.

Huyền thoại bà Chiêm Sơn

.

Dinh bà Chiêm Sơn không rõ được xây dựng từ năm nào, chỉ biết rằng nó hiện hữu từ rất sớm, tại làng Chiêm Sơn, tổng Mậu Hòa (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), trên nền móng của một công trình kiến trúc Champa cổ.

Dinh bà Chiêm Sơn.  Ảnh: V.B

Tên gọi Chiêm Sơn đã có từ xa xưa, kể từ khi các cư dân đầu tiên theo vua Lê Thánh Tông di dân vào khai canh khai cư vùng đất mới. Trải qua thời gian, đến thời kỳ các chúa Nguyễn, nơi đây trở nên sầm uất, phát đạt. Cũng như các cư dân xóm làng khác, khi kinh tế phát triển, cùng với việc xây dựng làng xóm, đình chùa, nhà thờ tộc họ... để thờ cúng Thành hoàng bổn xứ, những tiền nhân có công khai phá vùng đất mới, dân làng Chiêm Sơn còn lập dinh (miếu) thờ Nữ thần bổn mạng, mà nhân dân địa phương quen gọi là Dinh bà Chiêm Sơn.

Chung quanh lai lịch bà Chiêm Sơn có nhiều câu chuyện huyền bí khá ly kỳ.

Chuyện kể rằng, ngày xưa trên một cồn cát ở làng An Tây (có người kể là trong một khu rừng nhỏ ở làng Mậu Hòa), bỗng nhiên xuất hiện một pho tượng đá lớn trông giống như hình tượng người phụ nữ, dân trong vùng gọi là Bà Đá. Tin rằng đó là một vị thần linh xuất hiện để phù trợ cho mình, dân làng tìm mọi cách để chuyển Bà Đá về làng thờ tự nhưng không sao dịch chuyển nổi. Vào một đêm trăng sáng, 8 người chăn trâu ở làng Chiêm Sơn sắm dây và đòn tre đến xin chuyển Bà Đá về làng mình dựng trong chùa, phía sau tượng Phật để thờ cúng. Họ đưa được Bà Đá về, nhưng khi qua được ngọn đồi Chiêm Sơn thì dây buộc bị đứt, Bà Đá rơi xuống đất.

Lúc này, trong làng bỗng xuất hiện một cậu bé, mặt mày đỏ hửng, miệng há hốc như là có người “nhập hồn”. Cậu nói với dân làng rằng: Bà Đá là một vị thần đến đây để phò hộ cho dân, Bà không muốn về chùa. Để tỏ lòng tôn kính và thực hiện đúng lời phán của Bà, dân làng liền cùng nhau góp công sức dựng quanh pho tượng đá này một cái dinh (ngôi miếu) nhỏ bằng tranh tre, mặt hướng về nơi phát hiện ra pho tượng để thờ Bà.

Dựng dinh thờ Bà xong, dân làng Chiêm Sơn tin rằng Bà sẽ độ trì cho cuộc sống của họ bình yên, sản xuất được mùa, bệnh tật tiêu trừ; vì thế, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh... họ thường đến đây cầu khẩn. Tương truyền, có năm trời làm hạn hán, dân tình đói kém, cuộc sống khó khăn; dân làng kéo đến dinh Bà làm lễ “đảo vũ”, trời đang quang bỗng nhiên mây đen kéo về, mưa ập đến, mùa màng được một phen xanh tốt.

Lại có chuyện kể về sự linh ứng của Bà rằng, có lần khi vua nhà Nguyễn ngự hành qua Quảng Nam, lúc vua đến viếng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu và Hiếu Chiêu Hoàng hậu (1), phải đi qua trước dinh Bà. Lạ thay, khi ngựa của vua vừa đi ngang qua bỗng hý lên rồi vùng chạy, may nhờ có quan quân hộ giá nên nhà vua không bị ngã ngựa. Từ đó, vua truyền cho dân làng quay miếu dinh Bà về hướng Nam như hiện nay.

Vì sự linh thiêng và uy lực của Bà Đá, ngày mùng 8 tháng 6 năm Duy Tân thứ hai (1908), bà được vua sắc phong Thái Dương phu nhân, đến năm Khải Định thứ chín tặng mỹ hiệu: Trinh uyển Dực bảo Trung hưng Thái Dương Phu nhân tôn thần. Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, dân làng Chiêm Sơn và các vùng lân cận tổ chức lệ Bà rất trang nghiêm, theo đúng nghi lễ truyền thống dân gian và tín ngưỡng thờ mẫu của cư dân vùng lúa nước.

Hiện nay, Dinh bà Chiêm Sơn tọa lạc tại làng Chiêm Sơn, mặt quay về hướng Nam. Dinh xây theo kiểu cổ, 4 mái đúc lợp ngói, bên trên có gắn bộ tứ linh. Bên trong dinh, tượng Bà được đặt chính giữa ở thế ngồi, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, cuộn quanh mình là thân rắn 7 đầu vươn trườn ra hai bên; phía trước và tả hữu có đặt các bàn hương án. Cạnh dinh Bà có cây cổ thụ cành lá xanh tươi, quanh năm tỏa bóng mát.

Cùng với các di tích lịch sử như lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu, Hiếu Chiêu Hoàng hậu, chùa Vua, bến Giá... Dinh bà Chiêm Sơn đã góp phần làm cho Duy Xuyên thêm phong phú cả về di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, là điểm tham quan du lịch với các lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Chuyện về Bà Chiêm Sơn tuy mang tính huyền thoại, truyền thuyết, nhưng gắn liền với tín ngưỡng dân gian đã được lưu truyền bao đời; nó có tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của dân làng trong việc tôn thờ những điều tốt đẹp.

PHẠM VĂN BÍNH

---------

(1) Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã truy tôn bà Mạc Thị Giai (1579 – 1603), vợ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, là Hiếu Văn Hoàng hậu; bà Đoàn Quý phi (1601-1661), vợ Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, là Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Lăng mộ hai bà hiện ở làng Chiêm Sơn. (Chú thích của ĐNCT).

 

;
.
.
.
.
.