Mẹ tôi, vẫn dáng hình gầy nhỏ bao năm rồi, trước mùa đông thường ngồi đan áo. Những chiếc áo len mẹ đan, tỉ mỉ, mẹ đã dệt lên đó bao nỗi niềm, bao yêu thương dành tặng cho tôi. Năm tôi học cấp ba, cũng là năm tôi được mặc áo dài đi học và hai ngày trong tuần. Thứ hai và thứ sáu. Chiếc áo dài trắng tinh được mẹ chọn vải, rồi cắt may cho tôi.
|
Dáng mẹ, tôi không thể lẫn vào ai, không thể lẫn vào đâu, không thể lẫn với bất cứ ai. Tôi vẫn thích vẽ về mẹ tôi và mái tóc dài. Và tôi đã vẽ. Bức tranh ấy, màu sắc buồn như màu mùn cưa trong xưởng gỗ của cha tôi khi ông còn làm nghề mộc. Màu của bức tranh ấy như màu thời gian, nhưng gương mặt mẹ lại ngời sáng. Đó là bức tranh mà tôi vẽ bằng một bài thơ về mẹ. Mẹ chưa đọc bao giờ. Mà mẹ cũng không đọc được những gì tôi viết về bà.
Mẹ ở bên tôi, đôi khi trái nắng trở trời lại thẩn tha một mình với ký ức vẹn nguyên thời đi thanh niên xung phong. Cha thường nói với chị em tôi là các con không bao giờ được phép làm mẹ buồn, dù là một chút, bởi mẹ đã hy sinh trọn cả đời mình cho gia đình này rồi. Mẹ mồ côi. Ông bà ngoại hy sinh khi mẹ còn chưa biết nói. Mẹ sống với cậu, lớn lên bằng tình yêu thương, chăm sóc của cậu. Cậu với mẹ là cha, là mẹ.
Mẹ có một tuổi thơ không bình yên trên mảnh đất Đồng Lộc anh hùng. Có lần mẹ đưa chị em tôi về thăm quê ngoại, mẹ khóc với cậu rất nhiều, kể đủ chuyện làm dâu nhà nội, rồi mẹ khóc, cậu khóc. Đó là lần cuối mẹ khóc bên cậu, bây giờ thì cậu cũng đã đi rồi. Và mẹ đã mồ côi thật sự. Tóc mẹ giờ mỏng manh, mẹ vẫn thường ngồi một mình trước hiên, như vẫn chờ đợi tôi mỗi chiều đi học về. Như vẫn chờ đợi ngày còn cậu, cậu vẫn thi thoảng bắt xe vào thăm mẹ.
Mẹ về làm dâu nhà nội và đã trải qua khá nhiều nỗi buồn đau. Chuyện con cái, chuyện nàng dâu - mẹ chồng, rồi chuyện phong tục tập quán ở quê chồng… Thời son trẻ mẹ đẹp. Cha nói là bà nội và bác tôi đã mất hơn một ngày trời gánh sính lễ đi hỏi cưới bà cho cha. Thời đó, làm gì cũng đi bộ. Quê nội cách quê ngoại hơn năm chục cây số, mà cách trở sông suối, đường sá khó đi.
Mẹ về làm dâu nhà nội, đến bây giờ đã trọn vẹn là dâu hiền, đảm đang và chu đáo. Cha ít khi kể cho tôi những kỷ niệm về ngày trước của cha và mẹ. Đôi lần tôi gặng hỏi, ông chỉ cười trấn an tôi, thì bây giờ các con thương mẹ nhiều hơn là được rồi. Chuyện ngày trước và bây giờ khác nhau con à.
Thương mẹ nhiều hơn, bao nhiêu là đủ? Tôi không biết. Nhưng cũng đã hơn mười năm tôi xa quê, thi thoảng mới về thăm nhà, thi thoảng mới được ăn một bữa cơm mẹ nấu với bấy yêu thương. Thi thoảng tôi gọi điện về nhà, lúc gặp được mẹ, lúc thì mẹ đang bận quét lá ngoài vườn. Mùa đông run run gió, ở đây đêm đêm tôi vẫn chạnh buồn nhớ quê, nhớ mẹ. Mẹ cho tôi hình hài, mẹ cho tôi một trái tim. Mẹ cho tôi một cuộc đời và mẹ cho tôi cả những nỗi niềm.
Bây giờ trời đã vào đông, gió bấc đã về mang theo cái lạnh đầu mùa choàng xuống cỏ cây, hoa lá. Khi làm mẹ mới biết mẹ đã hy sinh bao nhiêu cho những đứa con, mẹ chưa bao giờ phàn nàn bất cứ điều gì. Tôi thèm được một mình đứng trong vườn nhà, nghe tiếng chổi quét lá sau vườn của mẹ, được ngửi mùi khói bếp được mẹ nhóm lên bằng lá bạch đàn khô, thơm mùi hương quê nhà. Nhà tôi ven sông, mùa đông gió cứ thốc vào nhà từ hướng sông.
Đôi khi ở nơi này tôi nhói lạnh. Cũng chưa bao giờ làm được điều gì dành tặng mẹ, tôi vẫn mãi loay hoay với những dự định nơi đất khách quê người. Những công việc hằng ngày, gánh nặng lo toan cho gia đình bé nhỏ của mình… những lý do đó cứ cuốn tôi đi, và khi ngoảnh lại, mình đã ngoài ba mươi tuổi rồi. Không biết thương mẹ bao nhiêu để vừa lòng cha, để làm tròn bổn phận một người con. Tôi vẫn hỏi mình như thế, khi sáng nay vừa mở cửa phòng, gió lạnh thốc vào da thịt.
Nhớ mẹ, tôi choàng thêm chiếc khăn cũ ngày xưa của mẹ. Cảm giác an toàn và tin cậy. Nhớ mẹ, như nhớ một phần thiêng liêng nhất trong cõi đời. Cuộc sống luôn làm con người thay đổi, nhưng mẹ tôi và tôi, hoán đổi cho nhau sự bằng an số phận. Tôi hạnh phúc vì đời còn mẹ, và đời còn bao mùa đông ấm áp…
Tháng 11-2009
Tản văn của Nguyễn Thị Anh Đào