.

Trẻ thừa cân - Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh

.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số trẻ em béo phì trên thế giới ngày càng tăng ở các quốc gia. Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ em béo phì có nhiều khả năng sẽ tiếp tục béo phì khi đã trưởng thành. Thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng để phát triển các thói quen lành mạnh và ngăn ngừa các vấn đề về cân nặng đối với trẻ, nên việc duy trì một chế độ ăn hợp lý và các hoạt động thể thao là rất cần thiết và có lợi.

Tìm hiểu vì sao trẻ bị thừa cân?



 

Trẻ trở nên thừa cân khi năng lượng mà chúng hấp thụ (qua thức ăn và nước uống) nhiều hơn năng lượng mà chúng đào thải (qua các hoạt động thể chất và tập thể dục). Một chế độ ăn giàu năng lượng và chất béo, kết hợp với ít vận động, thể dục sẽ dẫn tới tình trạng thừa cân và nguy cơ béo phì cao. Trẻ em khi sinh ra đã được thừa hưởng nhóm máu và hình dạng cơ thể từ bố mẹ. Bạn không thể thay đổi những yếu tố di truyền này, tuy nhiên bạn vẫn có thể tác động đến thói quen ăn uống và các hoạt động khác của trẻ, giúp con duy trì và điều chỉnh cân nặng...

Những vấn đề tiềm ẩn đối với trẻ thừa cân

Trẻ thừa cân sẽ có nhiều nguy cơ gặp rắc rối. Chúng có thể cảm thấy mình khác biệt với những đứa trẻ khác, hoặc dễ bị bắt nạt, trêu chọc, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự tự tin ở trẻ và khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng khi con mình buộc phải tham gia các hoạt động hằng ngày hoặc các môn thể thao ở trường... Từ đó, việc kiểm soát cân nặng cũng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù các vấn đề về bệnh tật ít xảy ra hơn khi trẻ còn nhỏ, nhưng nếu con bạn tiếp tục tình trạng thừa cân khi đã trưởng thành, sức khỏe của trẻ có nhiều nguy cơ bị đe dọa, mắc phải các bệnh như: mỡ trong máu cao, các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, các vấn đề về khớp và hô hấp, một số dạng ung thư...

Làm thế nào nếu con bạn bị thừa cân?

Nếu con bạn bị thừa cần, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia về sức khỏe hoặc dinh dưỡng. Trẻ đang độ tuổi phát triển không nên áp dụng các chế độ ăn hạn chế quá nhiều các thức ăn bổ dưỡng. Bạn cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để bảo đảm một thực đơn khỏe mạnh và phù hợp... Hãy kiên nhẫn duy trì việc này vì tương lai con của bạn.

Một số cách khuyến khích các thay đổi có lợi cho thói quen ăn uống của con bạn

* Chuẩn bị một số món ăn tốt cho sức khỏe và cho phép trẻ lựa chọn món nào chúng thích ăn. Duy trì việc cho trẻ ăn các loại thức ăn có lợi ngay cả khi chúng từ chối không ăn ở lần đầu tiên.

* Hãy để trẻ quyết định liệu chúng đã ăn đủ hay chưa, ngay cả khi chúng có bỏ lại thức ăn. Việc này sẽ giúp trẻ hiểu được cảm giác đói và no, những thói quen này có thể giúp kiểm soát sự ngon miệng và ngăn ngừa việc ăn quá nhiều khi trẻ lớn lên.

* Bạn nên thay đổi chế độ ăn của cả nhà và áp dụng cho tất cả mọi người để trẻ không cảm thấy mình bị tách biệt. Nếu gia đình bạn vốn có thói quen ăn nhanh, hãy cùng cả nhà thay đổi thói quen này và khuyến khích ăn chậm, nhai kỹ.

* Không nên dùng thức ăn để phạt, thưởng, hay dỗ dành trẻ. Dù đôi khi bạn phải dùng đến cách này nhưng lâu dần nó sẽ tạo thành một thói quen không tốt trong việc ăn uống.

Hoạt động vui chơi của cả gia đình

Một lối sống năng động là điều cần thiết cho cả gia đình, bất chấp tuổi tác và cân nặng. Hoạt động thể chất giúp bạn xây dựng các kỹ năng, khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn và ngăn ngừa bệnh tật. Để tăng cường các hoat động trong gia đình mỗi ngày, hãy:

* Hạn chế các hoạt động ngồi một chỗ như xem tivi, băng video, chơi game và sử dụng máy tính. Thói quen xem tivi quá nhiều thường gắn liền với hiện tượng thừa cân ở trẻ em, vì khi trẻ xem tivi, chúng sẽ không ở trạng thái hoạt động. Ngược lại, chúng lại càng có cơ hội xem các quảng cáo về các món ăn, và được khuyến khích ăn nhiều hơn dù có đói hay không.

* Cùng nhau vận động để trẻ thấy rằng bạn cũng rất siêng năng vận động; tăng cường thời gian vui chơi ở ngoài trời. Hạn chế việc dùng xe ô-tô, thay vào đó khuyến khích con bạn đi xe đạp hoặc đi bộ đến trường, đi mua sắm ở cửa hàng hoặc đến nhà bạn bè.

* Giúp trẻ cân bằng giữa các môn thể thao đã được sắp xếp ở trường, các hoạt động vui chơi giải trí và các môn thể thao tự do như bơi lội hoặc khiêu vũ. Luôn động viên và ủng hộ trẻ vì một số trẻ cảm thấy xấu hổ và không thoải mái về năng lực hoặc khả năng chơi thể thao của mình.

L.D (Theo betterhealth)

;
.
.
.
.
.