.

Cửa sổ tri thức

.

* Việc khảo sát, cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa đã được các vua triều Nguyễn thực hiện như thế nào? (Trần Thị Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Nối tiếp tiền nhân, thế hệ người Việt Nam hôm nay tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. TRONG ẢNH: Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, cho ông Đặng Công Ngữ (ngoài cùng, bên phải).    (Ảnh: V.T.L)

- Theo bài viết “Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa - Kỳ 2” của TS Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 26-7-2009, việc vẽ bản đồ ở Hoàng Sa đã được Đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng 20 thủy quân đi thuyền ra thực hiện vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ mười lăm (1834). Đây là một trong những sự kiện lịch sử được Quốc sử quán triều Nguyễn chép trong sách “Đại Nam thực lục”, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122.

Theo sách đã dẫn, cũng năm Minh Mạng thứ mười lăm (1834), vua sai binh lính ra dựng miếu và lập bia ở Hoàng Sa. Nhưng vì sóng to gió lớn không làm được, nên vào tháng 6 năm sau, vua sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, dựng bia đá ở đảo Hoàng Sa.

Sách này còn cho biết thêm, vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), Bộ Công tâu rằng: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi… Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay (1834) trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói cho rõ, đem về dâng trình”.

Vua Minh Mạng chuẩn tấu, sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền cùng 10 bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt khắc chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự” (Năm Minh Mạng thứ mười bảy, năm Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, đây là sự kiện mà hầu hết các bộ chính sử của triều Nguyễn, như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”… đều có ghi chép.

Tuy nhiên, không phải bây giờ dư luận mới quan tâm đến sự kiện lịch sử trọng đại chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa này, mà từ hơn 10 năm trước, nó đã được nhắc đến trong một số sách vở, tài liệu xuất bản trong nước. Đơn cử như bài viết “Các vua Nguyễn sai người đo đạc, cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa” đăng trong tập sách “Hương sắc mọi miền đất nước” của tác giả Lê Trọng Túc (NXB Giáo dục, 1997, tr. 21-22).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.