Từ lâu, mặc dù các nhà hàng hải phương Tây đã biết nhiều về quần đảo Hoàng Sa thuộc vương quốc Xứ Đàng Trong, nhưng mãi đến nửa sau thế kỷ XVIII, tên gọi và đặc điểm các đảo, đá, bãi ngầm trong quần đảo vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, nhất là khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm.
Nhóm đảo Nguyệt Thiềm nhìn từ máy bay năm 2007 (Nguồn: www.wikiwak.com) |
Nhóm Nguyệt Thiềm có tên thuần Việt là Trăng Khuyết hay Lưỡi Liềm, cũng gọi là Nhóm Tây, tên tiếng Pháp (P) là Croissant groupe, tên tiếng Anh (A) là Crescent group, hiện nay Trung Quốc gọi là Yongle Qundao (Vĩnh Lạc Quần đảo), nằm về phía tây nam, gần đất liền của Việt Nam, ở tọa độ 16031’ vĩ độ bắc và 111038’ kinh độ đông. Tên Nguyệt Thiềm xuất phát từ vị trí các đảo nằm nối nhau như hình mặt trăng lưỡi liềm.
Có lẽ do đặc điểm đó và học theo cách gọi của người Việt, Daniel Ross đặt tên nhóm đảo này trong bản đồ là Crescent (Lưỡi Liềm). Nhóm Nguyệt Thiềm gồm 7 đảo chính là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hoà, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm cùng vô số mỏm đá (1).
Đảo Hoàng Sa
Đảo Hoàng Sa nhìn từ vệ tinh năm 2009 (Nguồn: www.vi.wikipedia.org) |
|
Phải chăng từ cách gọi Phật Tự mà tên đảo được phiên âm thành tên quốc tế là Pattle (một từ có âm gần giống Phật Tự mà không rõ nghĩa)? Cũng có ý kiến cho rằng Daniel Ross đặt như thế để vinh danh giám đốc Công ty Đông Ấn của Anh giai đoạn 1787-1795 là Thomas Pattle (1748 – 1818).
Đảo có hình bầu dục, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, nơi cao nhất là 9,15m, diện tích chừng 0,32km2, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải lớn nhất, nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo. Năm 1816, triều Nguyễn cử quân đội chính quy phối hợp dân binh đội Hoàng Sa chính thức cắm cờ, xác lập chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa.
Trên đảo Hoàng Sa, ở góc tây nam có một miếu cổ được dựng lên từ trước thời Nguyễn, có bia khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình” (vạn dặm sóng yên). Đến tháng 6 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng cử Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng dân binh hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu ra xây thêm ngôi miếu thờ thần cách miếu cổ 7 trượng (khoảng 29,75m) (4) và dựng thêm bia đá ở bên trái miếu, phía trước xây bình phong (5).
Góc đông bắc của đảo có vài ngôi mộ của binh lính Việt Nam thời Nguyễn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ được chôn cất tại đó. Về sau, trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ II còn có thêm Miếu Bà được xây dựng trên nền miếu cũ, cửa miếu mở hướng đông, trong có thờ Tượng Bà cao khoảng 1,5m đứng trên tảng đá.
Ngoài những trại quân có tính chất mùa vụ ít để lại dấu tích của thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, thì một số cơ sở quân sự và quan trắc bền vững đã được người Pháp thiết lập trên đảo từ thập niên 1930. Tháng 6-1938, một đơn vị lính khố xanh người Việt được cử ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa. Cũng vào năm đó, Pháp xây dựng tại đảo Hoàng Sa một hải đăng, một trạm vô tuyến TSF, một đài khí tượng. Cơ sở của đài cũng như đồn binh là hai ngôi nhà đồ sộ và kiên cố.
Đài khí tượng Hoàng Sa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization, viết tắt là WMO) công nhận năm 1947, có số hiệu là 48860, trong đó số 48 chỉ vùng Đông Nam Á, số 860 chỉ đài Hoàng Sa. Vì thế, đài Hoàng Sa còn mang tên tiếng Pháp là Station d’Observation 860. Đài đã được duy trì để quan trắc thời tiết và phổ biến tin tức khí tượng cho vùng Đông Nam Á trong nhiều thập niên, kéo dài cho đến tháng 1-1974.
Ngọn hải đăng nằm ở phía bắc của đảo với đèn hiệu phát sáng xa chừng 12 hải lý, thuộc loại hải đăng chớp tắt có chu kỳ, thời khoảng sáng dài hơn thời khoảng tắt, cũng đã trợ giúp đắc lực cho ngành hàng hải dẫn lộ tàu thuyền ngang qua vùng biển Hoàng Sa được an toàn trong suốt thời gian dài.
