.

Chạm vào thu Praha - Kỳ 1: Đường biên, bạn ơi, xin nhớ...

.

Hội nghị "Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất" sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 24-11-2009 với chủ đề "Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước" với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu kiều bào trên khắp thế giới. Tại châu Âu, có một bộ phận rất lớn đồng bào ta, hơn 20 năm qua đã chung tay cùng cả nước góp phần xây dựng đất nước trên con đường hội nhập và đổi mới toàn cầu.

Xin trân trọng giới thiệu bài ký của nhà văn Nguyễn Văn Thọ vừa gửi riêng cho ĐNCT, nhân một chuyến đi của ông từ Đức sang Tiệp. Với quan sát tinh tế, kết hợp giữa sự từng trải, thực tại thoáng gặp và dĩ vãng, các chi tiết ghi chép ký được tác giả thể hiện một cách nhuần nhuyễn, phản ánh phần nào một góc nhìn về đời sống nói chung của kiều bào, của những con người cụ thể trên đất Đức và Tiệp, liên quan ít nhiều tới vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Bài viết như một tấm lòng nặng tình với đất Việt, với miền Trung của tác giả nơi xa xứ.


Chúng tôi, ba người quyết định sang thăm bạn bè bên Tiệp, khi thu vàng đang tràn về khắp châu Âu. Việc chuẩn bị chỉ bằng vài cú điện thoại và tất tưởi lên đường. Trời mưa lún ngún. Nguyễn Thế Việt tiến sĩ văn chương cùng nhà văn Lê Xuân Quang (1), tới đón tôi tại nhà, ngoại thành Berlin. Mốc đi tới là trung tâm buôn bán Sa pa, nơi quần tụ của nhiều doanh nhân Việt trong khâu bán buôn.

Từ Berlin tới Praha chỉ ngót nghét 400 cây số. Trời cứ nắng lại mưa. Cái máy chỉ đường, định vị, được bật lên, giúp chúng tôi lên đường, như ngày nào Đức thống nhất, những người Thợ Khách ra đường kiếm sống: Một chiếc xe tốt, một túi tiền tốt và một người bạn tốt, ta lên đường! Bây giờ đi chơi, thì cả ba túi tiền đều “không tốt lắm“, nhưng một túi xách nặng đồ ăn của lão già Quang đã sẵn sàng ở hàng ghế sau làm tôi an tâm hơn.

Xe phăm phăm chạy tới gần biên giới, tôi hỏi: Không biết biên giới bây giờ họ kiểm tra ra sao?

Cả hai anh bạn đồng hành hô hố cười tay Thọ mông muội. Lão già Quang thủng thẳng:“Ông Thọ lạc hậu quá, biên giới nó bỏ từ lâu rồi, làm quái gì còn kiểm tra này nọ“.

Hai bên đường, đất Đức, những cánh đồng mênh mông bắt đầu dần thưa đi rồi biến mất và núi non chập chùng hiện ra. Càng lên cao càng lạnh. Biên ải, ở đâu cũng vậy, gieo vào lòng ai cái cảm giác lạnh và cô liêu. Câu thơ Hồ Zếnh, Chiều xưa âm âm, vang lên: Trên đường về nhớ đầy/ chiều chậm đưa chân ngày... Nhớ nhà châm điếu thuốc/ khói buồn dâng lên... Mây! (2)

Mây ở biên giới cũng tha thẩn, dường như chưa khi nào vội vàng. Sương mây cứ mù phơ, phơi bên các ngọn núi đang trắng xóa tuyết. Tôi rùng mình, 7 năm nay không buôn bán, giờ giật nhớ, 12 năm trên hè phố, 16 tiếng một ngày đứng bán bán mua mua, run lên trong cái âm hai mươi độ.

Ô-tô vùn vụt tốc độ 140 cây số giờ, sắp qua biên giới nhé. Việt nói.
Hai bên đường, tuyết bắt đầu hiện ra trắng xóa và con đường nhựa đen, thênh thênh, loang loáng lúc mưa lúc tạnh, liếm liến vùn vụt trước đầu xe. Có lẽ không một cản trở nào! Như kế hoạch bàn trước, chúng tôi sẽ tấp xe vào trạm nghỉ nơi biên giới cũ.

