.

Ngồi chờ

.

Mới chiều mọi người đã xôn xao. Hôm nay có xe xuống cảng chở lên phố chơi. Họ hẹn rồi, chập tối là đến, bảo cứ chuẩn bị trước để khỏi mất công chờ. Mấy người mặc đồ sẵn ngồi coi tivi ở câu lạc bộ, chốc chốc lại ra ngoài xem thử có xe xuống rước chưa.

Minh họa: MAI HOA

Đệ đang đi ca, nhìn mọi người chuẩn bị đi cũng thấy nôn nao. Đệ cũng muốn đi phố lắm nhưng không đi được vì 20 giờ mới hết ca. Xe chỉ đón có một lần thôi. Đệ đứng ngoài lan can thấy Đại miệng ngậm tăm đi ra, chắc là vừa ăn tối xong, liền hỏi:
- Anh Đại không đi phố chơi à?

- Đi sao được mà đi, tý nữa anh mày còn phải đi ca!

- Hay là anh trực cho em một tý. Em đi phố, mai em trực lại cho anh được không?

- Ừ, mày đi đi!

Nói rồi Đại vứt cây tăm xuống biển đi thay đồ bảo hộ lao động, mang giày rồi nhận ca sớm cho Đệ. Đệ mừng quá vụt chạy lên tắm táp sơ qua. Lúc ấy xe đã đến đậu bên dưới cầu thang. Có người gọi trên loa:

- Có ai đi bờ nữa không, nhanh lên, xe đang chờ!
Trong buồng tắm Đệ ớ lên một tiếng bảo chờ chút rồi ù té chạy về phòng thay đồ. Vội quá, Đệ chỉ kịp lấy cái bóp tiền.
Xuống cầu thang tàu, tất cả leo lên xe, ai nhanh chân thì ngồi phía trước. Đệ nhỏ con nên cũng được nhường ghế ngồi phía trước, cạnh tài xế. Ai không còn chỗ phía trước thì ngồi sát hai bên để nhìn phong cảnh. Trời còn sáng nên cũng còn nhìn rõ lắm. Những bãi cỏ xanh được cắt tỉa rất cẩn thận, những cây cau vua trồng thẳng tắp.
 
Trẻ em đang nô đùa và trượt patin trên những sân chơi và cầu trượt bê-tông. Đất đai Úc rộng mênh mông mà dân cư lại thưa thớt. Những công viên và khu vui chơi giải trí công cộng được xây dựng khắp nơi. Những chiếc sân bóng nhỏ cỏ xanh rì mà không có đứa trẻ nào chơi bóng. Đường rộng phẳng lì và vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đi ngược chiều. Xe tiến về phố, băng qua những công viên và vườn hoa với hàng ngàn loài hoa đang nở, chim chóc kêu chí chóe. Khung cảnh thật bình yên. Chợt thấy mấy người, lớn có bé có nằm vật vờ trên vệ cỏ, Đệ hỏi:
- Tài xế ơi, sao mấy người kia không về ngủ mà nằm trên bãi cỏ vậy?

- Họ là người bản địa đấy! Họ thích ở ngoài trời chứ không thích ở trong nhà dù rằng nhà nước có xây nhà và trợ cấp. Họ bắt đền người Anh đến chiếm đất đai tổ tiên, phá hủy cuộc sống hoang dã của họ...

Tài xế huyên thuyên kể. Những chủ nhân của nước Úc lại ra nông nỗi này. Họ không quen sống trong những ngôi nhà đúc vuông vức ngột ngạt nên lang thang khắp nơi. Họ không làm gì cả. Họ không thích nghi với cuộc sống công nghiệp. Đâu phải cuộc sống hiện đại bao giờ cũng có chiều hướng tích cực. Rồi họ có bị tuyệt chủng không, một câu hỏi buồn chợt thoáng trong đầu Đệ. Nếu họ bị tuyệt chủng là do họ không biết thích nghi hay nền văn minh dồn họ vào đường cùng?

