.

Phòng mạch cuối tuần

.

* Bệnh tiểu đường gây tổn thương bàn chân như thế nào? Xin cho biết cách chăm sóc chân khi bị bệnh này. (Trần Thị Mai, tổ 12 phường Hải Châu 1, quận Hải Châu).

 

- Triệu chứng thường gặp với người bị bệnh tiểu đường là ngón chân bị tê, lạnh; đau các khối cơ khi vận động nhiều (chạy bộ, đi bộ nhiều)... Các mạch máu nuôi dây thần kinh cảm giác bị tắc nghẽn, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác như: nóng rát, tê rần hoặc như bị kim châm, kiến bò ở chân... Nếu bệnh tiến triển, cảm giác ngoài da sẽ giảm hay mất, dễ gây viêm loét, chấn thương xương - khớp... vì bàn chân không còn nhạy cảm với các nguy cơ xung quanh. Ngoài ra, thần kinh bị tổn thương sẽ làm yếu các cơ ở chân, góp phần gây biến dạng bàn chân.

- Gây mỏng da, khô, ngứa, lạnh; rụng lông; móng chân dày, mất móng... Đặc biệt là biến chứng vết thương ở bàn chân khó hoặc lâu lành hơn người bình thường do thiếu oxy, chất dinh dưỡng, máu nuôi; các tế bào bạch cầu phản ứng kém với nhiễm trùng.

Cách chăm sóc bàn chân:

- Ổn định đường máu.

- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày.

- Giữ da sạch và khô.

- Ngừa quá khô da: nên dùng các loại xà phòng rửa chân loại nhẹ ít chất xút, nhiều chất giữ ẩm da, ít mùi thơm và ít bọt.

- Lưu ý nhiệt độ: cẩn thận khi dùng nước nóng, ngâm chân nước nóng, chườm nóng... Khi bị lạnh ban đêm cần mang tất chân trước khi đi ngủ.

- Uống nhiều nước: uống nhiều hơn 1,5 lít nước/ngày để bù đắp lượng nước thiếu hụt và giúp da luôn được tươi tắn, khỏe mạnh.

- Sát trùng da: khi bị trầy xước da (kể cả lúc cắt móng chân, tay), cần rửa chân sạch bằng xà phòng, thoa dung dịch sát trùng Povidone Iodine, rồi băng lại bằng băng cá nhân hay gạc vô trùng.

- Không hút thuốc lá: vì nó sẽ làm teo hẹp thêm các mạch máu ở chân vốn đã bị hẹp và xơ cứng lại trong bệnh tiểu đường.

- Cắt móng chân: cần cắt thẳng ngang qua chứ không nên cắt sâu vào 2 khóe móng, nếu không sẽ dễ cắt nhầm vào da và gây nhiễm trùng, móng quặp.

- Đo nồng độ đường máu: nên lấy máu ở cạnh bên đầu ngón tay; thay đổi luân phiên các ngón tay ở mỗi lần thử máu.

- Cách chọn giày, dép, tất: bệnh nhân tiểu đường không bao giờ được đi chân không, bất kể trong nhà hay ngoài đường, vì hầu như mọi đồ vật chung quanh đều ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng gây tổn thương cho bàn chân. Ngoài ra khi mang giày, bắt buộc phải mang tất, nếu không chính đôi giày sẽ lại gây tổn thương. Mang giày đế bằng, không nên mang giày mũi nhọn hay cao gót. Luôn đi tất dài hơn ngón chân dài nhất 1-2 cm để tránh ép chặt bàn chân, gây giảm tuần hoàn máu. Tất phải mềm mại và đủ dầy để hạn chế sự cọ xát giữa bàn chân và giày.

* Cần làm gì khi bé bị sặc sữa, bột? (Lê Kiều Anh, phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Khi phát hiện trẻ sặc, khó thở, tím tái, nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, ở vị trí giữa hai xương bả vai.

Sau đó lật trẻ lại quan sát. Nếu trẻ khóc được, hết tím tái, chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Nếu trẻ vẫn còn tím tái, ấn ngực trẻ bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào trên xương ức và dưới đường nối hai vú. Ấn mạnh xuống 5 cái liên tiếp, sau đó quan sát, nếu còn khó thở thì làm lại động tác. Làm 6 lần liên tiếp. Nếu trẻ hồng hào, chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành thổi ngạt và ấn tim. Trên đường chuyển viện không được lúc nào ngưng ấn tim và thổi ngạt, bởi nếu không làm, não sẽ thiếu ôxy, không cấp cứu được.

P.M.C.T

;
.
.
.
.
.