Đấy là một bãi đáp cho khoảng ba bốn chục xe con và xe tải, xưa nay thường nghỉ ở đây, mỗi khi qua lại hai nước. Có một nhà vệ sinh đủ rộng cho nam và nữ, cả dành cho người thương tật. Lại một ngôi nhà độc lập khác dùng thay lái. Tại đó, khi mùa đông tuyết băng lạnh cứng, trong đêm, lái xe có thể nghỉ ngơi uống ca-fe mang theo. Xe bò qua có chỗ tuyết trắng xóa, ngập dày nửa mét xung quanh bãi. Mở cửa xe, chạm ngay vào cái lạnh cứng, thót cả lòng.

Đấy, biên ải là đây!

Chúng tôi khẩn trương vệ sinh và ai cũng đói. Tôi thì đói lắm. Sớm nay chỉ uống một cốc sữa, cái bụng giờ đã reo lên ong óc và nhơm nhớm đau. Chúng tôi ngồi trong xe, cả ba ngồi nhai giò Việt Nam và chiếc bánh khô không khốc, đầy những sợi nhỏ, chừng như lá hành bên trong của lão già Lê Xuân Quang chia cho. Nhìn ra ngoài. Hai đứa trẻ Đức đang thi nhau ném tuyết. Tháng 10 tuyết đã rơi, tức là hơi sớm! Chỉ dăm phút nữa, tôi sẽ chạm vào Prag. Ô hô, thế là hai mươi năm... Ngày nào, khi rời D. D. R (Cộng hòa Dân chủ Đức) ở sân bay Praha, tôi nhìn Praha lung linh và hiện đại qua những ô kính rộng. Sắp lại gặp nhau!

Việt mở cửa xe vừa định bước vào thì một người cao lớn mặc bộ đồ chống tuyết, mưa, từ đâu bất ngờ bước tới. Tôi không rõ ông ta nói gì. Nhưng chớp mắt, cái Thẻ công vụ treo tòng teng trên cổ người lạ ấy được móc ra và, khuôn mặt thật lạnh lùng. Passport? Kiểm tra rồi!

Tôi móc túi lấy hộ chiếu. Định đẩy cửa xe bước ra thì cánh cửa lập tức bật đẩy trở lại. Một bàn tay hộ pháp, trắng và dày tì sát khe kính. Ngước mắt lên tôi nhận ra kẻ thứ hai. Hóa ra gã từ sau xe vọt lên. Tôi nhận ra cái thẻ thứ hai. Thẻ của lực lượng bảo vệ biên giới... Hộ chiếu đưa qua cửa kính quay xuống, trong con mắt đầy dấu hỏi, xăm xoi của hai người thuộc lực lượng bảo vệ biên phòng Đức - Gren- Sút!

Hô hô, không còn biên giới nữa, khi mà Czech đã vào cộng đồng chung châu Âu. Tôi nhớ cái cười nhạo của hai người bạn trước đó nửa giờ... Chuyện gì sẽ xảy ra? Tuyết vẫn trắng phớ quanh xe và mặt trời vẫn đang chiếu lấp lánh trên các ngọn núi cũng trắng phớ, mây xám vẫn nhởn nhơ. Hai đứa trẻ vẫn ném tuyết bên ngoài.

Người cảnh sát biên phòng, trong bộ đồ xám, cầm chặt ba cuốn hộ chiếu của chúng tôi, nói với Việt: Chếch! Tôi nhìn theo gã, cái bóng cao lớn, chả vội vàng gì, bước thủng thẳng về phía có chiếc xe Mẹc loại phân khối lớn, lấm lem bùn tuyết, đỗ cách chừng năm mươi mét, ở góc trái bãi. Tôi nhìn rõ cái bao da khẩu súng lắc lư bên hông của gã. Cái bao da luôn luôn không cài bấm. Và, tôi cũng biết, đây không phải loại súng K.54 hay K.59, mà sạc-lơ chỉ có 10 viên đạn. Súng ngắn cảnh sát Đức chuyên dụng, có thể bắn rất nhanh kia, sẵn sàng rút ra kia, ăm ắp cơ số đạn 13 viên sẽ gào lên, lia đạn như liên thanh, nếu chúng tôi bỏ chạy.

Sẽ nhả đạn thẳng vào ngực kẻ chống người thi hành công vụ, như đêm ấy, trong đường hầm, bộ ngực đẫm máu, có một lỗ thủng sâu hoắm dành cho một người Việt Nam xấu số (tòa án Liên bang Đức đã xử vụ này, nhưng người cảnh sát đã không bị xử tội, vì không ai chứng minh được người Việt Nam ấy không chống lại tay cảnh sát nhẫn tâm, dù ai cũng hiểu rằng, người Việt buôn bán thuốc lá, không một ai dám một mình chống lại cảnh sát Đức).

