Sở Y tế TP. Đà Nẵng dự báo đỉnh điểm của dịch cúm A/H1N1 tại Đà Nẵng sẽ vào khoảng giữa cuối tháng 11-2009, khi mùa lạnh bắt đầu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại TP. Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều vướng mắc.
Nan giải bài toán nhân lực và trang thiết bị
|
Gần đó, Trung tâm Y tế quận Hải Châu không thể tiếp nhận bệnh nhân cúm A/H1N1 do cơ sở vật chất chật hẹp, các khoa khám chữa bệnh lại thường xuyên quá tải. Chính vì vậy, bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Đà Nẵng được đưa lên Trung tâm Y tế quận Thanh Khê nằm ở vị trí khá xa trung tâm, công tác xét nghiệm và điều trị còn hạn chế.
Kể từ khi xuất hiện trường hợp bệnh nhi 20 tháng tuổi đầu tiên tại TP. Đà Nẵng tử vong vì cúm A/H1N1, công tác điều trị bệnh nhi nhiễm cúm A/H1N1 xuất hiện nhiều bất cập. Bác sĩ Trần Quang Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết:
“Nếu tiếp tục điều trị bệnh nhi nhiễm cúm A/H1N1 tại khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng thì dễ lây lan cúm A/H1N1 cho các bệnh nhân khác do khoa Nhi đang quá tải, 20 giường bệnh đã có 40 bệnh nhi, chưa kể người nhà. Còn nếu đưa bệnh nhi lên Trung tâm Y tế quận Thanh Khê thì chẳng khác nào chúng tôi đưa toàn bộ trang thiết bị của khoa Lây Bệnh viện Đà Nẵng lên đó vì Trung tâm Y tế quận Thanh Khê còn thiếu nhiều phương tiện”.
Mặt khác, đặc thù điều trị cho bệnh nhi phức tạp và phụ thuộc vào bác sĩ khoa Nhi chứ không thể giao cho các bác sĩ khoa Nội phụ trách như bệnh nhân thông thường. Bác sĩ Hiếu cho biết, các bác sĩ khoa Nội đã rất lúng túng khi được điều động lên Trung tâm Y tế quận Thanh Khê phụ trách khám chữa bệnh nhi.
“Bệnh viện Đà Nẵng chỉ có 3 bác sĩ Hồi sức nhi, có lần chúng tôi phải động viên bác sĩ nhi trực 48 thay vì 24 tiếng. Do đó, trong trường hợp lập bệnh viện dã chiến mà xuất hiện bệnh nhi nhiễm cúm A/H1N1 thì chúng tôi cũng không thể tăng cường cho nơi khác” - bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, Viện Pasteur chỉ nhận mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì nghi nhiễm cúm A/H1N1. Trong khi đó số điện thoại đường dây nóng của trung tâm thường xuyên nhận được yêu cầu được xét nghiệm cúm A/H1N1 và trả tiền nhưng vẫn không thể đáp ứng được”.
Nhiều nơi lơ là phòng dịch
Các trường học nghiêm túc thực hiện tuyên truyền về cúm A/H1N1 trong khi các sở, ban, ngành TP. Đà Nẵng vẫn chưa đến nhận tài liệu. |
|
Trường hợp đầu tiên tại TP. Đà Nẵng tử vong vì cúm A/H1N1 nhập viện lúc 9 giờ sáng ngày 17-9, mặc dù được hồi sức tích cực nhưng đến 19 giờ cùng ngày thì tử vong. Bệnh nhi 20 tháng tuổi vừa mất ngày 20-10 vừa qua khi nhập viện thì tình trạng bệnh đã diễn biến rất xấu, mạch 250 - 270 lần/phút, suy thận, viêm cơ tim, tổn thương phổi… Còn đối với trường hợp bệnh nhân P.C.V (nam, 41 tuổi, trú Thanh Bình, Hải Châu) tử vong vào ngày 24-10 vừa qua, sau 4 ngày nhiễm bệnh, bệnh nhân mới nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, X-quang cho thấy đám mờ trên phổi lan tỏa nhanh...
Một lãnh đạo của Bệnh viện C còn cho rằng, các Trung tâm Y tế tuyến dưới và ngay cả cán bộ y tế vẫn còn chậm trễ trong công tác chuyển bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 lên tuyến trên.
Ngoài ra, một số sở, ban, ngành tại TP. Đà Nẵng vẫn còn lơ là trong công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1. Theo Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe TP. Đà Nẵng, UBND thành phố đã chỉ đạo trung tâm chuẩn bị sẵn các tài liệu, tờ rơi, poster dành cho tất cả các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ngoài đơn vị trường học, rất ít các sở, ban, ngành đến nhận tài liệu. Bà Nông Thị Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Sở Y tế liệt kê ngay danh sách các sở, ban, ngành không đến nhận tài liệu để có hướng xử lý nghiêm khắc.
Bỏ tiền túi chống dịch
Tiền thuê nhân công chống dịch cúm A/H1N1 từ 100 ngàn đồng/ngày giảm còn 50 ngàn đồng/ngày. |
“Còn đối với phụ cấp của cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế dự phòng, chúng tôi đã làm thủ tục nhưng đang gặp vướng mắc ở Sở Tài chính có nghĩa là chúng tôi chỉ được thanh toán kể từ khi có bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP. Đà Nẵng vào tháng 6-2009, trong khi công tác trực phòng chống dịch cúm A/H1N1 chúng tôi đã triển khai trực 24/24 giờ trước đó cả tháng trời” - Bác sĩ Thạnh nói.
Trả lời vấn đề trên, bà Nông Thị Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: “Vấn đề chế độ chi trả phụ cấp cho cán bộ, nhân công tham gia phòng chống dịch, tôi đề nghị tháng nào phải trả dứt điểm tháng đó để họ yên tâm và có điều kiện tiếp tục hoàn thành tốt công việc”.
Trọng Nghiệp