Người Việt Nam ở Đức quyên tiền cho miền Trung sau cơn bão số 9 |
1- Chút hồn quê nơi đất khách
Nguyễn Thế Việt gọi tôi giật giọng:
- Đi tìm thằng Tuấn!
- Hắn làm báo ở đây mà. Chắc chỉ quanh quẩn trong trung tâm Sa Pa này thôi! - Tôi nói.
- OK! Để em gọi cho hắn. - Việt bảo.
Chúng tôi luồn qua bãi ô-tô. Bùn lép nhép dưới chân.
Đêm xuống dần. Xung quanh, đèn các dãy phố đã bật. Quán xá Sa Pa trong các khu chợ vào chớm đêm nhập nhoạng, cho người ở xa tới như tôi cái cảm giác vừa quen vừa lạ. Những dòng chữ TRUNG NGUYÊN - FORTUNA - CASINO... nhấp nháy...
Việt dẫn tôi vào một cửa hàng bán đồ châu Á. Trên dãy kệ, giá chứa đồ uống: ăm ắp Whisky Mỹ, Cognac Pháp, Anh; Vodka Poland và khá nhiều XO, Chivas, đủ để hiểu sở thích, gu uống ở Việt Nam cũng tràn sang đây. Đây là một cửa hàng mà buổi sớm có gian hàng bán bánh cuốn nóng, tráng trên vải mỏng, y như ở quê nhà. Mấy chị đang bận rộn, giữa ngổn ngang cối, bột, vải lọc, kẻ ngồi xay, người đảo nồi hòa bột!
„Sớm mai anh tới ăn bánh cuốn nhé!„. Ừ, mai anh tới!
Đâu cũng thế thôi, với sự nhẫn nại và kiên trì kiếm sống, sự mưu sinh của người Việt tỏ rõ lòng chịu thương chịu khó. Chao ôi, mới gặp cảnh và người nhà quê bên trời tây như vậy, đã tưởng nhớ bánh cuốn Thanh Trì ăn với chả. Thứ chả sậm màu, đậm ngon bậc nhất nhì ở miệng kẻ sành ăn, lại ngâm trong nước chấm cà cuống.
Cà cuống nguyên con cắt ra, xộc hương thẳng lên, chứ không phải thứ dầu thơm hóa học, thơm đấy mà chửa chấm đã hết mùi! Quán em - Chị chủ quán bảo - Chúng em mua cà cuống nuôi từ nhà sang! Lại thế nữa! Máy bay Việt Nam muôn năm! Chà, nếu đất nước không hòa bình, đói nghèo, sao có cả đàn máy bay siêu thanh vẽ trên cánh logo đóa sen vút lên, tưởng như hai búp tay em, đỡ cả từ con cà cuống sang đây?
Việt từ ngoài trở vào! - Hắn xuống đây rồi. Việt nói rồi bước ra, đón một người gầy gầy. Trong bóng đèn đêm, khuôn mặt tỏ và mờ. Cái áo blu-son màu nhàn nhạt. Mắt sâu, mặt xương và trán rộng gồ lên, khuôn mặt phong trần! Tôi bắt tay Tuấn, như chợt như nắm vào đêm thu lành lạnh. Gớm, săn rắn như băng của một con người chả còn trẻ nữa. Tuấn đây! Việt nói! Tôi chưa kịp cất lời thì thật bất ngờ. Cái khuôn mặt là lạ, quen quen thản nhiên: “Anh không nhận ra em à?“ - Ai? Gã, hắn, anh, nhà báo - kẻ xưng là Trần Ngọc Tuấn, nheo nheo mắt nhìn. Tôi chưa kịp nhận ra người quen xưa.
Bao nhiêu con người xa xứ lang thang tôi từng gặp. Những kẻ lạc quê thoáng đến, thoáng đi, thoắt thoáng tan hợp, rồi cùng trôi dạt, trên con đường kiếm sống, như hạt bụi, như sương khói bay tứ tán suốt hai chục năm qua... Tô Hoài, ở Chiều chiều viết: để một chiều đọng xuống. Đọng xuống nơi nao, làm vạt bụi? Một chốn dung thân! Hình ảnh cũ mờ ảo, ai tên là Tuấn chập chờn hiện ra, trong cái chợ Sa Pa trong nhập nhoạng đêm nay. Ở Đức, tôi biết, có một Tuấn sống giữa chợ mà không buôn bán gì, sống nhờ báo chí, bạn văn Việt Nam biết thơ yêu Tuấn và Tuấn yêu thơ ra sao, song chả thể ngờ bao nhiêu năm, Tuấn chính là người năm ấy, quay lại đúng về cái nơi hắn ra đi!? Đúng là thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu.
