hức. Anh vừa hoàn thành 3 ca khúc về Đà Lạt, về Đà Nẵng và về tình yêu. Nhạc sĩ Phan Thanh Trường cũng cùng tâm trạng lần đầu tham dự trại tương tự. Hầu hết 4 ca khúc của anh sáng tác đợt này đều có chủ đề về Đà Lạt. Anh nói: “Con người và thiên nhiên Đà Lạt tạo cho tôi rất nhiều cảm xúc. Sau lần này, tôi vẫn mong có dịp trở lại mảnh đất này để viết thêm những tác phẩm mới”. Nữ nhạc sĩ Thanh Hiền bắt gặp nhiều cảm xúc dồi dào, nhanh chóng hoàn thành một số ca khúc mới, chủ yếu mang âm hưởng làn điệu dân ca.

Nhà lý luận nghệ thuật Trương Đình Quang tham dự trại sáng tác với đề tài “Tai nghe trống chiến trống chầu” về thường thức sân khấu hát bộ dành cho học sinh cấp phổ thông. Đây là đề tài ông đã viết chung dở dang với người vợ quá cố - nhà văn Kim Viên (mất 1994). Tập sách này bao gồm hơn 30 bài viết. Mỗi bài viết là một câu chuyện nho nhỏ như: Các vua nhà Nguyễn với hát bộ; đôi hia; xe loan; cầm chầu như thế nào?... Hiện nay, chúng ta đang cố gắng đưa sân khấu cổ truyền trở lại với công chúng. Đặc biệt là việc đưa nhạc cổ truyền vào học đường rất hiệu quả.
 
Đề tài này của ông sẽ góp phần giúp các em học sinh cũng như mọi người hiểu rõ hơn về đặc điểm sân khấu cổ truyền miền Trung. Dịp này, nhạc sĩ Trương Đình Quang cũng biên soạn chung với nhà nghiên cứu Thy Hảo - Trương Duy Hy đề tài “Hát bã trạo, chèo đưa linh” ở Quảng Nam và một số vùng duyên hải phía Nam Trung bộ. Đáng lưu ý, để thực hiện công trình này, hai tác giả đã tìm được 4 văn bản chữ Nôm, phổ biến tại các vùng Quảng Nam, Tuy Hòa, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Tranh Tường Vinh.

Về phần nhà nghiên cứu Thy Hảo – Trương Duy Hy, tham dự trại với công trình biên soạn riêng gồm một số bài có nội dung nghiên cứu chữ “Quốc ngữ”; một số nhân vật của quê hương Quảng Nam như: Nguyễn Thành, Lê Văn Hiến, Vũ Hân… Điều đáng ngạc nhiên là một tác giả từng có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa lịch sử quan trọng như Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam, Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Khoa bảng Quảng Nam…, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, nhà nghiên cứu Thy Hảo đặt chân tới Đà Lạt. Ông rất bất ngờ, trong số người dân gốc Quảng Nam lên đây làm ăn sinh sống rất đông, có cả những người thuộc tộc họ của danh sĩ Tú Quỳ.

Các tác giả văn học tham dự đợt này, cũng hoàn thành và chuẩn bị ra mắt 1 tập thơ và 1 tiểu thuyết.

Nằm trong chương trình Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đà Nẵng tại TP. Đà Lạt, từ 22-10, tại Trung tâm Văn hóa triển lãm TP. Đà Lạt đã khai mạc Triển lãm tranh và ảnh nghệ thuật Đà Nẵng – Lâm Đồng 2009, do Liên hiệp các Hội VHNT TP. Đà Nẵng và Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Triển lãm trưng bày gồm 73 tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh và mỹ thuật, trong đó, Đà Nẵng chiếm số lượng chủ lực (40 ảnh, 10 tranh). Đây là một trong những hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai địa phương Đà Nẵng – Lâm Đồng.

Tham dự khai mạc triển lãm, PGS – họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã phát biểu cảm tưởng, đánh giá cao chất lượng các tác phẩm trưng bày. Đặc biệt, về mảng tranh, ảnh Đà Nẵng đã phản ảnh giới thiệu khá rõ nét với công chúng Đà Lạt về những thành tựu đổi mới, phát triển của địa phương trong những năm gần đây.


TRẦN TRUNG SÁNG

* Trại sáng tác VHNT do Hội LHVHNT TP. Đà Nẵng tổ chức diễn ra tại TP. Đà Lạt từ 15 đến 30-10-2009 với 8 thành viên tham gia mảng mỹ thuật và nhiếp ảnh; âm nhạc (3 người); lý luận (2 người); văn học (2 người).

;
.
.
.
.
.