Rõ ràng, trong phút ban đầu kiểm tra, họ - hai cảnh sát biên ải Đức - đã rất cảnh giác, đề phòng chúng tôi trốn chạy, nên gã cảnh sát thứ hai đã hạ lệnh, buộc tôi không được ra khỏi xe. Còn bây giờ, khi mà trong tay họ có ba cuốn hộ chiếu, thì họ an tâm, bỏ mặc Ba kẻ tóc đen, đầy nghi ngờ và an tâm bước về chiếc xe, mà trong đó có chiếc máy nhỏ dài khoảng ba mươi nhăm phân, có thể liên lạc bằng dữ liệu ảnh, rất chi tiết, thẳng với Bộ phận kiểm tra hộ chiếu, ở một trung tâm xa vời nào đó, hòng nhận ra ngay nhân thân của ba người nước ngoài, giấy tờ thật hay giả, qua vi-sa loại được phép lưu trú lâu dài Sở ngoại kiều Đức đã cấp. Hóa ra, thế giới đâu cũng vậy, đám cảnh sát thi hành công vụ xa thủ đô và thành phố lớn, làm việc nơi biên ải, đa phần đều ăn nói chỏng lỏn một cách ít giáo dục hơn những cảnh sát làm việc ở Bonn hay Berlin, v.v…

Chúng tôi yên lặng chờ đợi. Năm phút, rồi tới 15 phút trôi qua. Chúng tôi có thời gian nói với nhau về tuyết, về Praha trong kinh nghiệm của Việt và sự tưởng tượng của tôi. Đặc biệt về giả định đầy tính tiểu thuyết: nếu như bây giờ chúng tôi giả vờ hoảng sợ như mọi kẻ Giang hồ dùng giấy tờ giả, nổ máy bỏ chạy. Cả ba chúng tôi đều sống hơn 20 năm ở Đức. Bộ biên niên sử những người Việt ở Đức - Lê Xuân Quang, đưa ra bao nhiêu giả định, bởi anh có chừng hơn 100 thiên truyện, in ra những 5 cuốn sách tại các nhà xuất bản danh tiếng ở Việt Nam…

Tôi kể, khi viết tiểu thuyết Quyên, chương Hùng dẫn Quyên qua biên giới đi tìm chồng, bị cảnh sát rượt đuổi và, do chạy quá nhanh, chiếc xe đã lật đổ... Chính ngay sau thời gian tôi hạ bút kết thúc đoạn tưởng tượng trong tiểu thuyết nói trên, thì sự thật tại Đức, một chuyến xe chở 7 người Việt đưa người nhập cư trái phép vào Đức đã bị cảnh sát rượt đuổi. Chiếc ô-tô chở 7 người vượt biên Việt Nam đã lao ra khỏi đường Autobahn, gây nên tai nạn thảm thương: 6 người Việt chết tại chỗ. Chuyến đi tìm đất hứa thảm khốc ấy, chỉ một cô gái thoát chết, song bị thương nặng, sau mất cả trí nhớ... Báo Đức bấy giờ đưa tin, lên án người cảnh sát kia và anh ta sau này đã phải ra tòa vì: cuộc truy kích không cần thiết, tạo nên sự hoảng sợ, gây nên cái chết của 6 con người. Người ta lý luận rằng, dù nghi ngờ tội phạm, cần phải bắt giữ, thì ở thời đại định vị toàn cầu, cảnh sát không cần hành xử như vậy, không cần ép kẻ bị nghi là phạm tội rơi vào tâm lý hoảng sợ! Đó là nguyên do tạo nên tấn thảm kịch mà người nhân đạo và luật pháp không tha thứ...

Biên giới trạm nghỉ Đức - Tiệp.

 

Những người Việt Nam di trú sang Đức, đã nợ người Đức rất nhiều, về ân tình của họ! Thời D.D.R.(Cộng hòa Dân chủ Đức) từng cưu mang hơn 8 vạn thợ khách và, sau khi nước Đức thống nhất, Chính phủ B.R.D (CHLB Đức) đã cho phép 3 vạn kẻ Việt Nam tha hương, trở thành những Con người, được nằm trong sự chở che, ít nhiều, như công dân của họ. Nhiều người Việt Nam, trọng chữ ân tình, đã coi nước Đức như quê hương thứ hai, tức là nước Đức, tựa hồ như Người mẹ thứ hai vĩ đại, giàu lòng nhân ái... Song nước Đức, cạnh tấm lòng, ân tình tới bao la ấy, với chủ nghĩa tư tưởng dân tộc hẹp hòi ở một số người, cũng mắc nợ người Việt Nam bao nhiêu? Ai đã để mặc cho những băng đảng Việt hạ sát nhau cả gần chục năm và máu nhiều người Việt vô tội, cũng oan khiên đổ xuống? Tôi nhớ tới chuyện nhiều kẻ ở khu móng ngựa tên là T, đều lần lượt bị chính đồng bào của mình mang vào rừng mất tích, sau vụ ông trùm Mafia Vân phệ bị giết?! Bao điều khó nói nên văn tự, chỉ những kẻ thợ khách sống khu móng ngựa phố Rhinstr., đối diện khu Rhin100, năm ấy chẳng thể nào quên!