- Nhớ đi! - Hắn nhắc, cách đây hơn chục năm, em đã ăn cơm, ngủ qua đêm ở nhà anh. Đêm nào nhỉ? Anh Cao Xuân Huy! Nhớ không?
2- Tháng Ba gãy súng
- Nhớ rồi! Cao Xuân Huy, tớ vẫn gọi là gã Tháng Ba gãy súng! Tôi lục vào tiềm thức. Ở khoảng trống mênh mông từng có Tuấn.
Năm ấy, vợ chồng tôi vừa có cháu thứ hai được hơn năm. Ngày lại ngày, tôi đi bán hàng vào vụ 16 tiếng và cứ đúng 3 giờ sớm ngồi dậy âm thầm đọc và viết! Nhọc nhằn, hạnh phúc và cả khổ đau! Tôi và vợ dọn sang nhà mới, đúng vào khi họ kéo đổ, cẩu mất bức tượng Lênin ở trung tâm Ostberlin. Đấy là một công trình mỹ thuật điêu khắc lớn. Tôi tìm cái ảnh cũ chụp Bức tranh Lênin bên lều cỏ, bắt tay nguyên soái Stalin. Bức tranh tuyệt vời ấy tôi treo lên tường trái phòng khách. Bên kia, tôi treo lên lá cờ đỏ sao vàng. Và, kế đó là bức chân dung màu nước tự họa của cha tôi.
Cao Xuân Huy khi ấy đang thăm em là Mai Lâm tại Moelln. Một sớm, anh đùng đùng rủ Tuấn đi Berlin. Tôi đón hai người vào phòng khách. Qua cửa, họ bắt gặp ảnh, cờ, tranh. Tuấn không nói một lời. Tôi chạm vào ánh mắt Cao Xuân Huy, ánh mắt nói hộ rằng, khách văn Cao Xuân Huy có vẻ khó chịu. Cũng không lạ! Bởi cựu trung úy thủy quân lục chiến, người đã viết cuốn sách Tháng ba gãy súng, tất nhiên sẽ gợn khi tới nhà tôi, ở giữa nơi đang bài tẩy Lênin hồi ấy thấy lại Lênin.
Một người giữa xứ Mỹ, nhớ lại dặm trường khói bụi xưa, viết hết, tuột cả ra, ứ tràn hơn ba trăm trang sách, về cái trận tháo lui khốn nạn của cánh quân, từng được giới chính trị và quân sự Sài Gòn nuông chiều nhất.
Chuyện kể Tháng ba đám lính trận, có đại đội anh, từ Đà Nẵng chạy tuốt, không còn một mảnh giáp, về tận Sài Gòn... Cao Xuân Huy viết, một giọng văn, không bao che, tự biện, hầm hập hơi thở chiến cuộc, đời sống người lính trận mạc. Tháng ba vạch ra cái “sự gãy“ cánh quân một thời, tụi tôi coi là đối thủ. Giọng văn anh chàng trung úy thỏa mãn cái kiêu hùng, thảm bại. Sự thật là, khi Mai Lâm chuyển cho tôi đọc Tháng Ba gãy súng, tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Huy đã làm cho người đọc tin ở sự thật đã qua. Trên cả oán thù, Huy thản nhiên thừa nhận sự kiêu dũng là thuộc phía chúng tôi…
- Tôi không khiêu khích đâu! Bức ảnh ông Lênin ấy, nó ngự ở đấy lâu rồi, trước cả hai tháng, khi anh còn ở Mỹ và từ Mỹ sang đây. Còn lá cờ kia, Tổ quốc và niềm tin của cá nhân tôi. Ông có treo cờ không? Tôi hỏi, ở Mỹ ấy!
- ... Vâng, nếu tôi tới nhà ông, ông Huy ạ, tôi cũng tôn trọng nó. Dầu nó là lá cờ chiến bại. Tôi không khiêu khích anh. Nếu anh cảm thấy xúc phạm, đau đớn, anh ra bếp mà uống rượu!- Tôi chậm rãi nói và nhìn thẳng vào mắt anh.
