.

Chạm vào thu Praha - Kỳ II: Ở Sa Pa chạm nhớ về đâu

.

... Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng nhắn tin đã nhớ nhà*

Chỉ còn hơn trăm cây số là tới Praha, thủ đô của Cộng hòa Séc.

Tôi nhìn sang hai bên đường. Núi lô xô. Những ngôi nhà nhiều kiểu dáng rất đẹp, lẫn trong cây, trong sương và mây. Đa số đều là biệt thự, kiến trúc điệu nghệ, song màu sơn đều tàn phai, đôi mảng tường trơ gạch, nhem nhuốc. Thấy rất nhiều ngôi nhà như thế, dọc hai bên trái và phải con đường, miền nào phía nao ven sông xanh, mà mùa thu năm nay nơi đây như sắp bỏ đi, rắc lá vàng rơm, cảm giác đổ nát… tróc ngói, nằm cô đơn trên sườn núi.

Một góc Trung tâm Thương mại Sa Pa.

Đi dọc từ Tây sang Đông, dường như các vùng đất ở châu Âu không khác nhau nhiều lắm. Kiến trúc lắm khu dân cư na ná như nhau. Những khu nhà cao tầng nét cứng, tạo nên những quần thể cố hội nhập với thiên nhiên mà chưa đủ duyên. Bên đường xuyên nội Séc vài chục cây, vẫn là dòng sông chầm chậm trôi. Nơi nào chiến tranh quyệt qua, sắc thái kiến trúc tính sắc tộc cũng bị nhạt phai, tạo nên một mo-tip từa tựa như nhau, nói lên một quần thể trong khối Vác-sô-vi giông giống nhau tới độ nhàm chán, đơn điệu.

Tôi chợt nhớ khu cổng thành Brandenburger Tor, nơi ấy khu chếch Bắc, giữa Tháp truyền hình và cổng thành, vẫn tồn tại một quần thể nhà Gotich, tầng trệt với nhiều khối đá nặng chịch, tạo nên phong cách Đức cổ. Trên mình nó, lắm khu nhà, bây giờ vẫn nhận ra chi chít, lỗ chỗ vết đạn to, nhỏ… Hai mươi năm ở Đức, theo dấu trục các con đường xe tăng đi qua trong Thế chiến Hai, trên đường vào trung tâm còn rất ít khu nhà mang đậm sắc thái Đức như thế.

Thi thoảng, dọc đường WilheimStr, nơi người ta đồn đại tìm đào được xương cốt Hít-le, tôi gặp dăm ba cái nhà nặng ình ịch. Già và cũ. Nhưng cái mới, cái trẻ, cái hiện đại rực rỡ như khu kiến trúc tân thời Potsdamerplatz lại cần nó, khối nhà cổ đứng bên để so sánh mà nhận ra sự khác biệt của lịch sử...

Chừng ngót trăm cây, đầu xe nuốt hết dải núi non trùng điệp. Đồng bằng, ruộng lúa mì đã gặt, những bó rơm tròn quấn máy, rồi trên nó, trên nền xanh xám xa xa, đột ngột trong tầm mắt tôi: thành phố lô xô hiện ra. Đấy là Praha! Việt nói. Tôi nhìn, Praha lớn dần lên. Nếu về đêm chắc đẹp như các karpotal con tôi từng sưu tầm. Còn giờ đây, thu ảm đạm làm Praha trôi trong mưa bụi và ẩn hiện, mất hút giữa cây, rừng, các khu ngoại thành nhuôm nhuôm của Tiệp Khắc “hồi còn chưa tách đôi thành hai quốc gia, xây sau Thế chiến Hai“- Việt mách. Máy dẫn đường vẫn bật.

Xe ô-tô đưa tụi tôi tìm về khu chợ Sa Pa nổi tiếng rộng mấy chục hec-ta của Cộng đồng người Việt. Ngoại vi bao la thật. Giống y như vài quận phía Đông Berlin được cơi nới thời D.D.R, cho Đông chả kém Tây, trong cuộc đua chen lành lạnh. Rất ít những khu nhà cổ, những nhà thờ cũ kỹ, nhưng ngạo nghễ, như trong các miền đất ở phía Đông và Tây Đức, nơi chiến cuộc không ghé thăm.

