(Tưởng nhớ thầy Phạm Tấn)
Quê tôi gần ba ngọn tháp chàm Khương Mỹ. Mỗi lần leo lên triền tháp lượm trứng chim, bọn trẻ chúng tôi dường như thấy miếu Ngũ Đức hiện rất rõ ràng trong tầm mắt. Ngôi miếu ấy là nơi đám trẻ chúng tôi học vỡ lòng. Sau những lần tiêu thổ để tránh máy bay Pháp ném bom, chỉ còn chỗ ấy là nơi có thể kê bàn ghế dạy trẻ con sau ngày đình chiến.
Chẳng hiểu sao bọn học trò đều gọi ông thầy khai tâm là “anh Ba”? Có lẽ vì trong làng ai cũng gọi tên thầy theo thứ tự trong nhà, phần khác, theo thói quen ở các trường học vùng Việt Minh, các thầy đều được gọi là anh cho thân mật.
Nghe mấy người lớn kể, thầy Ba tham gia đấu tranh đòi hiệp thương thực hiện tổng tuyển cử theo hiệp định Genève; việc không thành, bị bắt một thời gian, may mắn được thả ra. Biết thầy có học hành, người lớn trong làng nhờ mở lớp dạy vỡ lòng cho lũ trẻ.
Chẳng mấy khi tôi thấy thầy vui! Những lúc giơ thước khẽ vào bàn tay lấm láp của những đứa nghịch ngợm, tôi thấy vẻ buồn của thầy như chuyển thành rưng rưng nước mắt! “Anh Ba” buộc chúng tôi thuộc lòng vần ngược, vần xuôi và viết chữ cho đều. Nhờ kiên trì “u ớ anh …uân”, “u á anh…uăn” mà phần lớn chúng tôi sau này đều viết chẳng sai chính tả.
Nhưng chẳng ai học với thầy lâu, lên lớp tư hoặc lớp ba (tức lớp hai, lớp ba bây giờ), bọn chúng tôi đều phải lội bộ sang ngôi trường mới sát đầu cầu Tam Kỳ. Tôi còn nhớ như in, chiều nào anh Ba cũng ra ngoài cửa miếu đứng đón chúng tôi đi học về, nhắc nhở phải học cho ngoan, cho đến đứa cuối cùng.
Những ngày mưa gió, nhiều buổi anh lên tận đường cái để đón chúng tôi. Bước trên đường lầy lội, đứa nào cũng giành được nép trong áo tơi anh. Sau này, mỗi lần về thăm thầy, thấy chiếc áo mưa kết bằng lá tơi treo ở hàng hiên, cảm giác êm đềm được đi bên người thầy giáo vỡ lòng như hãy còn nguyên vẹn.
Nhưng, đường thì nhão nhoẹt và trơn, chẳng đứa nào trong bọn đi cạnh thầy được lâu, xô đẩy giành nhau, sợ trượt chân, đành mò mẫm bấm mạnh ngón chân bước liêu xiêu… cả thầy trò nón lá, áo tơi đi trong cái thê thiết của mưa lạnh mùa đông đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi suốt cả thời mới lớn!
Con đường lầy lội và dài dằng dặc của quê tôi đã là trở ngại chính của chuyện học hành. Lội bộ gần chục cây số đường lầy, chẳng đứa nào trong bọn chúng tôi đủ kiên trì. Vì thế, trong số mấy chục học trò thuộc thế hệ chúng tôi từ “lớp vỡ lòng trong miếu” của thầy Ba ra đi, thảy đều nghỉ học nửa chừng, vẻn vẹn chỉ mình tôi tốt nghiệp đại học.
Tôi còn nhớ như in ước vọng của thầy “Mình mà trúng số độc đắc, sẽ mua xi măng về tráng cả con đường Phú Bình để con trẻ đi lại cho thuận tiện!”*.
Sau này, tôi cũng từng làm nghề dạy học một thời gian ở Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Nhớ con đường dẫn về ngôi miếu cổ có lớp học ngày xưa, bao giờ cũng tự hứa với lòng, phải hỏi kỹ xem quãng đường lầy lội mà từng em học trò phải băng qua trước khi đặt bút vào bài và cho điểm. Nhờ đó mà tôi biết được con đường từ nông trường Chiên Đàn về Tam Kỳ có mấy quãng lầy; biết từ Tam Thăng học sinh phải qua mấy chiếc cầu tre; từ Tam Phú lên phải lội bao nhiêu cây số bùn đất đỏ…
Những lúc gặp lại các em hoặc đi trên con đường làng sạch trơn lại nhớ người thầy vỡ lòng quá đỗi!
PHÚ BÌNH
* Sau năm 1975, thầy Phạm Tấn tiếp tục đi dạy cấp 1 tại Trường Phú Bình, xã Tam Xuân 1, Tam Kỳ. Thầy qua đời năm 1994.