Ánh mắt Huy đỡ gắt, dịu đi. Tôi nhẩn nha nói tiếp:
- Nguyên tôi là lính cựu 11 năm trận mạc. Tôi trân trọng cuốn Tháng Ba gãy súng. Nó làm tôi chia sẻ được khi nó thật! Cái đau của thằng lính, đau đến nao lòng! Sự cảm thông của người với người thật vô biên. Như cha tôi dạy, sự chân thành không biên giới, vô lượng, có thể cảm thông cả vũ trụ. Bấy giờ Huy ngồi đối diện và nhẩn nha uống, nhẩn nha kể, nhẩn nha vui… Chúng tôi bàn về chiến cuộc, qua cái lý của Tháng ba gãy súng. Theo Huy, đám lính hắn cực kỳ dũng cảm, đã bảo vệ lý tưởng, chỉ có đám sĩ quan ngu xuẩn đã để hỏng cả trận trường.
Tôi bẻ lại. Không! Chiến tranh đã có nút kết! Đã qua đi, khi ấy đã qua đi gần 20 năm và tôi, một chuẩn úy của đội quân phía Bắc đã chiến thắng hắn đâu chỉ giản đơn như vậy! Tôi cãi, phản biện cái lý giải của Huy.
Đồng ý, và cho là anh dũng cảm đi, những người chiến sĩ dũng cảm đi, không dũng cảm, sao chúng tôi thương vong nhiều thế, ở cả cuộc chiến đằng đẵng? Song điều gì gây nên cuộc tháo chạy hỗn loạn, làm sụp đổ tinh thần tất cả đội quân hơn hẳn chúng tôi về trang thiết bị? Cuộc tháo chạy trên con đường đầy máu ấy, đã làm rúng động toàn thể miền Nam, tạo nên sự đứt gãy về thế, cái thế thua về tay anh và, cái thế được trời cho chúng tôi: thế thắng. Không thể cứu nổi sức mạnh cây súng, để tới tháng Ba nó mới gãy.
Không tháng Ba thì tháng Tư hay tháng nào sau đó nó sẽ gãy, vì người Mỹ đã bỏ rơi các anh. Suốt cuộc chiến, từ khi người Mỹ ném trái bom đầu tiên xuống vùng mỏ, vào Hà Nội, khắp trên miền Bắc bằng không quân, tức là đã đụng vào điều thiêng liêng của người Việt, tạo nên cớ để mà tất cả, cả anh và tôi đều căm ghét! Đấy mới chính là điều cơ bản nhất, nguyên do sâu xa nhất, nói rất hình tượng của anh, làm cây súng các anh đã gãy....
Thực là buồn, khi hai người lính như tôi và hắn nay lại gặp nhau ở nơi đây, khi cả hai đã trút bỏ quân phục, khi được cùng nói sạch sành sanh, thẳng băng về chuyện cũ. Bây giờ, giữa hai thằng lính, giống nhau ở trạng thái tha nhân. Huy và tôi, như hai hạt bụi bị cuốn đi. Chúng tôi sống với hai lý tưởng trái chiều và hết sức cá nhân, thì tất nhiên, những đọt cây, dù yêu như nhau, khát khao như nhau, vẫn nở ra những màu hoa khác biệt.
Tôi uống và nói như lên đồng. Cao Xuân Huy kiệm lời hơn và uống không khá. Nước mắt tôi rơi trên bàn rượu: Khi rượu vui/ đâu cũng là nhà/ Khi rượu buồn, thấy đâu cũng lạ/... Uống cạn ngàn sông đêm vẫn khát/ Tỉnh giấc, trăng bỗng sợ ta say! Rượu thì phải say! Có say cũng là sự say tương đồng về tình yêu mảnh đất nhỏ nơi xa, cái hình chữ S, như cô gái nón múa chao nghiêng, giữa trời mùa biển động đầy giông bão khắc nghiệt, gắn kết con người ta vào một khoanh đất cụ thể. Yêu như thế, tình yêu như thế, hai kẻ xa quê, sao lại không thương lấy mình và thương lấy nhau hơn.
