Tôi may mắn được đọc những chương đầu của cuốn tiểu thuyết Quyên khi nó còn là một bản thảo. Một câu chuyện cuốn hút đến kỳ lạ để bạn muốn có trên tay những chương cuối, muốn biết kết cục cuối cùng của số phận các nhân vật. Và khi được đọc trọn vẹn Quyên, mới hiểu hết cuộc sống của những người Việt nơi xứ người với những hỷ-nộ-ái-ố, mà nhiều người khi chưa hiểu hết mảnh đất, con người ở ngoài nước Việt, nghĩ nó là một thiên đường.
|
Quyên gặp lại chồng rồi bị chồng ruồng bỏ trong lúc sinh con, cô suýt tự sát, may được Kumar (một người Sri Lanka tỵ nạn) cứu thoát. Họ sống với nhau trong một quán ăn nhỏ như vợ chồng. Sau đó, khi được tin Hùng sắp chết và muốn được gặp mặt đứa con, Quyên đã mang con tới Hungari gặp Hùng lần cuối trước khi anh qua đời. Quyên mang tro cốt của Hùng về nước khi Kumar đi tìm Quyên, báo cho cô biết mẹ anh đã chấp nhận cô, bước qua lời nguyền định mệnh của dòng họ...
Quyên có sức cuốn hút lớn và có thể xem là một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn chất hiện thực của đời sống, đầy đủ nhất từ xưa tới nay viết về đề tài cộng đồng người Việt ở Đông Âu. Bằng lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, đầy ắp chi tiết, tác giả đã truyền đến người đọc những cảm xúc đông cứng tưởng như nghẹt thở về những bước thăng trầm trong cuộc đời mà nhân vật Quyên đã trải qua; những cảm xúc đau đớn, tưởng như làm con người chai sần mà Hùng, Phi gặp phải; đức chịu đựng và kiên trì, sự tha thứ và nhạy cảm có ở nơi Quyên; kể cả tính thiện và tính ác của những người Việt khi ra khỏi lãnh thổ của mình...
Mỗi chương tiểu thuyết là mỗi câu chuyện về cuộc sống của cộng đồng người Việt không chỉ ở nước Đức. Do đó, nhiều chương gần như là những truyện ngắn hoàn chỉnh. Các chương truyện đứng độc lập là một thủ pháp của khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại. Và nó mang trong đó nhiều yếu tố như một bộ phim, những thước phim đan xen nhau, có không gian, thời gian, bối cảnh...
Khi ra mắt tiểu thuyết đầu tay Quyên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự: “đó là câu chuyện đưa bạn đọc trong nước tới một đất lạ, nơi đồng bào ta, bạn bè tôi và tôi, vì miếng cơm manh áo phải rời bỏ xa lìa quê hương. Câu chuyện kể chủ yếu về cô gái tên Quyên nhưng quanh cô ấy lại có nhiều nhân vật nữa liên quan, mỗi nhân vật là một thân phận ở xứ người. Yêu ghét, hành xử với nhau ra sao quanh Quyên. Hãy đọc cẩn trọng Quyên, để thấy tôi muốn yêu và muốn sống ra sao, đồng bào ta ra nước người mạnh yếu thế nào?”.
Và trong Quyên có đoạn “... mọi tập tục sinh ra và phát triển trong lũy tre làng ấy, dường như chẳng có tính bền vững, nếu cư dân của nó bứt ra khỏi lũy tre, hàng cây bao vây cái làng. Nó mất đi tính bền vững, tàn úa ngay sau khi họ rời làng lên thành thị, ngay trong lãnh thổ của Tổ quốc. Nó, thứ nghiêm luật làng xã ấy còn lại bao nhiêu ở nước ngoài, khi mà ở đây, người ta nhắm mắt hay không quan tâm tới những gì người Việt như cô quan tâm?”.
Trong khi có hàng triệu người Việt đang học tập, sinh sống ở nước ngoài. Văn chương phản ánh về đời sống của người Việt xa xứ còn ít, thì Quyên gần như là điểm sáng trong thời điểm này để người ở nhà, người ra đi hiểu nhau hơn. Khi mỗi người tha hương đều phải trả giá để đổi lấy những đồng ngoại tệ mạnh “kẻ thì cho đi hạnh phúc vốn mong manh, nhận lấy những điều còn chắp vá, mong manh hơn, kẻ thì trả giá vì sự thiếu hiểu biết hổng về trăm ngàn kỹ năng sống cần có như xứ lạ, tỷ như sự hiểu biết về luật pháp, văn hóa, khí hậu…”.
Nguyễn Văn Thọ, một người thành danh trên văn đàn với nhiều truyện ngắn xuất sắc, hai năm trở lại đây là một tác gia quen thuộc trên báo ĐNCT như Đền văn, Tình yêu người thợ giày, Thất huyền cầm, Ngọn lửa...
HOÀNG NHUNG
(Đọc Quyên-Nguyễn Văn Thọ. NXB Hội Nhà văn, tháng 4-2009.)