Có tiếng còi bíp bíp, một chiếc xe từ phía sau vượt lên. Trong xe người lố nhố cùng với tiếng cười nói ồn ào. Tài xế bảo đó là nhóm thủy thủ châu Phi ở cảng phía bên kia, cũng lên Seamen Clup. Khi tàu cập cảng luôn có xe của Seamen Club xuống đón, thỉnh thoảng còn có xe của tòa thánh nữa, bất kể là thủy thủ nước nào cũng được đối xử như nhau. Họ rất quan tâm đến đời sống tinh thần thủy thủ, đó cũng là một cách quảng bá về đất nước của họ. Thủy thủ lên Seamen Clup để biết được những thông tin về ngành hàng hải, để mua đồ dùng cá nhân, mua quà lưu niệm và gặp bạn bè.

Xe đỗ xịch, êm ru. Tài xế nhảy xuống mở cửa và bảo mọi người cứ vào mua sắm thả ga đi. Mua sắm chứ, cũng sắp đến Tết rồi, không biết chuyến này tàu đi đâu, đi có dài ngày không, và, trước Tết có ghé được cảng nào nữa không. Nhiều lúc ghé được cảng nhưng thời gian cập cảng ngắn cũng không mua được gì cả.

Seamen Clup có rất nhiều trò chơi: bóng bàn, bi-a, cờ tướng cờ vua. Sách báo, truyện, kinh thánh thì lấy miễn phí. Đệ lấy một lúc mấy cuốn truyện tranh và truyện cười. Vài thủy thủ bắt cặp chơi bi-a. Mấy người bạn thủy thủ nước ngoài thấy thủy thủ Việt Nam liền rủ đánh vài xê bóng bàn. Họ bảo người Tàu, người Việt đánh bóng bàn hay lắm. Thế là hết đánh đơn rồi đánh đôi, người không chơi đứng bên ngoài cổ vũ rất rôm rả. Chơi xong thì mời nhau cốc bia. Người nào cũng uống rồi hỏi nhau quê quán, tên tàu và tàu đi những tuyến nào. Thủy thủy mà, gặp nhau là bạn bè cả, mấy khi được đi lên bờ mà gặp nhau đâu...

Đang vui chơi thì tài xế gọi lên xe. Gì mà về sớm thế, sao không để chơi tý nữa? Nhưng mà họ chở mình đi không như thế cũng là quý hóa rồi. Chỉ có một chuyến, ở lại là không có xe về. Tất cả cùng lên xe rồi tài xế chở đi. Sao tài xế không quay lại đường cũ mà chạy vòng vèo trong trung tâm thành phố thế này. Hóa ra tài xế không chở về mà chở đi xem sex show.

Trước rạp có hai vệ sĩ cao lớn và mập thù lù, mặc áo cánh sát nách, cánh tay to như cái phích nước xăm rồng rắn vằn vện xanh lè lè, nhìn là phát khiếp. Thủy thủ, từng người một mua vé vào trong. Không phải mua vé bằng giấy hay thẻ gì, khi đưa tiền thì người bảo vệ dùng cái mộc đóng lên bàn tay hay cánh tay. Cái con dấu đỏ chót như chiếc vé để qua cổng. Người nào đưa tiền thì người ấy được đóng dấu, người khác đóng tiền thay cũng không được, tránh phiền phức cãi cọ lôi thôi, mệt.

Đến lượt, Đệ hí hửng móc bóp chuẩn bị nộp tiền thì vệ sĩ đưa tay ngăn lại. Cánh tay hộ pháp nắm vai Đệ như nắm con nhái:
- Không được vào!

- Sao vậy?

- Bạn là trẻ vị thành niên!

- Cái gì? Tôi là thủy thủ kia mà!

- Có giấy tờ gì không?

- Tôi bỏ quên ở tàu rồi.

- Chưa có râu. Không được vào, ra chỗ khác chơi!