Praha từng bất tử trong lịch sử! Các cuộc chiến với Phổ, Pháp, Ý, tuy không kéo dài dây dưa như cuộc chiến Ba mươi năm ở bang Sachsen Đức, song cũng đủ sự tàn nhẫn như Đại chiến thế giới Hai, bất lực với sức sống, hay là mệnh số của Praha. Lưỡi hái tàn khốc nhất nhì châu Âu quyệt trắng nhiều vùng ngoại vi, và để lại một khu diễm lệ nho nhỏ nổi tiếng thế giới, ấy là nhỏ so với Berlin và Moscou. Có lẽ vậy, nên giờ đây, trong con mắt tôi, không phải là thành phố của mộng tưởng, như ở Budapest hay Paris, nơi chiến tranh đã “ưu ái” không chạm tới, vẫn tồn tại sự cổ kính, đẹp bao la, đẹp bất ngờ muốn khóc!

* * *

Sa Pa nằm ở ngoại thành. Ngoại vi trung tâm, các khu phố xây sau chiến tranh, giờ trở nên cũ kỹ và nhợt nhạt! Y như trước đây, cuối thập kỷ 90, cho cảm giác tôi đang chạy xe trên ngoại ô Đông Đức. Những khu nhà rặt một màu. Mấy ngàn con dân Việt trong sáu vạn đồng bào tôi đang ở đây? Sa Pa - nó cùng các khu làng Việt quần tụ, rải rác trên xứ Tiệp, làm ăn, buôn bán, với biết bao khao khát nhằm vươn tới một cuộc sống no ấm hơn.

Xe tiến sĩ Việt hết vòng lên lại vòng xuống. Thì ra cái máy định vị không phải bao giờ và khi nào cũng là người chỉ đường sáng suốt nhất, kể cả là người chủ nó không chỉ thông thạo văn chương, Việt còn làm ăn sinh tiền với máy móc tân thời cũng vậy thôi. Tên khu phố ghi vào máy, rõ như ban ngày, thế mà đôi khi, mũi tên cứ đảo điên liên hồi, bắt xe quay lại những đoạn đường cũ một cách chả thể tin.

Đây rồi! Việt tắt máy dẫn đường và vòng sang trái. Trước mắt tôi, một cổng chào rất lớn, trên có dòng chữ T. T. T. M Sa Pa. Hai con sư tử đá ngạo nghễ đứng bên ngoài chân dẫm lên hai quả địa cầu, miệng nhe răng như muốn ngoạm lấy ai đó. Xe chúng tôi chầm chậm đi qua chiếc cổng lớn.

Thời tiết lạnh. Màu trời xám xịt. Nền chợ ẩm, ướt và lỗ chỗ. Đường y hệt nhiều đoạn phố ngoại thành Hà Nội, trong những năm chiến tranh. Nếu không có những đám tuyết trắng phau phau, còn chưa kịp tan, cứ như mơ, mà thoáng lát bắt gặp quê hương, ở tận châu Âu, nơi xa lắc xa lơ, cách nhà cả 16 tiếng bay, trong cái khu có tên gọi Sa Pa. Cái tên chợ tìm đặt cho thôi ở xứ người đôi khi cũng nhiêu khê lắm. Đâu cũng thế, mà có khi chỉ cần gợi ngay lập tức tới miền du lịch nổi tiếng của một tỉnh phía bắc Việt Nam cũng cần có căn nguyên, duyên chữ...

Chợ Sa Pa - Trung tâm thương mại Sa Pa, rộng 35 hecta (có tài liệu đề 25 ngàn mét vuông). Lập ra từ 1999 theo sáng kiến của một người Việt Nam, ông Hoàng Đình Thắng. Chợ xây dựng trên nền nhà máy chế biến thực phẩm cũ của Séc. Và từ đó tới nay, trở thành Trung tâm thương mại Sa Pa, có quy mô diện tích lớn nhất toàn châu Âu. Kể cả so với những khu chợ tại Đức như Đồng Xuân, Mazahn Berlin hay cả khu Đồng Xuân tại Leipzig và nhiều thành phố khác tại Đức.

- Ông Hoàng Đình Thắng, trí thức, nguyên xưa là một giảng viên hóa ở Việt Nam, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thương mại Sa Pa…- Tôi bật máy tính đọc tài liệu. Ông ta người ra sao? Tôi hỏi Việt - Cũng văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình thôi - Việt cười. Kỳ thì Kỳ! Đến tận đây, mà sao không nhìn thấy ông? Tôi nói chơi!

