.

Bấp bênh thợ đụng

.

Giữa lòng Đà thành, hằng đêm vẫn còn nhiều người mong mỏi tìm được giấc ngủ không mộng mị hay lo lắng ngày mai, ngày kia mình sẽ làm gì cho cuộc mưu sinh. Ở một góc khác, vẫn có người chấp nhận cuộc sống bấp bênh của nghề “thợ đụng”(vốn được hiểu là đụng đâu làm đó) dù tuổi đời còn rất trẻ với câu trả lời chung chung như “chúng tôi không có học vấn, nghề nghiệp nên chẳng biết xin việc gì và xin ở đâu”...

Thợ đụng là… đụng nợ

Dù lao động cực nhọc tại các công trình, những người thợ hồ cũng chỉ kiếm được khoảng 80.000 đồng mỗi ngày.

Gắn với nghề biển từ khi còn là chàng trai khỏe mạnh, ông Hồ Văn Hùng (55 tuổi), tổ 1, phường Thanh Khê Đông không hề nghĩ đến cái tuổi này, mình vẫn còn phải bươn chải đủ nghề để trang trải cuộc sống. Lớn tuổi, không đủ sức chống chọi với sóng to, gió lớn, ông Hùng quyết định từ giã những chuyến tàu ngược xuôi trên biển trở về quây quần bên vợ con. Suốt một đời làm bạn với cá, tôm không mang lại cho ông cuộc sống sung túc như mong muốn.

Hơn 30 năm “đi bạn”, không hợp đồng lao động, bị chủ tàu ép giá, những người phụ việc trên tàu như ông chấp nhận mức lương trên dưới 1 triệu đồng/tháng trong khi vật giá mỗi ngày mỗi tăng, mọi chi tiêu trở nên đắt đỏ. Đó là chưa kể những chuyến đi biển thu không đủ bù chi, cả chủ tàu lẫn người “đi bạn” đành chấp nhận chờ vận may ở chuyến đi biển kế tiếp. Thế nên dù gần một đời bám biển, cuộc sống của gia đình ông nghèo vẫn hoàn nghèo.

Từ biển trở về, cuộc sống càng chật vật hơn khi bà Huỳnh Thị Gái, vợ ông Dũng vốn bệnh tật, sức yếu, không làm được gì ngoài công việc nội trợ. 3 người con gái đầu đi làm công nhân với đồng lương chưa đầy 1 triệu. 2 đứa sau còn đi học, có hôm bí tiền nộp học phí cho con, bà Gái lại bấm bụng qua nhà ông Võ Kế, tổ trưởng tổ dân phố mượn, rồi chờ ngày chồng mang tiền về trả.

Khi chúng tôi đến, ông Dũng đang được nhà hàng xóm gọi qua sơn lại bức tường và khung cửa sắt đã bị tróc màu sơn do bão số 9. Những lúc như thế này, ông nói: Mừng lắm, vì mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 70.000 đồng, giúp vợ tôi cân đối chi tiêu trong 2 ngày. Ai kêu chi thì làm nấy, chủ yếu là phụ hồ và sơn quét vôi. Công việc này không nhiều, nên ăn uống phải nín nhịn lắm mới tạm đủ.

Trường hợp gia đình chị Trần Thị Hoa, tổ 85, khu tái định cư phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu lại khác. Người phụ nữ này hiện là lao động chính trong gia đình có 4 đứa con. Ở tuổi 21, nhưng cháu Đồng Thanh Tuấn, con chị vẫn như một đứa trẻ 13 do ảnh hưởng của bệnh tim bẩm sinh, phải ngồi trên xe lăn, khuôn mặt ngờ nghệch, suốt ngày ú ớ nói cười một mình. Trên chiếc giường kê giữa căn nhà trống, chồng chị, anh Đồng Văn Nhựt vốn có triệu chứng tâm thần từ lâu, nay nằm liệt giường do bị tai nạn xe máy. Chồng ốm, con đau, 3 đứa khác đi học, mọi chi tiêu trong gia đình đè nặng lên vai người đàn bà trong gia đình.

Hằng ngày, chị Hoa thức dậy từ 4 giờ sáng, lo vệ sinh cho chồng, con xong, chị lại tất tả chạy xe xuống bến lấy cá mang về bán ở khu chợ xếp gần nhà. Chợ chỉ tập trung buổi sáng. Buổi chiều, mọi người quanh đó biết chuyện, thương tình giới thiệu chị làm thêm, từ dọn dẹp nhà cửa đến khuân vác, phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Dù thế, thu nhập mỗi ngày khoảng từ 50.000-70.000 đồng của chị chỉ như “muối bỏ bể” khi tiền thuốc cho chồng cũng như tiền đóng học phí cho con cuốn vào đó tất cả mồ hôi, nước mắt cũng như nỗi cực nhọc và sự cam chịu của người đàn bà này. Chị bảo, dẫu có làm quần quật đầu tắt mặt tối cả ngày, cũng không thể trang trải được mà phải mượn thêm người này một chút, người kia một chút.

Chấp nhận sự bấp bênh?

Chấp nhận làm việc tại các công trình xây dựng, những người “thợ đụng” đối mặt với nhiều nguy hiểm luôn rình rập.

