Cả một thế hệ say lòng với những ca khúc kháng chiến hào hùng, đầy chất lãng mạn: Diệt phát xít, Chiến sĩ Việt Nam, Sông Lô, Tiểu đoàn 307, Bình Trị Thiên khói lửa, Người Hà Nội… Từ sâu xa trong tâm hồn, tôi thầm biết hơn những ca khúc giục giã lòng người ấy. Những năm tháng đó, Quốc Hương, Quý Dương, Quang Hưng, Trần Khánh, v.v… đã cùng chúng tôi hành quân dọc dải Trường Sơn, những đêm và những ngày xung trận.
Dịp may mắn cho tôi được một lần gặp gỡ nghệ sĩ Quang Hưng tại Moskva. Có lẽ đó là năm 1987. Với anh, Moskva thì không lạ lẫm gì. Năm 1957 anh đã cùng Đoàn thanh niên Việt Nam tham dự Festival thanh niên Dân chủ thế giới. Năm 1959 anh đã du học tại nhạc viện mang tên Chaikovski.
Quang Hưng lớn lên ở Hà Nội. Vào tuổi mười hai, mười ba, anh làm liên lạc cho các đơn vị vũ trang tự vệ thành Hoàng Diệu mới được thành lập. Cũng từ ngày đó, Quang Hưng đã đem tiếng hát non trẻ của mình đến với các chiến sĩ. Anh hát cho thương binh đang đau đớn vô cùng vì thiếu thuốc, hát cho các chiến sĩ đầu ô Cầu Dền, bốt gác Hàng Đậu, cho tự vệ trực đêm trên đê sông Hồng…
Trong khoảnh khắc trầm ngâm, hồi ức 60 ngày đêm quyết từ bảo vệ Thủ đô như sống lại trong trái tim người lính - nghệ sĩ Quang Hưng.
- Tôi nhớ, một đêm buốt giá mùa đông năm 1946, dưới chiến lũy Hàng Lọng gần phía Khâm Thiên, tôi đã hát bài “Chiến sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao. Có thể đây là lần cuối trong đời người lính cảm tử chăng. Sáng hôm sau các chiến sĩ xung trận. Hình ảnh người lính “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh“ trong buổi sáng tinh mơ năm đó bên chiếc xe tăng bốc cháy đã in đậm trong ký ức tôi.
Phải chăng ngọn lửa trong trái tim mình đã rạo rực bùng lên từ đó, mỗi khi cất lời ca hát “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”. Hình ảnh chiến sĩ cảm tử ấy chính là hình mẫu tạc nên bức tượng đài nổi tiếng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” một tác phẩm nghệ thuật kết tinh từ cuộc sống đã được đặt tại trung tâm Hà Nội.
60 ngày đêm sống mái, cầm giữ quân thù từng thước đất, cuối cùng anh cùng đồng đội trung đoàn cảm tử đã phải chia tay Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Lòng cậu bé thiếu niên Vệ quốc đoàn nặng trĩu. Hình bóng người mẹ quyện trong hình ảnh Hà Nội rừng rực lửa khói trong đêm.
Người mẹ nhớ ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12, hằng năm làm ngày hương khói cho cậu con trai bé nhỏ. Nhưng bom đạn không đánh gục được chàng trai trẻ Hà Nội. Năm 1954, Quang Hưng trở về với người mẹ trong bộ quân phục của người lính pháo. Con mẹ đã thực thụ là anh lính của Cụ Hồ, cao lớn, phong trần, trên ngực kiêu hãnh tấm huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Nghĩ về những chặng đường đã qua, Quang Hưng nói, anh thực sự hạnh phúc. Ra đời trong bão táp cách mạng và chính bão táp ấy đã tạo nên cốt cách con người nghệ sĩ trong anh. Anh hát, không màng danh lợi. Từ trái tim nhiệt huyết bật lên tiếng hát. Chừng nào công chúng còn mến mộ giọng hát của anh, anh còn hát, hát với cả trái tim như một thời trai trẻ anh từng hát cho các chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu. Năm đó, ở Moskva anh nói với tôi:
- Tôi được ca lên những khúc hát hào sảng nhất, lãng mạn nhất của cách mạng. Những ca khúc say lòng ấy đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của cả một thế hệ. Đời nghệ sĩ, không phải ai cũng có được may mắn ấy.
Nhìn Quang Hưng ngồi yên lặng, với vẻ mặt từng trải, tôi như nhìn thấy trong mắt anh hình ảnh người chiến sĩ “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm nào, như nghe rõ tiếng nổ từ pháo đài Láng, xích xe tăng nghiến trên năm cửa ô …
NHƯ NGUYỄN