.
Tôi có thể thay đổi

Học cách nói thật

23 tuổi, được hơn 40 “nhóc” thua mình chưa đầy 5 tuổi gọi bằng cô giáo, quả là một thử thách! Không còn mỗi sáng cà-phê ngẫu hứng, mỗi chiều la cà quán cóc ven đường, những chiếc quần jean túi lệch bụi bặm, giày thể thao, áo hai dây cũng không nốt. Ngập đầy không gian và thời gian là hàng chồng giáo án, sổ điểm, phiếu liên lạc, những buổi lên lớp, dự giờ, dạy bù, dạy thay… và 7 chiếc áo dài 7 màu (1 kiểu) luân phiên cho mỗi tuần.

Bài kiểm tra làm quen đầu tiên, cô giáo ra đề mở và “teen” hết cỡ: “Bạn thích giáo viên mặc gì đến lớp mỗi ngày? Vì sao?”. Tuổi học trò vốn hồn nhiên và nghịch ngợm, hẳn không thể tránh khỏi những câu trả lời gây sốc, nhưng cô giáo vẫn lấy hết can đảm để đọc không sót một bài nào, và cẩn thận xếp thành từng nhóm.

Không tính số ít những bài văn “cá biệt”, 1/3 số học sinh còn lại trung thành với chiếc áo dài truyền thống, nét dịu dàng, mềm mại của một cô giáo “kiểu mẫu”. Số đông người trẻ, thật bất ngờ, mong muốn giáo viên mỗi ngày đến lớp với một phong cách năng động, trẻ trung và gần gũi hơn.

Chợt nhận ra rằng, mình đã tự đóng khung chính mình trong quá nhiều những khuôn phép, nguyên tắc cứng nhắc đến lạnh lùng, trong khi học sinh lại từng ngày khao khát được đến gần, được sẻ chia, được sống cởi mở. Nếu người trẻ có thể học cách nói thật, góp ý chân thành, thẳng thắn, sao mình lại không thể học cách thay đổi?

An Nhiên

;
.
.
.
.
.