Xe lướt chậm, qua vài dãy nhà giữa chợ. Những ký hiệu chia khu vô cảm B1, B2, B3... cứ nối tiếp chỉ dẫn từng khu buôn bán tựa như một quận tại thành phố Việt thu nhỏ. Sao không lấy một cái tên của quê nhà đặt tên phố tên quê?!

* * *

Việt đỗ xe phía trái, gần cổng chính, nơi có hàng chữ Chào mừng quý khách... Bước ra khỏi xe, bùn đất lép nhép. Khu chợ này diện tích tới 35 ngàn mét vuông và lại thành lập từ 1999. Tận năm 1999, ấy là rất sớm so với các khu chợ bên nước Đức. Khá thầm phục tinh thần dám làm, chẳng hề phiêu lưu của bà con buôn thúng bán mẹt ở Séc, đã có nhiều doanh nhân trội lên một cách tiên phong trong thương trường…

Những ai đã từng lăn lưng trên các nẻo đường kiếm sống ở châu Âu, hẳn đồng ý với tôi rằng, việc dựng lên các Trung tâm buôn bán của người Việt, đã không chỉ tạo nên một tầng lớp thương gia một cách thông minh nhất, đàng hoàng nhất, mà nó, trong riêng việc này - sự tạo dựng này - còn có mặt rất đáng khích lệ, bởi vì nhờ nó, có nó, đã góp phần rất nhiều giảm bớt sự nhọc nhằn của người buôn bán nhỏ, trong công đoạn tổ chức kỹ thuật khâu bán lẻ ở cái thủa mà cả châu Âu nhộn nhạo sau bức tường Berlin đổ sập.

Nếu tôi có thẩm quyền, để tỏ lòng tri ân của những người đầu tắt mặt tối nơi xứ người, phải bỏ quê mà tha hương kiếm sống, tôi sẽ chọn ít nhất, trong Khối cộng đồng chung châu Âu, và trên Nga bao la, vĩ đại, lấy ba gương mặt điển hình nhất, đã tạo nên Các trung tâm buôn bán người Việt. Và, đề nghị Nhà nước phong họ làm Anh hùng. Anh hùng của một bộ phận Con lạc cháu Hồng nơi xứ người, cho dù bản thân những ai vì đồng bào, thực tâm vì dân tộc, hầu như họ không bao giờ khát mơ danh xưng cao quý, vinh dự này.

Tại sao không, nếu như hiện tại, chúng ta đã, đang và sẽ luôn luôn xác định con dân này là một bộ phận không thể tách rời Tổ quốc. Hẳn những người như tôi đã từng chấp nhận mọi gian khổ, thiếu hụt về mặt tình cảm, dầm chân trong tuyết băng, khi trời âm hai mươi độ, nhặt từng đồng ngoại tệ, âm thầm gửi về cho người thân nơi quê hương, cho xóa đói giảm nghèo, cứu trợ bão lụt, trái tim từ thiện, v.v... thì việc bà con làm được điều tốt đẹp ấy, phải có công của các cá nhân đi trước và dám đi trước.

Tôi lóe lên những suy nghĩ ấy khi quan sát T.T.T.M Sa Pa của các bạn Việt trên đất Séc trong một sớm mùa thu, Sa Pa quá trưa vẫn còn chìm trong khí, hơi sương tuyết như tơ giăng mù lạnh... Bãi ô-tô san sát, những bóng người tất tưởi, vội vã. Những bao kiện vất tới tấp từ trên ô-tô xuống đất ẩm lạnh, trước các quầy hàng. Những người quần áo xộc xệch, lấm lem và những em gái ăn mặc rất điệu đà, đẹp như mơ, thơm thảo, như cô tiên nhỏ bé thoáng ẩn thoáng hiện giữa chợ mờ Sa Pa...

Nhiều người buôn bán tại Sa Pa còn phải chịu đựng trong cái lạnh tiết Thu muộn và Đông sớm của châu Âu. Bởi vì cách buôn bán ở Sa Pa có đôi nét gì đó giống Việt Nam. Các quầy hàng bán đồ tươi sống, băng ảnh, văn hóa phẩm, v.v... hầu như mở toang cửa, hứng cái giá buốt tới cắt da lùa tận ngóc ngách. Trừ những quầy bán quần áo, khu giải trí, vui chơi Casino, quán cà-phê, khu làm đẹp chị em, như uốn tóc, được đặt trong nhà có máy sưởi nóng.

