Họ, tuổi nghề cũng lắm, tuổi đời đã cao, có người chỉ dăm năm nữa là nghỉ hưu. Tuy mỗi người có một cảnh đời riêng, nhưng tất cả đều đi lên từ công việc của người thợ, yêu nghề và dự phần vào số đông khẳng định kinh nghiệm của cha ông: “Ruộng mẫu bề bề không bằng một nghề trong tay”.
Những người không chịu “bó tay”
25 năm gắn bó với nghề may công nghiệp, chị Lanh (đứng) là chỗ dựa về kỹ thuật của lớp công nhân trẻ ở Dệt-may Hòa Thọ. |
Ngành nghề gì cũng thế, lắm khi thực tiễn không diễn ra như trong lý thuyết - anh Hiền đúc kết kinh nghiệm và chứng minh bằng chuyện thay cột điện bị gãy sau lũ lụt ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Lúc đó, cả tuyến đường bị bùn lầy không vào được, lãnh đạo ngành chỉ đạo tìm phương án đưa cột qua sông - chuyện không hề có trong sách vở. Anh lên thực địa, nghĩ cách dùng thùng phuy làm phao, tính toán cụ thể để có thể nâng cột nổi được trên mặt nước. Sau khi giám đốc duyệt phương án, anh và đồng nghiệp đã đưa được cột qua sông đúng như tính toán, kịp thời khắc phục sự cố để đóng điện cho bà con.
Anh Lê Hữu Tâm, Trưởng bộ phận Cơ khí, Công ty Sợi (Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ) thì giải quyết sự cố ở công ty mình cách khác. Lần đó, máy đánh sợi con bị hư lõi trục su, phụ tùng không có ngoài thị trường, yêu cầu là phải nâng lớn đường kính thân trục cho tương thích với thiết bị hữu quan. Không thể tháo hai ổ bi cố định phía hai đầu trục để đóng bạc vào thân trục ở giữa. Chẳng lẽ bó tay? Anh suy nghĩ nhiều phương án, cuối cùng quyết định làm hai nửa khuôn ép lại với nhau để đổ nhôm vào thân trục. Sáng kiến của anh đã được lãnh đạo công ty khen thưởng.
28 năm làm nghề gia công phụ tùng, sửa chữa thiết bị, anh chưa bao giờ chịu bó tay trước các sự cố kỹ thuật, nhờ vào tính cẩn thận, kiên trì của mình. Anh tham khảo, nghiên cứu tài liệu, tự thiết kế, lắp đặt một số máy móc khả dụng cho ngành sợi. Anh đang chạy thử nghiệm máy xả và đánh tơi ống sợi thô, kết quả sau 45 ngày thiết kế, để chấm dứt làm thủ công trong việc tháo, xé sợi còn sót lại hoặc sợi kém phẩm chất trong các ống chỉ.
Tuy ở hai doanh nghiệp khác nhau, nhưng cả anh Hiền và anh Tâm đều có chung đức tính của người thợ yêu nghề: không chịu “bó tay” trước khó khăn, thử thách. Không phải ngẫu nhiên khi cả hai đều được đồng nghiệp gọi đùa là “chuyên gia xử lý sự cố”.
50% cẩn thận + 30% học hỏi + 20% sáng tạo
Hơn 20 năm trước, anh Lê Quang Liêm được tuyển vào ngành điện vì nhờ có năng khiếu... đá bóng. Khi không ra sân trong vị trí tiền vệ, anh làm công nhân rồi yêu nghề lúc nào chẳng hay. Được cơ quan cử đi học lên trung cấp, anh cần mẫn thu thập nhiều kiến thức chuyên môn. Anh hiện là thợ bậc cao 7/7, một trong những “chuyên gia đi cáp ngầm” trong ngành điện Đà Nẵng.
8 năm nữa anh nghỉ hưu, học trò anh đã có mấy người để tâm học hỏi. Anh truyền đạt kinh nghiệm: “Tôi trưởng thành là nhờ các bác lớn tuổi đã nghỉ hưu, đặc biệt là anh Hiền. Anh trực tiếp đưa tôi xuống công trình, hướng dẫn chu đáo từng công việc. Anh nói, làm cáp ngầm cần phải cẩn thận vì chôn dưới đất, không chỉ phải hiểu biết chuyên môn, mà còn phải có đôi tay khéo léo để thao tác đúng kỹ thuật”.
Những người thợ cứng tay nghề luôn khuyên người đi sau, làm gì cũng phải cẩn thận. Anh Nguyễn Chí Thanh, trưởng chuyền gò Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, đơn cử như việc dán cái bím (đường viền quanh liên kết giữa mũi giày và đế giày) cũng phải hết sức cẩn thận, chỉ cần thao tác sai một chút là giày sẽ mất dáng đẹp ngay.
Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu, đồng nghiệp của anh Thanh, làm bên bộ phận may, thì nhắc nhở công nhân trẻ chú ý đến công đoạn may mũi giày với các chi tiết trang trí trên thân giày. May đúng kỹ thuật thì qua bộ phận gò, sản phẩm mới đẹp và đúng kỹ thuật được. Chị Đặng Thị Lanh, quản đốc sản xuất Nhà máy May 1 (Dệt-may Hòa Thọ), luôn dặn gần 1 nghìn công nhân nhà máy phải cẩn thận từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt.
Kỹ sư Hiền, hồi học ở trường được thầy giao nhiệm vụ hướng dẫn từ xa cho một anh bộ đội để anh này thiết kế hệ thống điện chiếu sáng cho một xưởng may quân đội. Anh Hiền ghi tính năng từng loại bóng đèn, những thông số kỹ thuật, trình bày từ dễ đến khó, sao cho người chưa biết gì về điện cũng làm được. Bài viết được thầy duyệt và gửi đi. Anh bộ đội y theo hướng dẫn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao. Anh viết thư cảm ơn thầy, cảm ơn người viết bài.
Kể lại chuyện này, anh Hiền nói vui: Có lẽ do chỉ đọc tài liệu mà làm được công trình điện nên khi phục viên, anh bộ đội “đầu quân” vào ngành điện. Từ công nhân, anh được cơ quan tạo điều kiện đi học. Chúng tôi có duyên nên gặp lại nhau, anh tên là Trần Quang La, hiện là Trưởng phòng Kỹ thuật của Điện lực Hải Châu. Nhìn lại chuyện đời, chuyện nghề của mình và một số đồng nghiệp như anh Liêm, anh La, tôi thấy làm người thợ cũng vẫn có có cơ hội tiến thân, nhất là khi mình thực sự yêu nghề. Để thành công, theo tôi, người phải có 50% cẩn thận + 30% học hỏi + 20% sáng tạo. Sáng tạo rất cần, nhưng xếp sau luôn cẩn thận và biết học hỏi.
VĂN THÀNH LÊ