Phút thứ 15 qua đi, hai người cảnh sát tiến lại ô-tô. Tôi thấy trên tay người cảnh sát có ba cuốn hộ chiếu. Vậy là việc check thật giả ba cuốn hộ chiếu đã kết thúc. Chúng tôi chuẩn bị lên đường.

Gã cảnh sát, có lẽ là tổ trưởng, tay nắm ba cuốn hộ chiếu, lắc lư cái đầu nhìn và nói khi anh vừa được mời ra khỏi xe:

- Ông có thể vén tay áo cho xem cổ tay?

- Được thôi - Việt vén cổ tay trái lên. Gã cảnh sát lập tức nắm lấy cổ tay Việt và sỗ sàng vạch cổ tay aspo Việt lên. Cả hai cảnh sát nghiêng ngó, nhìn vào cổ tay Việt vài giây.

- Không phải nó mày ạ. Cổ tay thằng kia có sẹo! - Người cảnh sát bên trái nói với bạn gã.

Họ trả chúng tôi ba cuốn hộ chiếu và phẩy tay: “Xong rồi!“.

- Thế là rõ rồi ông Việt ạ. Ông giống một thằng tội phạm trong tầm ngắm của họ, khi họ thấy bất ngờ có chuyến xe chở ba thằng đầu đen ở đây. Ở bãi nghỉ nơi dành cho tất cả các cuộc hành trình mà người ta đã tính toán rằng, hầu hết các lái xe đều mệt mỏi. Các con thú được tên thợ săn rình sẵn ở một khe hẹp mà buộc chúng phải đi qua.

Chúng tôi lên đường. Không có một trạm kiểm tra nào hết. Không có một dấu vết barie hay một tháp canh nào, như thường thấy ở biên giới Đông và Tây Đức những ngày xưa, những năm tháng đầu tiên khi nước Đức mới thống nhất! Xe chui nhanh qua một đường hầm hun hút dài, có lẽ tới hai cây số và một chiếc biển lớn có hàng chữ xanh rờn hiện ra: Czech Republic…

Xin các người con của Việt Nam yêu dấu. Nếu ai đó đang lần hồi kiếm ăn trên xứ Tiệp, ở dạng chưa có giấy tờ chính thức, nấn ná muốn sang Đức, tự do kiếm việc nơi đồng bào mình, xin các bạn nhớ cho rằng, trong bán kính 50 cây số ở biên ải, vẫn còn một chiếc barie vô hình luôn luôn rình ngó bạn. Nó ở trong các trạm nghỉ, nó ở những bộ máy định vị toàn cầu có thể nhìn thấy một con hươu nhỏ chạy băng băng trên tuyết trắng.

Xin các bạn hãy thắt chặt dây an toàn cẩn thận trên các chuyến ô- tô đi qua nơi đây, cái trạm nghỉ ấy, trên con đường phiêu lưu kiếm sống.

Thêm một thành viên nữa là nước Tiệp nhưng mãi mãi, dù cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt, dù cuộc đối đầu quyết liệt về mâu thuẫn giai cấp đã dịu đi... song hành tinh này, loài người không bao giờ xóa được hai mâu thuẫn, có lịch sử dằng dai nhất, đổ nhiều máu nhất, trong sự hình thành thế giới, đó là mâu thuẫn về Tôn giáo và Dân tộc.

Ký của NGUYỄN VĂN THỌ

-------------------

* Mời bạn đọc xem tiếp 2 kỳ tiếp theo: Sức sống Tiệp và Hội Quảng Đà Nẵng ở Đức trên ĐNCT ngày 15-11 và 22-11.

1- Lê Xuân Quang đã viết chừng 100 truyện ngắn, đã xuất bản 4 tập truyện ngắn ở Việt Nam (NXB Hội Nhà văn-Lao động-Thanh niên), chuyên viết về những cảnh ngộ của người Việt hải ngoại.

2- Nguyên văn: Khói buồn dâng lên cây.

 

;
.
.
.
.
.