.

Đường đi của văn hóa

Chính phủ đã tốn khá nhiều tiền bạc và công sức để giải quyết các vấn nạn như tai nạn giao thông, kẹt xe, tiếng ồn, sự ô nhiễm, nạn mãi lộ hoành hành, nhưng người dân đô thị vẫn khốn khổ vì kẹt xe và cầu đường xuống cấp. Khách quốc tế vẫn rợn người khi thấy tai nạn trên quốc lộ 1A của Việt Nam, có người còn hài hước viết báo giới thiệu đặc sản Việt Nam là "tiếng còi " và tiếng ồn trên đường phố! Cả nước mở mắt ra là nghe đủ loại tai nạn giao thông trên VTV1.

Thế đấy, rồi cuối cùng người ta mới sực nhớ đến vai trò của văn hóa, viện dẫn “văn hóa giao thông” làm cứu cánh cho cả giao thông đường phố, quá đúng và cũng đã quá chậm! Vì thật ra, câu chuyện của ngành giao thông đã quá trầm kha, do chính sách đầu tư đường sá, xe cộ đã bất cập từ lâu lắm. Không quá tải, vượt tốc lấy tiền đâu để mua đường, chung độ, thu lãi cho chủ xe và nuôi sống gia đình.

Không nổi giận, ồn ào sao được khi ra đường là kẹt xe và lô cốt, là tắc đường và trễ việc? Lịch sự nỗi gì khi trai già, gái trẻ ai cũng đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, suốt ngày vội vã, căng thẳng trên đường, từ thành phố Hồ Chí Minh cho đến Thủ đô Hà Nội! Sự thanh lịch bây giờ chỉ dành cho công dân có xe 4 bánh, còn sự lam lũ và luyện rèn văn hóa cũng chỉ dành cho dân lao động?

Văn hóa được giăng mắc khắp các thị thành, nông thôn và làng, bản, ở đâu cũng có khu phố, thôn xóm, tổ đội văn hóa…, nhiều nơi, chẳng hề ăn nhập gì với cuộc sống sôi động.

Hơn chục năm trước, báo Sài Gòn Tiếp thị do chị Kim Hạnh phát động đúng thời cơ, đã dấy lên cả một phong trào rộng lớn trên cả nước về sự hồi phục và trỗi dậy của “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, phong trào ấy vẫn duy trì hiệu ứng tích cực cho đến tận bây giờ, đã trở thành thương hiệu, có uy tín, giúp kinh tế Việt Nam đứng vững khi mở cửa, hội nhập quốc tế mà không bị hàng hóa nước ngoài khống chế, đè bẹp. Đó chẳng phải nhờ đánh trúng vào lòng yêu nước, tính tự hào dân tộc của nhân dân, tiêu dùng có văn hóa? Hiện chúng ta đang “Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ”, thế chẳng lẽ bấy lâu nay người Việt mình tiêu dùng thiếu văn hóa? Dân nghèo lấy đâu tiền tỷ mà sắm ô-tô xịn? Lấy đâu tiền triệu mà rượu ngoại chai nọ chai kia?

Có lẽ câu chuyện văn hóa ở đây phải chăng chỉ nên vận động, tuyên truyền, khuyến dụ, vào một loại đối tượng “cơ bản”? Và phải chăng nên có một cuộc biểu dương, làm gương trước hết từ quan chức Nhà nước, từ trên xuống, từ trong ra ngoài? Thật thà, và làm thiệt thì dân mới tin và mới mong giúp cho phong trào thành công thật sự?

Lâu nay, ở các vùng quê xứ Quảng dấy lên phong trào các tộc họ văn hóa “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, cùng nhau lập Quỹ khuyến học, quỹ tương tế để giúp đỡ những gia đình khó khăn làm ăn, lập nghiệp và động viên con cháu chăm chỉ học tập, nên người. Có tộc còn làm cả quy ước, cả họ cam kết không xì-ke ma túy, không rượu chè, say xỉn… Và đúng là người dân, họ làm thiệt, làm đến nơi đến chốn, như tộc Phạm ở Điện Bàn, tộc Hồ, tộc Nguyễn ở Duy Xuyên, tộc Võ, tộc Đỗ ở Hòa Vang… Chẳng cần quảng bá rùm beng, mà lại hiệu quả thực tế và văn hóa vô cùng!

Phải chăng đó là đường đi của Văn hóa. Là sức sống của nhân dân.

GIAO CƯƠNG

;
.
.
.
.
.