Soup&Nem trên phố đi bộ Leipzig.

 

Đấy là điều khác biệt với hệ thống Tổ chức kỹ thuật khâu doanh nghiệp bán buôn ở xứ Đức. Đồng Xuân và Mazahn tại Berlin, hẹp hơn Sa Pa nhiều lần, hàng hóa có mặt không phong phú hơn, song phương tiện Tổ chức kỹ thuật kinh doanh đã vươn lên ở tầng nấc với thói quen khác...

Trước mắt tôi là một dãy hàng bán lẻ thực phẩm. Tôi và nhà văn Lê Xuân Quang bước nhanh vào một quầy hàng. Cũng như tại các quầy hàng Á Châu tại Đức, tại đây có đủ thứ, thượng vàng hạ cám, phong phú như Đồng Xuân Hà Nội. Nhiều mặt hàng tươi sống phong lưu, bao bì và đóng gói cũng bắt mắt, chả kém gì các siêu thị hiện đại nhất ở Việt Nam. Những chú cá măng tươi roi rói nặng hơn chục cân ở bể nước tới từ các trung tâm chăn nuôi cá.
 
Cá chép có vẩy và không vẩy, ong óng, roi rói ánh bạc, nặng từ hai cân trở lên tới cả năm bảy cân. Thịt dê, bê bò, gà, lợn... ê hề bên cạnh tỷ tỷ đồ khô của nhà quê như gạo Nam và Bắc, nếp cẩm và nếp hương, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, cả đồ vàng mã cho thế giới âm binh, v.v.. tràn ngập trên các kệ hàng.

Hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng hạng nhất thế giới là Đức, vậy ở Séc thế nào? Tôi hỏi Việt, ông tiến sĩ văn chương từng có thời gian lăn lộn ở nơi đây kiếm sống: Cũng na ná như vậy thôi, dù nghèo hơn Tây Đức, nhưng ngay từ những thập kỷ 90 tới nay, hầu như chất lượng thực phẩm Séc khá tin cậy và họ cũng kiểm tra ngặt nghèo lắm. Người Séc, cũng như người Đức, họ coi việc buôn bán thực phẩm, hàng hóa làm hại tới sức khỏe con người giống như tội ác...

Sự giống nhau tới kỳ lạ về chủng loại hàng cung ứng, lưu thông ở các cửa hàng bán đồ tươi sống, chế biến và chưa chế biến, của người Việt ở toàn châu Âu, phần nào nói lên tính trội Việt khó trộn lẫn, hơn hẳn các sắc tộc khác. Mặt khác, điều này cũng nói lên tính Việt sắc nét hơn anh Thổ, anh Ý, từa tựa anh Tàu, qua thói bắt chước giỏi giang hơn cả cụ tằng tổ của loài người.

Lối tiếp chuyển mang theo xu hướng cách tân và hiện đại, trong nghệ thuật buôn bán có thể khác được không, nếu như món phở truyền thống, tính Việt bảo thủ đã biến mất trong phở 24, bởi nhà kinh doanh tính khi bán ra, không chỉ cho người Việt ở hải ngoại. Phải nấu sao vẫn là phở, và mang lại lợi nhuận nhiều hơn, hiện đại hơn ở cách ăn? Ông Nguyễn Tuân dứt khoát: ăn phở chỉ thịt bò. Lối ăn của văn chương! Còn lối ăn thương trường, có thêm cả sách bò!!

Sự chuyển dịch của phở từ Nam Định tới Hà Nội, lại vào Sài Gòn và vượt biên đi Mỹ, Đức, Pháp làm thành nhiều dạng thức, mang nội hàm nghệ thuật phở khác nhau tưởng như kỳ cục! (tôi mách: Ăn phở tại Đức, to bằng ba bát phở ở nhà. Ai tới đó, nhớ dặn, cho tôi ít bánh, ba lần! Bởi cách khác nhau giữa ăn chơiăn làmphở Đức có bánh và thịt gấp ba lượng bánh và thịt ở Bát Đàn).

Cũng giống như món phở xào ở quán Soup & Nem trên phố đi bộ trung tâm thành phố Leipzig, ông chủ người Việt đã nhuận sắc như kiểu người Ấn, với hương liệu ca-ri, để vừa lòng thực khách Đức. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15-9-2009, trong chuyến công du để vận động cho Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trong tổng tuyển cử, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đột ngột ghé thăm quán ăn này. Và đó là lần đầu tiên trong hơn 20 năm từ khi tái thống nhất nước Đức, một Thủ tướng đã ghé thăm cơ sở kinh doanh của người Việt.

