.

Thách thức Waziristan với Pakistan

.

Quân đội Pakistan đã quyết định mở chiến dịch tại khu vực bộ tộc bất ổn ở Nam Waziristan và mở đầu bằng cuộc không kích ngày 13-10, đồng thời các binh sĩ nước này cũng triển khai các cuộc tấn công trên bộ nhằm vào căn cứ địa của Taliban.

Lực lượng quân đội Pakistan được trang bị vũ khí hiện đại.  (Ảnh: BBC)

Waziristan là khu vực miền núi ở tây bắc Pakistan, dọc biên giới với Afghanistan. Đây là một phần của các khu vực bộ lạc do chính quyền liên bang quản lý (Fata) - vùng bán tự trị chia thành 2 miền: Bắc và Nam Waziristan. Bắc Waziristan do bộ lạc Wazir cai quản, bộ lạc này mở rộng đến Nam Waziristan và chiếm 1/3 dân số tại nơi đây. 2/3 số dân còn lại ở Nam Waziristan là người Mehsud.

Nam Waziristan và những vùng lân cận bị các quan chức Mỹ cho là “khu vực nguy hiểm nhất trên trái đất”. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận đây là vùng chứa chấp một số kẻ trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới, trong đó có Osama bin Laden - thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
 
Nam Waziristan còn là nơi ở của cựu thủ lĩnh Taliban Baitullah Mehsud - kẻ đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào tháng 8-2009. Không những thế, Nam Waziristan là nơi ẩn náu của người kế nhiệm Baitullah Mehsud - thủ lĩnh Taliban ở Pakistan hiện tại, Hakimullah Mehsud. BBC cho biết, Bắc và Nam Waziristan hình thành nên một “vành đai quân sự” - nơi lực lượng nổi dậy tiến hành các vụ tấn công trên khắp vùng tây bắc Pakistan cũng như nhiều vùng khác ở phía đông Afghanistan.

Hakimullah Mehsud - thủ lĩnh Taliban ở Pakistan hiện tại. (Ảnh: BBC/AFP)

 

Nam Waziristan còn được xem là nơi trú ẩn đầu tiên của các chiến binh Hồi giáo bên ngoài phạm vi đất nước Afghanistan kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 và có nhiều trại huấn luyện những kẻ đánh bom liều chết. Chính phủ Pakistan chịu sức ép của Mỹ trong việc phải đối phó với “vành đai quân sự” này. Các nhà phân tích cũng cho rằng, việc đánh bật các nhóm chiến binh Uzbek và Arab có liên quan đến Al-Qaeda ở khu vực này là một mục tiêu quan trọng, nhưng Chính phủ Pakistan không dễ gì thành công trong chiến lược này.

Từ tháng 6-2009, Chính phủ Pakistan đã ra lệnh mở hoạt động ở vùng miền núi phía tây bắc nhằm tiêu diệt các chiến binh có liên quan đến Taliban và Al-Qaeda. Những vụ oanh kích được thực hiện vào ngày 13-10 sau bốn vụ tấn công khủng bố làm 125 người thiệt mạng trong tuần qua và vụ không kích này nhằm vào các căn cứ địa của Taliban ở Makeen, Ladha, Nawazkot ở Nam Waziristan.

Chính phủ Pakistan nói rằng hầu hết những vụ tấn công của phiến quân ở nước này được hoạch định ở các khu vực bộ tộc. Trong khi đó, lực lượng Taliban ở Pakistan ngày 13-10 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết đẫm máu ngày 12-10 ngay giữa một khu chợ đông đúc ở huyện Shangla, thuộc vùng Tây Bắc Pakistan, khiến 45 người thiệt mạng.

Vị trí các khu vực Bắc Waziristan và Nam Waziristan trên bản đồ Pakistan. (Ảnh: BBC)

Phía Taliban từng hùng hồn tuyên bố rằng, vụ đánh bom liều chết trên nhằm trả thù cho những chiến binh tử vì đạo của Taliban và đây chỉ là một phần trong hàng loạt vụ tấn công mà lực lượng này sẽ tiến hành.

Theo ước tính có 28.000 binh sĩ Pakistan được triển khai ở gần Waziristan. Thêm vào đó là sự hậu thuẫn của lực lượng bán vũ trang Frontier Corps. Song, theo BBC, khó ước tính được số lượng các binh sĩ có mặt tại nơi đây. Một người phát ngôn quân đội nói rằng lực lượng quân đội đã mở rộng thêm khoảng từ 10.000 đến 20.000 quân.
 
Ngày 14-10, hàng chục nghìn người dân đã rời khỏi Nam Waziristan do lo ngại các hoạt động quân sự chống lại Taliban và do tâm lý sợ hãi sau vụ đánh bom vào đầu tuần này, nhất là khi các tay súng tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tấn công chừng nào quân đội chưa kết thúc các chiến dịch quân sự nhằm vào các căn cứ của chúng. Vấn đề Waziristan đối với Pakistan đến nay vẫn là bài toán nan giải.

Theo trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách giám sát hoạt động tài trợ khủng bố - ông David Cohen, Taliban hiện có tình hình tài chính vững mạnh hơn nhiều Al-Qaeda và dựa vào hàng loạt các hoạt động tội phạm để trang trải chi phí cho những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

Ông Cohen cho biết, nhóm Hồi giáo cực đoan nói trên hiện tống tiền các nông dân và những kẻ buôn bán ma túy trái phép tại Afghanistan. Ngoài ra, Taliban cũng đòi tiền “bảo kê” từ các doanh nghiệp hợp pháp tại quốc gia Nam Á này. Một phần thu nhập bất hợp pháp của Taliban được tuồn ra khỏi Afghanistan và đưa vào hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ông Cohen không cho biết rõ số lượng hay chi tiết số tiền của Taliban bị nghi ngờ đã tuồn vào Mỹ.



PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.