Xưa cũng như nay, quan hệ và đạo nghĩa thầy trò là một trong những vấn đề có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội. Không chỉ có người làm nghề dạy học, người đi học, các bậc phụ huynh, mà toàn xã hội đều quan tâm đến vấn đề này. Một tấm gương sáng trong giáo giới, một cách ứng xử đúng đạo nghĩa thầy trò của học sinh, và cả đôi ba hiện tượng chưa hay xảy ra ở trường học… đều để lại tiếng tăm và thu hút dư luận của làng xã, phố phường. Tuy nhiên, hiểu cho đúng mối quan hệ và thực hiện cho tốt đạo nghĩa thầy trò không phải là điều đơn giản và thời kỳ nào cũng suy nghĩ, cũng hành xử như nhau.
Thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Lơ |
Người thầy giáo, dù dạy ở Quốc tử giám (một dạng trường học bậc cao do nhà nước lập ra ở kinh đô), hay chỉ ngồi “gõ đầu trẻ” ở các làng quê hẻo lánh, xa xôi… đều được mọi người yêu mến, quý trọng, vì họ không chỉ dạy chữ, truyền thụ tri thức, phương pháp học tập… mà còn chỉ bày, hướng dẫn cho người học từ lời ăn, tiếng nói đến lẽ sống, cách hành xử sao cho phải đạo, v.v… “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Câu châm ngôn ấy, không người nào khi đi học là không hiểu, không thuộc.
Điều cần đáng nói là trong việc dạy dỗ, học hành thời Nho giáo thịnh trị ở nước ta đạo làm người, tư cách, phẩm giá của con người là điều được đề cao trước hết. Ngay từ lúc mới cắp sách tới lớp, tới trường, các em nhỏ đã được làm quen với câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ở câu vừa dẫn, chữ “lễ” (có thể hiểu là lễ nghĩa, đạo đức, tư cách…) được đặt trước chữ “văn” (có thể hiểu là tri thức, là văn hóa). Điều này, chắc không ai là không thấm nhuần, không thừa nhận.
Nhưng để hiểu rõ hơn nội dung chữ “lễ” tôi đã tìm đọc đoạn văn sau đây của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện trong cuốn “Bàn về Đạo Nho” (NXB Thế giới. 1993): “… Chữ lễ bao hàm ba nghĩa: Tôn giáo, xã hội và luân lý. Nó gồm cả lễ nghi trong việc thờ cúng, nghi thức trong quan hệ xã hội và tác phong đúng mực của con người biết tự trọng…” (trang 23). Cũng theo ông Nguyễn Khắc Viện: “Có lễ để kính thờ cha mẹ, để đối xử giữa vợ chồng, giữa anh chị em, lễ trong quan hệ với bạn bè, với người dưới và người trên…” (Sđd- trang 23).
Chữ “lễ” có ý nghĩa lớn lao trong đạo làm người là vậy, nên trong quan hệ thầy-trò muốn tốt đẹp phải thực hiện tốt nội dung của nó. Cả người dạy và người học đều hiểu rõ điều đó. Thầy cô giáo phải là người có tư cách, đạo đức tốt, hết lòng thương yêu, bao dung, độ lượng với học sinh, tận tâm dạy dỗ cho các em nên người.
Lịch sử giáo dục nước ta mãi mãi rạng danh nhiều tấm gương sáng về những người thầy “đạo cao, đức trọng”, từ bỏ công danh để đến với nghề dạy học. Tên tuổi của các thầy Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi (đời Trần), Nguyễn Bỉnh Khiêm (đời Mạc), Nguyễn Huy Tự, Bùi Huy Bích (đời Lê), Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu (đời Nguyễn), v.v... được muôn đời ghi nhớ.
Những người trò cũ, khi đã nên danh, nên giá, và cả khi tóc đã bạc, răng đã long, gặp lại thầy, cô giáo cũ hầu hết họ vẫn hết lòng tôn kính. Ví như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, khi vào công tác ở Nam Trung Bộ, gặp lại cụ phó bảng Đào Phan Duân, suốt 30 phút đã mời cụ Đào ngồi trên ghế, còn mình thì đứng khoanh tay hầu chuyện thầy giáo cũ (dù lúc ấy trong phòng có đủ 2 chiếc ghế cho hai cụ ngồi) (*).