Trong chừng mực nào đó, sự khép kín, tạo nên những giang sơn riêng của người Việt, nó phản ánh tính bảo thủ của việc giữ gìn bản sắc. Tính bảo thủ ở việc lưu giữ, không nên hiểu theo nghĩa xấu, mà nó tất nhiên là một điều cần cho sự lưu giữ sắc tộc. Song trên thương trường, thì quan sát việc giữ gìn tính Nhật của tư bản Nhật, chúng ta có đáng học không, khi nó vươn lên thành những thương hiệu hiện đại với nhịp sống mới toàn thế giới, bắt đúng tâm lý tiêu dùng chung của con người từ ô-tô, máy điện tử tới món ăn su-si chẳng hạn. Có lẽ, nhiều yếu tố để tạo nên điều đó, thành công lan khắp thế giới của anh Hàn, anh Nhật ấy, song ở Sa Pa khổng lồ khép kín này, khi mà bóng dáng dân Séc ít hơn nhiều trung tâm khác trên thế giới, đấy có phải là điều các bạn Việt, trong bộ phận trí thức, nắm giữ quyền lực kinh tế ở Séc đặt dấu hỏi không?...

Những người Séc đến đây hẳn cũng ngạc nhiên như những người Đức, khi nhìn thấy các chậu đựng lòng sống bày lộ liễu bên cạnh dồi đã được luộc tím sẫm. Có lẽ cảm giác của những người Séc sẽ giống người Đức, khi vào quán này khi đứng trước chậu lòng nhuôm nhoam máu! Còn tôi?- Tôi nhìn thấy mấy khúc dồi và đánh hơi mùi dăm hành quyện vào nhau, gia vị, rau tươi hơn hớn... những ngổ, mùi, ớt đỏ, chanh xanh... đã nuốt nước miếng ừng ực và nhận lại ánh mắt mời chào dịu dàng của chị chủ quán. Đâu cũng thế thôi, Việt tính lộ ra, khác biệt hay khu biệt, trừ cái điểm giao thoa của nó với những vùng văn hóa khác, lòi tói ra, không chỉ còn là một hiện tượng nêu trên.

Gió mùa Thu ở Séc sao lạnh sớm thế... Cô chủ quán dễ chừng tới hơn bốn chục xuân xanh. Cô sang đây tự khi nào? Ở tuổi này, chắc vào những ngày anh và bè bạn ồ ạt ra đi, em vừa tròn đôi mươi mười tám. Tôi chợt nhớ tới tiếng rao: Xôi đê! xôi đi... Nước chè đê... của những em gái chừng 18 xuân son trong những buổi đón tàu, từ 3 giờ sáng sân ga Karshort, tại Berlin, những năm 1999, 2000... Con người Việt, quê hương đâu chỉ là những khái niệm lớn tới mơ hồ.
 
Nhiều khi, chỉ một tiếng rao trên sân ga trong đêm trùng trùng tuyết trắng, một cọng rau thơm, khúc dồi với cái sắc màu quen thuộc, cũng đủ gợi, để chợt nhớ quê nhà xa thẳm dưng dưng. Kẻ giang hồ vặt là tôi, nghe tiếng nhắn tin quen thuộc, bật từ máy bên cạnh, chợt giật mình nhớ tới em! Phản xạ tự nhiên, tôi nắm lấy chiếc điện thoại của mình đeo bên hông. Gió từ bốn phía thối ù ù khá mạnh, tràn ngập các quầy hàng cửa trống toang hông hốc.

Rau dưa người Việt ở Séc nổi tiếng là rẻ và nhiều. Trên các quầy ở Sa Pa quanh năm không có mùa rau, ngồn ngộn xanh là rau. Này rau muống, rau cải xanh, rau cải bắp và, cả những bó rau cần ngắn chun chủn, xanh xanh tim tím đốt, khác thứ cần chỉ trồng ở trên ruộng nước, lúc vào xuân, trên đất mẹ, mới thật ngun ngún xanh mướt, mượt dài như mái tóc của cô gái đẹp cổ truyền, chớm tuổi đôi mươi.

* Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Giang Hồ - thơ Phạm Hữu Quang.

(Còn tiếp)

Ký của NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.