Lúc nãy vội đi, Đệ không mang theo hộ chiếu. Do ở Úc không cần giấy đi bờ, chứ có giấy đi bờ Đệ đã chứng minh được mình là thủy thủ rồi. Thủy thủ tức là đủ tuổi đi lao động, là không phải trẻ vị thành niên. Mấy người đi cùng quay lại nói giúp một tiếng, rằng chúng tôi là thủy thủ cùng làm chung trên tàu. Nhưng cũng chẳng ăn thua, hai bảo vệ cứ đứng như bức tượng.

Luật là luật. Không là không. Cảnh sát bắt ai chịu! Tại trông Đệ hơi bé con, người lại ốm, cái mặt non choẹt. Đệ lại không có một cọng râu nào mới chết chứ! Sao hôm nay lại hậu đậu như thế, không mang giấy tờ gì theo! Thôi đành ngồi ngoài chờ chứ biết làm gì hơn. Đệ nhìn mấy người bạn vén tấm màn nhung đỏ vào bên trong mà lòng buồn rười rượi. Ở tàu Đệ bé con nên rất được việc, chỗ nào chật hẹp cần chui đều nhờ đến Đệ. Ở phố thế này, có chui cũng chẳng được!

Bên trong tiếng nhạc xập xình. Khán giả vào chọn ghế ngồi, ngồi ở vị trí dễ nhìn nhất. Ai đi sớm ngồi phía trên sát với sàn biểu diễn. Có người ngồi chờ trước uống đã gần chục chai bia, chắc là đi từ chiều để xí chỗ. Người nào cũng gọi bia, chẳng lẽ vô đây ngồi xem chay. Uống bia xem mới đã. Bia được phục vụ mang ra tận bàn.

Những cô gái thân hình bốc lửa. Chân dài thượt, ngực thật nở, mông mẩy uốn éo theo điệu nhạc dần dần cởi bỏ xiêm y. Các cô biểu diễn trên sàn rồi đi xuống phía khán giả. Không chỉ có thanh niên mà nhiều ông cụ râu tóc bạc phơ cũng ngồi uống bia ừng ực và nhìn không chớp mắt. Khi mấy cô gái xuống từng bàn biểu diễn, khán giả móc tiền ra nhét vào áo ngực hay chiếc quần lót bé xíu của các cô. Mệnh giá tờ tiền càng lớn thì các cô đứng biểu diễn càng lâu. Mấy cụ mắt kém có thấy gì đâu nên cứ nhìn sát rạt và nhét vào những đồng tiền lớn nhất, các cô ôm cột ngả ngớn rồi vạch ra cho xem tí.

Có cả phụ nữ vào xem biểu diễn nữa. Phụ nữ cũng đi xem phụ nữ làm gì? À, biết đâu họ thuộc giới tính thứ ba thì sao! Tiếng huýt sáo, tiếng la ó cùng với tiếng nhạc sôi động. Các cô gái biểu diễn càng bốc, họ oằn oại như những con rắn gợi tình. Có cô hét lên rồi giật phắt chiếc áo ngực ném xuống dưới, khán giả tranh nhau, mỗi người được một mảnh.

Đệ ở bên ngoài dạo lòng vòng, cũng không dám đi đâu xa, không biết mấy giờ thì mọi người ra, đi xa sợ bị bỏ lại phố thì mệt. Nghe cũng hơi lâu lâu, Đệ lật mấy cuốn sách ra xem. Trời lạnh ngắt, bèn móc thuốc lá ra hút cho ấm. Cũng may, trong túi áo có sẵn bao thuốc chứ không thì cũng chẳng mua được, người bán sẽ cho rằng Đệ là trẻ vị thành niên như hai người vệ sĩ thù lù như hai con hà mã kia. Đệ mới bập bập được mấy hơi thì có chiếc xe cảnh sát đi ngang. Đệ dụi vội vàng điếu thuốc cho tắt.

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

;
.
.
.
.
.