Tôi đi bên Tuấn, rời khỏi Sa Pa đêm Thu lạnh. Tôi nhớ thêm cái đêm ở Berlin ấy, tưởng như hiện lên cảnh hai thằng đàn ông có thể nhớ thói quen cũ, vồ lấy khẩu Rulo 6 phát nòng dài, lúc lắc đeo bên lưng, hay cây K.54, mà cơ số kẹo đồng 10 viên, hơn hẳn cây Colt nơi Huy sẽ: pằng pằng. Không, chúng tôi không có gì, dù là trong tưởng tượng. Chúng tôi khi ấy chỉ có bút bi và bút chì. Mấy năm nay, tôi học máy tính và bàn phím.
Bên Mỹ, anh Huy cũng vậy thôi, chỉ có tình yêu và sự đau khổ là có thật! Nước mắt đêm ấy là có thật, để có thể ở tận xứ này, nhìn cho thấu rõ khuôn mặt bạn bè đã một thời sống như cát bụi, sao không viết câu thương yêu nhỉ?
Anh Cao Xuân Huy ơi. Nếu anh có đọc dòng chữ này, xin anh hãy sắp xếp thời gian, quay lại Đà Nẵng. Nơi anh từng rút chạy, từng chống cây súng AR 15, mệt mỏi, ngẩn ngơ, nhìn những chiến xa hai bên đì đoành, trông ra biển… Đà Nẵng hôm nay khác rồi. Rất khác rồi! Không còn một bóng người nước ngoài cầm súng đôn đáo binh lửa.
Chỉ có những người nước ngoài tới du lịch và cả bãi biển chạy dọc vài chục cây, cát trắng phau phau suốt gần tới Hội An. Anh hãy về đó, thăm lại vùng đất cũ, nơi xưa Tháng ba ngun ngún lửa và ánh hỏa châu. Không còn đâu anh Huy ơi. Người ta đã quên đi hận thù trận mạc, người hôm qua và người của hôm nay đang chung tay xây cất một thành phố Đà Nẵng du lịch xanh, sạch, đẹp... Kể cả vừa đây thôi, sau cơn bão tháng Chín, hàng ngàn người từ Đức, từ Tiệp v.v... con dân Đà Nẵng - Quảng Nam, dẫu còn bao kham khổ xứ xa, vẫn nhớ mà chắt chiu gửi về miền Trung những đồng cua-ron và euro, mong đỡ đi trăm ngàn gian khó sau cơn bão quê nhà.
3- Sức sống doanh nhân Việt
Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Đà Trương Văn Địch thay mặt anh chị em ở Đức trao hàng cứu trợ tại Trung tâm BTXH Đà Nẵng ngày 18-10-2009. |
|
* * *
Sớm hôm sau Tuấn dẫn tôi lên văn phòng báo, nơi hắn làm việc. Ở phía sau, kế bên có hành lang ngoắt ngoéo. Tuấn dẫn cả bọn sang một gian phòng khá rộng, kê một bàn bi-a nho nhỏ và bộ ghế sa-lon. Một người vẻ phong lưu đầm đậm tiếp tụi tôi. Tuấn bảo, hắn là Truyền. Nguyễn Hữu Truyền. Truyền buôn giày.
Truyền đưa chúng tôi tới ngồi bên chiếc bàn trà gỗ. Hóa ra, Truyền là tay giang hồ thứ thiệt. Tay chơi văn hóa bậc số má nơi đây! Kẻ có tài sản ngang ngửa ở Sa Pa này từng là thủy thủ làm thuê trên tàu đánh cá Hàn Quốc. Hắn kể, kiếp làm thuê của hắn ở thuyền Hàn là 16 giờ quần quật, có bận chủ tàu nó bảo, trên bờ có luật pháp, ở tàu chỉ có tao! Ba năm lênh đênh ở biển, Truyền cay đắng nhận ra rằng, không thể thoát khỏi kiếp nhọc nhằn ở tư cách làm thuê. Người Hàn dạy cho hắn đạo làm việc chăm chỉ. Thuyền Hàn lao động khổ sai dạy cho hắn điều cay đắng mà bứt phá vươn lên chăng? Truyền buôn Đông về Tây.
Ai có ngờ, hắn lại tỏ ra là tay chơi trà có hạng. Chúng tôi ngồi quây lấy Truyền, để hắn biểu diễn pha trà. Tôi phải mở to đôi mắt, giỏng tai mà nghe hắn nói về trà Quan Thế Âm có mấy loại, trà Ô Long uống thế nào. Hương trà mộc bay lên ngào ngạt. Cha tôi từng bảo, chơi trà có hạng phải là thứ trà không ướp tẩm hoa, để mộc mà hương cứ xông lên ngào ngạt. Pha hãm ra sao cho ba bốn nước rồi trà vẫn giữ nước xanh rờn tới vậy.