 

Bên cạnh những “thợ đụng” lớn tuổi như ông Dũng, chị Hoa, vẫn còn khá nhiều người chấp nhận trở thành “thợ đụng” dù tuổi đời chỉ mới 30. Trường hợp của anh Lê Văn Tuấn, tổ 85, phường Hòa Minh là một ví dụ. Gần mười năm gắn bó với biển, anh Tuấn quyết định “lên bờ” sau đợt bão dữ Chanchu năm 2006 vì không muốn đánh cược mạng sống của mình với biển khơi.

Xa biển, không nghề nghiệp, không kinh nghiệm, anh trở nên lạc lõng và không thể bắt nhịp kịp với cuộc sống trên bờ. Ở tuổi 30, đáng lẽ anh Tuấn phải có một công việc ổn định để trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ con thì nay, mỗi sáng sau khi chở vợ ra chợ buôn thúng bán bưng, hoặc anh quay về trông con, hoặc dựng xe ở khu vực quanh chợ mong tìm cuốc xe ôm hoặc thồ hàng hóa khi khách có nhu cầu.

Khi được hỏi tại sao anh không tìm một công việc ổn định mà làm, anh cười lảng tránh: “Cũng muốn lắm nhưng đi biển riết rồi chỉ quen với những công việc nặng nhọc ngoài khơi. Giờ lên bờ như cá thiếu nước, chẳng làm gì được. Phụ hồ thì chẳng ai thuê, vào nhà máy thì biết chỗ mô mà lần. Thôi sống ngày nào hay ngày đó chứ chẳng biết cách chi mà thay đổi”. Lý do ấy xem chừng rất chính đáng nhưng liệu có phù hợp khi anh còn khá trẻ? Trong căn nhà nhỏ nợ 100% tiền đất này, gia đình anh sẽ vật lộn với cuộc sống như thế nào khi mỗi ngày con cái mỗi lớn mà chính anh, lao động chính trong nhà lại phải “thảnh thơi” chẳng có việc gì để làm?

Sự khắc nghiệt của cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền khiến nhiều người phải “dài tay” làm đủ nghề mà từ trước đến nay mình chưa từng đụng đến, từ phụ hồ ở các công trình xây dựng đến chuyện trở thành thợ sơn, xe thồ, khuân vác hàng hóa ở chợ để tìm kiếm nguồn thu nhập ít ỏi và chấp nhận sự bấp bênh này vì “không còn con đường nào khác”. Tuy nhiên, những việc như thế này thường “bữa đực bữa cái”, không ổn định nên thu nhập không đáng là bao.

Giải quyết việc làm, câu chuyện vượt khả năng

 

Công văn số 526/VP-VX của Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng về việc trợ giúp lao động mất việc do DN thu hẹp sản xuất do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã được ban hành từ ngày 25-2-2009 nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều lao động mất việc chưa tìm được công việc mới do nhiều nguyên nhân. Với những lao động là nông dân mất đất, những người từ giã nghề biển để lên bờ lại càng khó khăn vì họ không có trình độ. Sống chung với nợ nần, cộng thêm việc làm không ổn định, nhiều người cảm thấy bế tắc giữa nhịp sống ngày càng dồn dập của xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế giữa năm 2008, trên địa bàn quận Sơn Trà có gần 5.000 lao động mất việc làm. Trước tình hình đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã giao cho phòng LĐTBXH quận Sơn Trà trong năm 2009 giải quyết công ăn việc làm cho 4.800 lao động.

Theo đó, phòng đã phân bổ chỉ tiêu lao động về 7 phường trên toàn quận để tìm hướng giải quyết. Tính đến hết tháng 10, số người được giải quyết việc làm đạt tỷ lệ 90,1% dưới các hình thức hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn kinh doanh cá thể, theo dự án 120, liên kết với DN hỗ trợ… Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hồng, chuyên viên Phòng LĐTBXH quận, con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chắc chắn trong thực tế, số người mất việc hoặc không có việc làm ổn định cao hơn rất nhiều.

Cơ hội cho những người lao động lớn tuổi, lao động không có tay nghề quá ít ỏi. Ông L.V.T (60 tuổi), tổ 17, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà cho biết, 15 năm nay, ông vẫn luôn tìm kiếm cơ hội mong có một công việc ổn định, nhưng chẳng biết hướng nào mà đi, các cơ sở đều không nhận công nhân lớn tuổi lại chưa qua đào tạo. Những người nông dân, không còn đất canh tác, không thể đi biển thì biết làm gì để sống ngoài những việc kiểu như “ăn xổi ở thì”.

Khi hoàn cảnh gia đình của những người lao động chính bấp bênh, thì con cái họ không có điều kiện học hành, không có trình độ, chắc chắn sẽ phải lặp lại cuộc sống đắp đổi, không ổn định. Giữa lòng Đà thành, gặp những con người lao động bình dị và đau đáu với bữa cơm manh áo, tôi chợt nhận ra rằng, hằng đêm vẫn còn nhiều người mong mỏi tìm được giấc ngủ không mộng mị hay không phải lo lắng ngày mai, ngày kia mình sẽ làm gì cho cuộc mưu sinh.

Phóng sự của Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.