.

Hoài niệm một cái tên

.

Đó là một chiều hè rực rỡ năm 1987, thành phố Quy Nhơn- lúc đó còn là thị xã- như sôi lên vì trận chung kết Giải bóng đá hạng A 1 toàn quốc giữa hai tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ là Câu lạc bộ Thể dục  thể thao Quân đội (sau này lấy lại tên cũ Thể Công) và Quảng Nam- Đà Nẵng. Cái oi bức ngày hè không làm vơi đi không khí náo nức, hồi hộp trước giờ bóng lăn. Từ sáng sớm của ngày diễn ra cuộc thư hùng đỉnh cao, nhiều con phố bỗng như chật lại vì lượng khán giả đông đúc từ khắp nơi đổ về. Quốc lộ 1 A, đoạn từ  Đà Nẵng đi Bình Định nườm nượp xe ca, xe đò.

Từ nay không còn cái tên Thể Công trong giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. (Ảnh tư liệu)

Khát vọng được chứng kiến đại biểu bóng đá quê xứ mình tranh tài ở trận đấu lớn nhất của mùa giải thúc giục cả vạn người hâm mộ đất Quảng hào hứng vượt gần 300 cây số đường dài đến Quy Nhơn. Khách sạn, nhà nghỉ hết chỗ vì lượng khách quá lớn.  Một đêm trắng rạo rực say mê, vì thế, đã diễn ra dọc dài theo bờ biển Quy Nhơn, nơi hàng ngàn người hâm mộ bóng đá đến từ khắp nơi căng lều, trải bạt vui đùa, ngả lưng chờ sáng, chờ lúc vào sân chứng kiến trận cầu sinh tử.

Điều gì khiến trận chung kết năm ấy thu hút, hấp dẫn đến vậy? Vì một Quảng Nam- Đà Nẵng trẻ trung, huê dạng và đầy ngẫu hứng với những tên tuổi đang lên Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Trương Văn Lợi…? Một phần như vậy nhưng trên hết, sức hút lớn nhất đến từ chính  tên tuổi lẫy lừng của Thể Công-người khổng lồ ngự trị nhiều năm liền trên đỉnh cao bóng đá Việt Nam. Với những Cao Cường, Thế Anh, Quản Trọng Hùng, Đoàn Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Lâm, Trần Văn Khánh…, Thể Công ngày ấy là hiện thân của một tập thể sắc sảo về tài năng, mạnh mẽ, ngoan cường về tinh thần, ý chí.

Các tố chất lung linh ấy được xây đắp trên nền tảng bền vững của một giá trị mà nhiều đội bóng khác chưa tạo dựng được: truyền thống. Đúng là với Thể Công, truyền thống chính là một phần của sức mạnh giúp đội vững vàng giữ ngôi vị cao nhất làng bóng Việt Nam một thời gian dài.

Đương đầu với một tập thể như vậy, rất hiếm đối thủ có thể chơi ngang ngữa, nói chi đến chuyện ca khúc khải hoàn. Trên sân Quy Nhơn chiều ấy, đội hình quyến rũ của bóng đá đất Quảng thời bấy giờ bất lực nhìn Tiến Lâm đưa bóng vào lưới Trương Văn Lợi từ phút thứ 37 và ngậm ngùi nhìn chiếc cúp vô địch thêm một lần nằm trong tay Thể Công. Khuya hè ấy, buồn bã theo xe về lại quê nhà, không ít khán giả xứ Quảng hiểu rằng các chàng trai của mình cần rèn thêm nhiều tố chất mới có thể sánh vai với bề dày truyền thống của đối phương.

22 năm rồi, chiều hè rực rỡ tôn vinh thêm một lần giá trị truyền thống Thể Công ấy thỉnh thoảng vẫn sống lại trong hồi ức của nhiều người khi nghĩ  về vẻ đẹp của bóng đá, hoài nhớ về năm tháng hồn nhiên của sân cỏ quê xứ mình. Tiếc rằng bây giơ, cái tên làm nên truyền thống lẫy lừng sân cỏ ấy không còn nữa từ mùa bóng mới. Bóng đá thị trường, làn gió chuyên nghiệp lạnh lùng cuốn phăng nhiều tên tuổi lớn, vô tình xếp vào ngăn kéo biết bao tình tự nỗi niềm.

Đừng ngạc nhiên khi không ít cầu thủ Thể Công ngần ngừ chia tay với cái tên đã thành máu thịt, phân vân, lưỡng lự khoác lên mình màu áo mới Thanh Hóa. Với nhiều người từng gắn bó với cái tên Thể Công và gửi buồn vui theo màu áo đỏ, cuộc chia ly ấy có thể để lại nỗi day dứt khôn nguôi.

Tường Phước

;
.
.
.
.
.