Nghệ thuật ẩm trà của tay trọc phú này thực tới kinh ngạc, lại khi hắn mang tới bàn trà mấy tờ giấy và rót nước trà lên đó, để khách tôi lau mắt và lau miệng. Nước pha trà hãm được hắn tính đếm từng giây, cho sự xác định nước đang ở bao nhiêu độ, mới làm trà chín đủ, giữ xanh cái nước, đượm cái hương. Hết hương của trà, Tuấn lại giới thiệu, bạn em là giọng ca vàng. Truyền đi tới góc nhà, trên bàn làm việc, có bộ âm thanh đặt kín đáo. Hắn bật cho tụi tôi nghe cái băng C.D mà hắn thu ở Việt Nam. Giọng ca ấm, tràn trề cảm xúc, bài ca nói thuần về quê hương Việt Nam yêu dấu vang lên trong gian phòng giữa chợ Sa Pa.
Tôi cúi đầu, nhận cái nuột nà, luyến láy thật điệu nghệ của tay ca sĩ nửa mùa! Mà đâu chỉ có thế, chúng tôi chuyền tay nhau đọc một bài thơ mới của Truyền. Vài ngày sau, tôi còn đọc hai cái truyện ngắn của gã, mà chi tiết rất sắc, ám ảnh và lạ. Thế đấy, ở người kinh doanh này, trí thức và trải nghiệm đủ cho hắn phát lộ. Hắn nói: Tội quái gì làm giày gia công cho Tàu, khi mà mình chính là người lưu thông bán buôn! Đúng là sức sống Séc! Sức sống mà đòi hỏi mỗi người làm ăn không chỉ dựa vào cần cù chăm chỉ. Thế mới tỏ, văn hóa doanh nhân ở một khoanh đất Séc nơi có người Việt sinh nhai nó sinh động ra sao!
Sa Pa sớm hôm sau vẫn chìm trong ảm đạm. Chúng tôi lại đi giữa nhốn nháo Sa Pa chen chúc ngày chủ nhật, ngày dân buôn bán tứ xứ kéo về đây. Tôi gặp tiếp những người như Truyền, vài doanh nghiệp vừa vừa, nhỏ, loáng thoáng bao em Việt đẹp như hoa tuyết đầu mùa đông sớm bay giữa chợ. Chúng tôi ăn bánh cuốn nóng và nói về những trận bão lụt liên tiếp tấp về khúc ruột miền Trung. Những thông tin của tờ báo Tuấn bàn tới cứu trợ, chi viện, quyên góp làm một thằng ở Đức như tôi thấy như mình có lỗi với quê nhà, v.v…
Thay cho lời kết:
Ngay đêm ấy tôi trở về nhà ở Teltow. Nửa đêm bật máy lên, thấy thư của ôngTrương Văn Địch, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Đà, thấy Commen của Tấn vua vịt Berlin gửi lời nhắn cho anh Cao Xuân Huy... Mọi sự gần như trùng hợp với mảnh đất miền Trung mà chúng tôi quan tâm. Thì ra cùng với bà con ở Sa Pa, tại Đức bao nhiêu hiệp hội cũng cùng nhau quyên góp tiền và hàng cho vùng đất mà khi xa nhắc tới muốn rưng rưng nước mắt.
Những tấm ảnh của đám anh chị em miền đất giông gió ấy, nơi tôi và Huy quần nhau một thủa, nơi sinh ra Tuấn và có thể nhiều người tha hương ở Sa Pa, làm tôi xúc động. Ảnh của ông Trương Văn Địch, ghi lại cảnh các cháu Việt ở Đức gom từng chục cent, làm gai gai cái thằng tôi chai sạn*. Không biết bên Sa Pa giờ này họ, đám tất bật chợ búa như tiệm hớt tóc của vợ Tuấn, cũng gom được bao nhiêu tiền cho miền Trung?
Nước Đức, đầu đông 2009
NGUYỄN VĂN THỌ
(*) Đến ngày 12-10-2009, Hội đồng hương QN-ĐN đã quyên góp giúp đỡ đồng bào quê nhà bị thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra được 11.056,00€.