Một trong hàng trăm nỗi lo trước và sau mùa nước lớn của những người nuôi trồng thủy hải sản là vỡ đập, nước tràn bờ. Dù đã quen với sự bấp bênh này mỗi năm, thế nhưng người nông dân vẫn cần mẫn gieo hạt, hy vọng vào từng con cá, con tôm…
Cơm đến miệng mà không kịp nhai
Nhiều hộ nuôi cá nước ngọt ở thôn Hóc Khế, Hòa Phong đang cố vớt vát bằng cách chăm sóc chu đáo những con cá còn sót lại sau đợt bão. (Ảnh V.T.L) |
Riêng ở Hóc Khế, thôn Khương Mỹ mất gần 15 tấn. Gia đình ông Nguyễn Ngọc, với gần 2.500 con cá trê lai được thả nuôi trong ao có diện tích 750m2, nếu không có gì xảy ra, cũng thu hoạch được khoảng 50 triệu đồng tiền bán cá cuối vụ. Nhưng chỉ sau một đêm, dòng nước bạc đã cuốn đi tất cả, để lại những khoản nợ nần chưa kịp trả.
Cùng với ông Ngọc, gia đình ông Nguyễn Tượng, Nguyễn Sỹ, Lê Thị Đá, Lê Quang Trung (Cẩm Toại Tây), Đinh Tấn Mừng (Cẩm Toại Trung), Phan Thị Lan, Nguyễn Thị Chạy, Phan Thành, Nguyễn Tuấn, Lê Thành Trung, Lê Ích Tiến (Khương Mỹ)… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mất trắng, đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với bao lo lắng, bất an trong những ngày sắp tới. Từng đàn cá bỗng chốc nối đuôi nhau rời khỏi ao trong sự bất lực níu giữ của con người. Tiền mất. Công sức mất. Hy vọng mất.
Bên cạnh chuyện đã rồi là những chuyện cười ra nước mắt mà giờ kể lại, người ta không khỏi tiếc nuối. Toàn bộ số cá nuôi trong hồ ước tính 3 tấn cá (rô phi, mè, trắm cỏ…) của chị Nguyễn Thị Dạ Thảo ở Hòa Khương 2, đã ký hợp đồng xuất ao ngày 27-9 nhưng đến thời điểm đó, nước bất ngờ dâng cao khiến người bán lẫn kẻ mua không thể thực hiện được.
Chị Thảo bứt rứt: “Mới đây thôi, mỗi lần ra ao thăm cá, nhìn lứa cá lớn đều và gần đến ngày thu hoạch, gia đình đã dự tính dùng tiền bán cá trả dần số nợ ngân hàng, tiền mua chịu thức ăn cho cá, sửa lại cái ao để tiếp tục thả cá mùa sau. Giờ thế này biết làm răng đây”. Hộ ông Nguyễn Lương Bảy, thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương cũng không hơn gì. Diện tích hồ 3.500m2, nuôi khoảng 15.000 con cá rô, 1.000 cá mè, cá chép, ước tính thu hoạch khoảng trên 40 triệu đồng. Nhìn ao cá lặng im không một gợn sóng, ông Bảy bộc bạch:
“Chiều ngày 26-9, tiểu thương đã vào bắt cá cân thử để hẹn ngày đến thu thì ngay hôm sau nước lớn. Ngồi trong nhà nhìn ra ao, tiếc đứt ruột nhưng đành cắn răng mà chịu. Đúng là cơm đưa đến miệng mà chẳng kịp nhai”. Sau khi nước rút, vợ chồng ông phải bán toàn bộ số lứa heo thịt 12 con để trả nợ 25 triệu đồng thức ăn cho cá. Hiện nay, ông Bảy phải đi phụ hồ quanh xóm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt.
“Được ăn cả, ngã về không”
Hệ thống chuồng trại nuôi ếch giống của gia đình ông Cao Văn Tám, Hòa Khương, giờ yên ắng sau bão dữ. (Ảnh: VTL) |
|
Bán cá chưa đủ cân, đủ lạng thì bị lỗ do tiểu thương ép giá. Thế nên họ cứ chờ cá đủ lớn và đánh cược với ông trời. Trời không thương thì chịu chứ trách ai. Như gia đình ông Cao Văn Tám ở xã Hòa Khương, toàn bộ số cá khoảng 5 tấn, cộng với 200 con gà, 30.000 con ếch giống cũng ra đi cùng con nước. Thiệt hại ước tính gần 200 triệu đồng.
Bắt đầu cách nuôi kết hợp theo mô hình VAC này từ năm 2005, ông Tám nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Mô hình tương đối thành công, gia đình ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố. Giờ hầu hết ao, chuồng đã trống trơn, số tiền 100 triệu đồng vay vốn ngân hàng phải xin dời lại ngày trả.
Ông Đinh Ngọc Thiên, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế xã Hòa Khương cho biết, toàn xã có khoảng 85 ha nuôi ếch, cá nước ngọt. Sau cơn bão số 9, có gần 220.000m2 ao, hồ bị ngập, với mức thiệt hại mỗi hộ thấp nhất là 10 triệu đồng đến cao nhất là vài trăm triệu đồng. Có đến 76/215 hộ nuôi cá nước ngọt bị mất trắng. Nhiều hộ nông dân bỗng chốc trở thành con nợ khi thành quả lao động của mình tan thành mây khói.
Ở quận Liên Chiểu, có khoảng 200 hộ nằm trong dự án Hỗ trợ phát triển KT-XH bền vững với mô hình nuôi ếch, cá tràu, điêu hồng, kỳ nhông… trong đó có nhiều hộ chưa thu hoạch đều bị mất trắng. Bên cạnh đó là hàng trăm nông dân ở Hòa Liên (Hòa Vang), Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), Thọ Quang (Sơn Trà) với mô hình nuôi tôm, cá; Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) với mô hình nuôi ếch, kỳ nhông… cũng bị thiệt hại nặng nề sau đợt bão lũ vừa qua.
Theo bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng, thiệt hại tại các hồ nuôi thủy sản thường gấp 100 lần so với trồng lúa, hoa màu nhưng Nhà nước lại ít quan tâm đến. Ví dụ, để đạt được 1kg cá rô phi thành phẩm, phải tiêu tốn 2kg thức ăn công nghiệp, thả gần cả năm mới đạt 500g/con, bán được khoảng 40.000 đồng/kg. Nếu nhỏ hơn, mức giá chỉ từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.
Vốn đầu tư nhiều, nhưng phải luôn đánh vật với con nước kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Do không có điều kiện, người dân vẫn duy trì cách nuôi cá truyền thống, kết hợp những thứ có sẵn và có xu hướng chấp nhận những rủi ro sắp và sẽ xảy ra hơn là tìm kiếm một giải pháp an toàn hơn cho nghề mình chọn.
Ngay sau cơn bão lũ đi qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thống kê số hộ bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ. Riêng ở Hóc Khế, các hộ đầu tư nuôi cá nước ngọt sẽ được hỗ trợ vay vốn, bình quân 10 triệu/hộ với tổng mức cho vay là 305 triệu đồng. Đây chỉ như muối bỏ bể khi vốn đầu tư vào một ao nuôi cá (tùy theo diện tích) gồm tiền giống, thức ăn trong suốt quá trình nuôi ngốn từ vài chục triệu đến một trăm triệu đồng/lứa.
Tiểu Yến