Đặc biệt, năm 1938 chính quyền Pháp-Nam đã dựng một tấm bia chủ quyền trên vị trí gần trung tâm đảo Hoàng Sa, có khắc dòng chữ Pháp: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc Đại Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938” (République Française - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 1816- Île de Pattle 1938).
Trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ II, quân đội Pháp và Nhật đã xây dựng một số công sự phòng thủ và liên lạc thám báo trên đảo. Ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, lính Nhật cũng đã tước khí giới của trung đội lính Lê dương Pháp trú đóng ở đây. Các nhân viên khí tượng người Việt đã bóc gỗ đóng trần nhà để kết bè vượt biển, về cặp đất liền ở Quy Nhơn (6). Không quân Đồng minh từng oanh tạc các công sự phòng thủ của Nhật trên đảo Hoàng Sa.
Khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong thời gian từ 20 đến 27-5-1946, Cao ủy Đông Dương là D’Argenlieu đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa. Tháng 6-1946, Pháp điều chiến hạm Savorgnan de Brazza đi chiếm lại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đến tháng 9-1946 thì rút quân về. Ngày 26-10-1946, lợi dụng thời cơ Pháp-Việt chuẩn bị chiến tranh, Trung Hoa Dân Quốc điều 4 chiến hạm chở quân đi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, và vào 29-11-1946 đã chiếm đảo Phú Lâm.
Trước hành động đó, Chính phủ Pháp lên tiếng chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp và ngày 13-1-1947 cử chiến hạm Le Tonkinois ra Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm, nhưng họ không rút, nên đã đổ bộ 10 lính Pháp cùng 17 lính Việt lên đóng quân giữ đảo Hoàng Sa (7). Các đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa duy trì mãi đến năm 1956.
Thời Việt Nam Cộng hòa, sau khi tiếp quản từ Pháp, trong hai thập niên 1950-1960, trại lính, nhà kho trên đảo Hoàng Sa được xây cất thêm, đủ cho quân số một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến trú phòng. Về sau, lực lượng trú phòng giảm xuống còn một trung đội Địa phương quân, nhà cửa mới thu gọn lại. Bên cạnh đó, một nhà thờ cũng được xây dựng từ thập niên 1950 cho quân nhân theo Thiên chúa giáo có chỗ hành lễ. Phục vụ cho sinh hoạt trên đảo có vài giếng nước được đào vét nhiều lần qua các giai đoạn lịch sử.
Ngoài ra, ở đảo Hoàng Sa còn có một đường sắt cho xe goòng chạy, dài 180m dẫn ra cầu tàu, dùng cho việc vận chuyển phân bón khai thác trên đảo xuống tàu. Cầu tàu bằng đá và xi măng do một công ty Nhật Bản được nhà cầm quyền Pháp trước đây cho phép khai thác phân chim xây dựng ở phía nam đảo, có rạch nước khá sâu từ biển nối vào. Trong giai đoạn 1956-1964, các sà lan của Công ty Phân bón Việt Nam thường cặp cầu tàu để chở phosphate thu gom trên đảo.
Đầu thập niên 1970, lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa dự định thiết lập một phi đạo ngắn trên đảo Hoàng Sa, đủ khả năng tiếp nhận máy bay vận tải C7 (Caribou) hoặc các loại máy bay có thể dùng phi đạo ngắn hơn; nhưng thời điểm toán công binh tiền phương ra tới nơi thì cũng là lúc hải quân Trung Quốc triển khai chiếm đóng quần đảo, nên việc bất thành.
Từ khi chiếm đóng đảo Hoàng Sa năm 1974, quân đội Trung Quốc đã xây cất thêm nhà cửa, cầu cảng, sân bay, tạo thành những căn cứ dành cho cả quân sự lẫn khai thác biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước và đời sống của nhân dân Việt Nam
(Còn nữa).
Nguyễn Quang Trung Tiến
([1]) Toạ độ và diện tích của các đảo, đá, cồn, bãi thuộc quần đảo Hoàng Sa trong bài này phần lớn dựa vào tài liệu của Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa, In lần thứ ba, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, 2007, trang 259-271 và 353-354.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Quyển VIII, tỉnh Quảng Ngãi, Viện Sử học phiên dịch và chú giải, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 492.
(3) James Horsburgh, The India directory, or, Directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, and the interjacent ports of Africa and South America, VM. H. Allen & Co., London, 1852, p. 348.
(4) Thời Nguyễn, đơn vị trượng dùng để đo chiều dài đất đai tương đương 4,25 mét tây.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập IV, Viện Sử học phiên dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004, tr. 673.
(6) Dẫn theo Sơn Hồng Đức, “Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa”, Tập san Sử Địa, Số 29 - Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Sài Gòn, 1-3/1975, tr. 186.
(7) Vũ Hữu San, Sđd, trang 269.