Đối với dân làng xứ đất Hạnh Ba thuộc xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà Thái Dương như một người mẹ luôn bao bọc, che chở cho mọi người dân những khi gặp thiên tai, hoạn nạn.
Miếu Bà Thái Dương. |
Miếu Bà đầu tiên tọa lạc trên xứ đất Hạnh Ba Đông, khu vực giáp ranh giữa thôn Câu Nhí và xã Điện Bình, nằm sát sông Câu Nhí - con sông từng đi vào thơ ca dân gian: Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Ðào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu. Qua thời gian, thiên tai lũ lụt đã làm sạt lở đất, dân làng dời miếu Bà vào phía trong một đoạn nhưng rồi con đất nơi đây vẫn bị sạt lở tiếp. Năm 1961, dân lại một lần nữa dời miếu Bà vào xa mé sông hơn đến khu vực hiện nay.
Từ đó, miếu Bà được dân làng bốn thôn Câu Nhí Đông, Câu Nhí Tây, Tha La, Một Mả (Gò Bối) tự nguyện góp công, góp của trùng tu lại trang nghiêm, với diện tích rộng khoảng 36m2, miếu xây về hướng Tây, trên nóc có gắn hình tượng “lưỡng long triều nguyệt” - hai con rồng cùng chầu mặt trăng. Gian chính diện thờ Bà Thái Dương, hai bên tả ban, hữu ban thờ đệ tử của bà; bàn thờ phía Nam có chữ “Công đức”, phía Bắc có chữ “Tiết nghĩa”. Hằng năm, không ai nhắc ai, cứ đến ngày 16-2 và 16-8 âm lịch dân làng lại tập trung về miếu tổ chức lễ cúng tế Bà.
Ngày trước, miếu Bà được cấp hai sào trong khuôn viên miếu và ba sào ruộng công dành riêng cho việc trí tự, giao cho một hộ nào đó canh tác, sau đó trích lại tiền lợi tức thu hoạch từ ruộng để lo việc cúng tế Bà. Lễ cúng diễn ra trong buổi sáng, lễ phẩm chỉ bông hoa trà quả nhưng không khí rất trang nghiêm, thể hiện tấm lòng biết ơn Bà của người dân nơi đây trong khói hương nghi ngút. Đêm đó, làng thuê gánh hát tuồng về biểu diễn cho dân xem. Ông Đỗ Hoanh (sinh năm Nhâm Thân, 1932) kể lại: Cha tôi nói ngày trước mỗi lần cúng tế Bà, ngoài sông có hai con cá nổi lên chầu Bà.
Tuy Bà sống rất gần gũi với dân, nhưng mọi người ai cũng rất kiêng sợ, nhất là đàn bà và trẻ em không ai dám lai vãng đến khu vực miếu. Với sự linh hiển của Bà, qua các đời vua triều Nguyễn, vào những dịp khánh tiết đều có sắc phong thần cho Bà. Hiện nay, miếu Bà Thái Dương còn lưu giữ cẩn thận tám sắc phong. Mỗi lần sau lễ cúng tế Bà, người được dân làng giao trách nhiệm giữ sắc (ông thủ sắc) đem các sắc phong ra cho Ban tế lễ kiểm tra (sợ bị mối mọt), đưa ra phơi nắng cẩn thận rồi mới đem cất.
Giờ đây phần đất “trí tự” đó không còn nữa, nhưng đến ngày cúng Bà, dân làng Hạnh Ba và ba thôn lân cận tự nguyện đóng góp tiền, kẻ ít người nhiều để làm lễ cúng Bà. Đối với dân làng, việc cúng tế Bà được xem như là việc rất quan trọng mà toàn dân khu vực bốn thôn dù không phân công, nhưng ai cũng có lòng thành.
Miếu Bà Thái Dương là một trong những ngôi miếu cổ của xã Điện Minh. Bên cạnh những câu chuyện về Bà, ở đây còn lưu giữ những cổ vật quý (8 sắc phong). Miếu Bà Thái Dương còn có một giá trị khác, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, mà còn là nơi quy tụ tình làng nghĩa xóm, cố kết tình yêu quê hương, xứ sở. Qua những câu chuyện kể về Bà đôi khi có ít nhiều dị biệt, nhưng chủ yếu đề cao người phụ nữ có lòng bao dung, thương người.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, địch đến đóng quân ở Khúc Lũy (Điện Minh), lính Nam Triều Tiên thường mở những trận càn, đem xe cày ủi nhà cửa, ruộng vườn của dân để cắt đứt nguồn lương thực mà nhân dân ủng hộ, chi viện cho cách mạng.
Nhưng khi xe đến khu vực xứ đất Hạnh Ba này thì lưỡi cày bị gãy, chúng cho thay nhiều lần nhưng vẫn bị như thế. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhân dân các nơi náo nức về quê khai hoang phục hóa, nhiều người cuốc đụng phải mìn của địch nằm rải rác khắp nơi trong lòng đất, nhưng không ai bị thương tích gì, nên người dân ở đây cho là do có sự che chở của bà.
HẢI UYÊN