Chiều tháng 10 trời mưa như trút nước, Đặng Văn Vị, cậu sinh viên năm I, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng vẫn cầm xấp vé số bước đi trong mưa với gương mặt sáng ngời.
Đặng Văn Vị (bên trái) với vé số một bên, và sách vở một bên. |
Nhập học từ đầu tháng 9, đến tháng 10, Vị đã quyết định “hành nghề” vé số để đỡ bớt gánh nặng tiền ăn học cho bố mẹ. Suy nghĩ mất bốn ngày, Vị chọn bán vé số là công việc bán thời gian của mình. Không ít người đã thắc mắc: “Sao không làm gia sư, bồi bàn như nhiều sinh viên khác?”. Vị tâm sự: “Em đã tính nhiều rồi, cũng hỏi thăm đủ các quán xá nhưng làm theo ca thì thời gian đâu mà ôn bài. Nhiều khi ca làm bắt đầu lúc 4 giờ chiều, nhưng 5 giờ chiều mới học xong, chẳng lẽ lại bỏ tiết giữa chừng? Bán vé số xem ra chủ động về thời gian hơn cả”.
Mỗi ngày, em bán được khoảng 60 tờ, mỗi tờ “lời” 500 đồng. “Trung bình cháu” kiếm 15 đến 30 ngàn đồng/ngày. Tạm đủ chi tiêu ạ”, Vị nói. (Tuy chỉ kém người đối diện vài tuổi, nhưng lúc nào em cũng khép nép gọi “cô”, xưng “cháu”). Địa bàn hoạt động của Vị là các tuyến đường xung quanh khu trọ em đang sống như Trần Cao Vân, Thái Thị Bôi… Vị chỉ bán vào những buổi rảnh rỗi ngoài giờ lên lớp. “Có khi cháu bán buổi sáng, lúc thì bán buổi chiều. Thường xuyên nhất là từ giờ tan tầm đến nửa đêm”, Vị cho biết.
Chưa từng bán vé số lần nào trước đó, Vị vẫn không tỏ ra bỡ ngỡ với công việc mới mẻ này: “Đi bán thích và vui lắm cô ạ. Cháu còn thấy mình khôn lên, biết được nhiều điều nữa. Người xấu cũng có, nhưng cháu gặp người tốt nhiều hơn”.
Chưa lần nào than mỏi chân, chưa từng kêu mệt mỏi, lúc nào em cũng kể về công việc với một nụ cười đầy tự hào. Với Vị, có được việc làm và tự tay mình kiếm ra đồng tiền đã là quý. Bởi theo như lời Vị, quê em rất nghèo, muốn làm việc gì đó ngoài chuyện đồng áng cũng khó, nên em vào Đà Nẵng học cũng vì ý nghĩ: ở thành phố sẽ dễ có việc làm thêm.
Trong căn phòng trọ “dẹp lép” với bề ngang chưa đầy 2m tại tổ 29, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Vị và người bạn cùng lớp và cùng… nghèo như em thuê với giá 350 ngàn đồng/tháng. Tuy tìm mãi mới thuê được căn phòng với giá “mềm” như vậy giữa thành phố lớn, nhưng số tiền ấy cũng chiếm gần phân nửa số tiền ăn, học bố mẹ gửi cho hằng tháng. Vì vậy, Vị và cậu bạn thân chỉ còn biết cách “bóp” tiền ăn để đủ xoay xở suốt tháng. Hai bạn hùn tiền tự nấu ăn với thực đơn không bao giờ quá 6 nghìn đồng/người/2 bữa chính.
Vị cho biết: “Mỗi tháng gia đình gửi 600 ngàn đồng cho tất cả các khoản học phí, tài liệu. Số này không là bao nhiêu so với các bạn ở phố, nhưng với cháu thì tương đối nhiều. Nhà cháu làm ruộng, ngoài cháu ra còn có 2 em nhỏ ăn học nữa, lấy đâu bố mẹ nuôi nổi”. Ở quê, bố mẹ Vị không hề hay biết em phải mưu sinh bằng cách ấy. “Cháu không kể thì sao mà biết được. Dù cháu thấy đây là một nghề trong sạch, đàng hoàng nhưng vẫn sợ bố mẹ lo con vất vả, nên cháu giấu kín luôn”, Vị chia sẻ.
Sau một ngày lê la khắp các con đường, Vị lại trở về phòng trọ giữa ngổn ngang sách vở...
HƯỚNG DƯƠNG