Đạo nghĩa thầy trò thuở xưa không chỉ thể hiện ở tình cảm, ở thái độ, ở lời chào hỏi… mà còn được thực hiện bằng những việc làm rất cụ thể. Người đi làm ăn xa, khi về thăm quê hương, bản quán không quên tới nhà thầy cô giáo cũ chào hỏi. Tết đến, xuân sang, học sinh đến mừng thọ thầy cô giáo tại nhà tương tự như mừng thọ ông bà, cha mẹ vậy:
Mồng một ăn tết ở nhà/ Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Khi thầy cô giáo già cả, ốm đau, bệnh tật hay gặp lúc hoạn nạn, khó khăn đều được học sinh thăm viếng, hỏi han, chăm sóc, giúp đỡ với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc: Ơn thầy bằng núi/ Nghĩa cha mẹ tày non/ Hai ta là đạo làm con/ Muốn duyên vừa, ý đẹp, phải luôn phụng thờ.
Nhiều hội đoàn do các giám sinh, các học sinh lập ra ở các địa phương thuở xưa (có quỹ tiền, quỹ ruộng đầy đủ) cơ bản cũng hướng vào mục đích thực hiện cho tốt cái đạo làm con, đạo làm trò như câu ca dao trên đã nói.
2- Đạo nghĩa thầy trò là một phần của đạo làm người. Biết hiếu để với ông bà, cha mẹ, anh chị thì cũng phải biết kính lễ với thầy cô. Đó cũng là một nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, mỗi thời đại, nét đẹp văn hóa này cũng có những điểm, những biểu hiện khác nhau. Thuở xưa, nước ta là nước nông nghiệp, có sự phân chia khá rạch ròi giữa tầng lớp trí thức với người lao động chân tay nơi ruộng đồng, sông biển, xưởng mộc, lò rèn… Số người làm nghề dạy học không nhiều và phần lớn họ đều giữ đúng tư cách đạo đức của người thầy. Học sinh trong đời đi học của họ cũng chỉ thụ giáo dăm ba thầy mà thôi.
Họ thực sự mang ơn thầy giáo vì nhờ có sự dạy dỗ của thầy mà họ lập được công danh qua con đường thi cử. Do thế, nhất nhất họ đều nghe lời thầy, thậm chí xem thầy như cha mẹ, như một biểu tượng đẹp để họ noi theo.
Ngày nay, xã hội đã đổi mới toàn diện. Trường học mở ra khắp nơi. Đội ngũ giáo viên qua nhiều thế hệ đông tới hàng vạn, hàng triệu… Kinh tế thị trường xâm nhập vào nhà trường khá mạnh mẽ. Học sinh, sinh viên hằng ngày tiếp xúc với đủ nguồn thông tin. Trong cuộc đời đi học của họ, từ bậc mầm non đến bậc đại học, trên đại học, họ được học với rất nhiều thầy cô giáo. Do vậy, họ có sự so sánh, sự đánh giá khác nhau về các thầy cô của mình. Họ coi trọng và biết ơn các thầy cô vừa có tài, vừa có đức và hết lòng vì học sinh, vì nhà trường.
Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh, sinh viên đều có cách ứng xử đúng với đạo thầy trò. Xã hội, gia đình, nhà trường, các thầy cô và chính học sinh, sinh viên cũng rất đau lòng về việc này. Những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong nhà trường, và những tác động nhiều mặt của xã hội, của gia đình đã làm nhạt nhòa đi phần nào đạo thầy trò hiện nay.
Người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu nhà trường, gia đình, xã hội làm tốt công tác giáo dục, đừng biến nhà trường thành thương trường; nếu các thầy cô giáo được Nhà nước quan tâm, chăm lo đầy đủ (cả về vật chất lẫn tinh thần), và thực sự họ là những tấm gương trong để học sinh, sinh viên noi theo, còn người đi học thì luôn đề cao, luôn coi trọng đạo làm người… nhất định đạo thầy-trò mãi mãi vẫn sẽ tốt đẹp.
TRẦN HOÀNG (Cựu GV Đại học Sư phạm Huế)
(*) Báo Thanh niên số ra ngày 11-7-2007.