Tôi có một anh bạn làm biên tập trang thơ. Gặp anh, việc đầu tiên là nghe anh kêu khổ:
- Mình liên tục nhìn thấy một cái tên, một kiểu chữ trong số thơ gửi đến. Nghĩ tình, người ta đã có công với thơ vậy, cũng nên chiếu cố mà dùng cho họ một đôi bài. Không ngờ cái chiếu cố “vô nguyên tắc” ấy nó hại mình. Tác giả khả kính ấy lập tức nối đường dây. Vậy là cả tháng nay, mỗi tuần không dưới dăm bảy lần phải cầm máy nghe ông “yêu thơ” alô alồ. Thoạt đầu là cảm ơn, rồi khen ngợi chí chết mấy câu bình của mình.
Những ngày sau, ngày sau nữa ông hành mình mấy bài thơ vừa mới làm, đại để là vịnh luống rau sạch sau nhà, nỗi niềm nhớ con cún vàng bỗng dưng biến mất v.v... Nhưng hãi hùng nhất là lời bình kéo dài cả giờ. Ông nói, ít hôm nữa ông sẽ xuống Hà Nội đàm đạo thi ca và gửi thêm mấy bài mới.
Ông xuống thực. Lần đầu tiên mình tiếp xúc với một cộng tác viên cao niên đến vậy. Tuổi dễ chừng ngang cụ Hoàng Cầm. Tóc cũng vậy vậy bạc phớ. Mắt cũng vậy vậy, không chừng còn sáng quắc hơn cả mắt thi sĩ xứ Kinh Bắc. Không kịp uống nước, nhà làm thơ đi thẳng vào thơ. Ông đưa sát mục kỉnh vào trang giấy. Vừa đọc xong một bài, ông dừng lại, trích ra từng khổ vừa đọc vừa bình, nhấn mạnh từng câu, lưu ý cả từng chỗ ngắt câu, xuống dòng. Nghĩa là chỗ nào cũng chứa đựng ngụ y sâu xa của người làm thơ.
Rồi sang bài thứ hai, thứ ba...tiếp tiếp. Sau mỗi bài ông lại quắc đôi mắt sáng hỏi dồn dập: Anh thấy thế nào. Đương nhiên là phải gật gù rồi, mặc dù đến bài thứ năm, thứ sáu trở đi thì mình chẳng còn nghe được gì nữa. Già rồi mà yêu mình...hết mình như người này, quả thực, mình chưa từng gặp.
Chúng tôi chia sẻ nổi khổ của anh. Nhưng nghĩ cho cùng ông già cũng chỉ yêu thơ, có làm hại chi ai. Quá lắm cũng chỉ hành ông bạn tôi một vài cú phôn, còn xuống Hà Nội thì hy hữu. Nhưng sự yêu mình mà hại người, ấy là yêu quyền lực, mới là điều đáng nói. Cứ như ông sếp của tôi mỗi lần ngẫu hứng đẻ ra một sáng kiến, một “phương hướng phát triển” mới thì tất cả chỉ có...ngậm miệng.
Là ông sếp trẻ nên thừa ý thức tập thể. Bên cạnh sếp còn có đảng ủy, công đoàn, có hội nghị công nhân viên chức...nghĩa là đủ bộ lệ. Thế rồi những cuộc họp chỉ một mình sếp độc diễn. Giọng sếp lúc ngân nga, lúc hùng hồn. Giữa chừng, giống như cụ cộng tác viên thơ của bổn báo, hỏi đột ngột: “Đồng chí thấy thế nào. Không kịp nghe trả lời, sếp tự tán thưởng: Đây là ý tưởng mà tôi đã phải thức trắng nhiều đêm để suy nghĩ.
Chính tôi cũng ngạc nhiên về sự sáng tạo kỳ lạ của mình...” Nếu có ai đó còn đắn đo suy nghĩ, thì sếp không ngần ngại tuyên bố. “Họp bàn là để thực thi dân chủ, nhưng người quyết cuối cùng chính là tôi, thủ trưởng cơ quan”.
Đấy là miếng võ cuối cùng để bảo vệ bằng được tình yêu ...mình của sếp. Chính những ông sếp như vậy đã đầu tư nhiều triệu đồng ngân sách cho cả một dây chuyền chế biến sắn trên núi để cuối cùng thành đống phế thải. Một ông sếp huyện khác quyết thực hiện ý tưởng “thay trời vẽ lại giang sơn”, di dân cả một xã lên đồi, không cần biết ngày ngày hàng trăm hộ dân phải tìm đường kiếm nước ăn nước uống, nước tắm giặt ra sao.
Vẫn là yêu mình, từ Bắc vào Nam không ít cácvị sếp quyết xây cho dân những cái chợ thật khang trang không thua kém siêu thị nước người. Rốt cuộc chợ bỏ đó, còn dân thì tìm cái chợ quen thuộc, tiện lợi của mình để mua, để bán.
Kính Hiền