.

Mùa mưa và những căn bệnh khó tránh

.

Bão số 9 đi qua, cộng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, toàn bộ khu vực Thủy Tú (Hòa Hiệp Bắc) bị ngập lụt cục bộ. Căn bệnh Eczema (nước ăn chân) được dịp hoành hành. Toàn thôn có đến 300 người mắc bệnh… Đó chỉ là một trong những căn bệnh phổ biến trong mùa mưa và sẽ xuất hiện dày đặc nếu như không được chữa trị kịp thời, và, Thủy Tú không phải là địa phương duy nhất.

Chưa thể gọi là đại dịch

Số ca nhiễm bệnh nhiều, nhưng chưa thể gọi là đại dịch.

Cách đây hơn 1 tháng, toàn huyện Hòa Vang có đến 84/118 thôn bị ngập. Trong đó có 16.351 ngôi nhà, 10.953 giếng nước, 14.129 hố xí bị “nước ngâm” từ 2 đến 3 ngày dẫn đến vệ sinh không được bảo đảm. Ngay sau khi nước rút, Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hòa Vang đã nhanh chóng tiến hành những biện pháp nghiệp vụ, phun thuốc khử trùng ở hàng loạt khu dân cư, trường học, chợ, đường bộ từ nam hầm Hải Vân vào đến ngã ba Hòa Nhơn, từ Cầu Đỏ vào đến Miếu Bông để phòng dịch bệnh.

Mặc dù hoạt động tích cực, nhưng bệnh đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy, sốt xuất huyết, lỵ, thương hàn… vẫn xuất hiện với số lượng tương đối nhiều. So với quý 1 năm 2009, số ca mắc bệnh lỵ trực trùng tăng gấp 2,8 lần; lỵ Amip tăng 9,7 lần; hội chứng lỵ tăng 4,5 lần; tiêu chảy tăng 2,5 lần; cúm thông thường tăng 3,3 lần; sốt xuất huyết tăng 3 lần…

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tửu, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Hòa Vang, đây là những bệnh không quá nguy hiểm, những biểu hiện của nó cũng dễ nhận thấy nên ngay khi mắc bệnh, bệnh nhân thường chủ động đến các trạm y tế (TYT) xã, phường đến khám và điều trị. Khác với mọi năm, hiện nay người ta lo lắng nhiều đến dịch cúm A/H1N1 hơn là những căn bệnh này. Vì vậy, ca nhiễm bệnh nhiều nhưng chưa thể gọi là đại dịch vì đây không phải là những con số “báo động đỏ” nếu so sánh với các năm trước.

Cả người dân và những người làm trong ngành y tế đã khá quen với những biểu hiện bệnh sau mùa lụt nên việc điều trị không phải là quá khó khăn. Cái khó là người dân phải biết cách tự chăm sóc mình để bảo đảm trị dứt bệnh. Như điều trị nước ăn chân mà họ cứ lội bùn, ngâm nước bẩn suốt ngày thì… có trời mới chữa khỏi.

Đi tắt, đón đầu

Hiện nay, tuyến y tế xã, phường hầu như hoạt động hết công suất. Trong một ngày, TYT xã Hòa Phong, TYT phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám. Tương tự, TYT xã Hòa Tiến, Hòa Khương (Hòa Vang) từ 50 đến 150 bệnh nhân… Ngoài ra, ở mỗi địa phương đều có một y tá thôn thường trực nên thông tin về diễn biến bệnh được cập nhập kịp thời.

Theo ghi nhận của các đội y tế dự phòng khi xuống cơ sở phun thuốc diệt trùng, thời điểm này là giai đoạn ấu trùng muỗi xuất hiện dày đặc ở các vũng nước tù, những chậu nước không sử dụng để lăn lóc ngoài sân, góc vườn… Tuy nhiên, người dân vẫn chưa có ý thức trong việc dọn dẹp khiến muỗi có điều kiện sinh sôi, dẫn đến tình trạng bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh.

Bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu, phụ trách Đội Y tế dự phòng cho biết, ngay trước, trong và sau bão, Đội Y tế dự phòng quận đã phân công cán bộ y tế xuống chăm sóc sức khỏe người dân tại các điểm tập trung dân cư tránh bão tại 21 điểm do UBND phường thành lập. Như ở Thủy Tú, địa phương có địa bàn phức tạp và dễ bị cô lập sau bão, cũng đã có 2 cán bộ y tế xuống “nằm vùng” để kịp thời khám, chữa bệnh và cấp cứu nếu xảy ra tình trạng bất trắc.

Ngoài ra, ở mỗi phường, quận đều gầy dựng khoảng 15 cộng tác viên nên dễ dàng nắm bắt thông tin khi có dịch bệnh xảy ra. Họ cũng chính là người hướng dẫn người dân đến các cơ sở khám bệnh khi cần thiết.

Đến nay, toàn bộ 20.000 viên ChloraminB, 13 cơ số thuốc phòng chống bão (mỗi cơ số khoảng 500.000 đồng gồm các loại thuốc kháng sinh, bông, băng….), 1.000 lọ corbicream… được TTYT quận cấp cho nhân dân các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh để khử trùng nước ăn uống sinh hoạt. Môi trường các vùng dân cư bị ngập lụt có nguy cơ ô nhiễm nặng như Thủy Tú, Kim Liên, Xuân Thiều, Hồng Phước… đang được xử lý tiếp tục.

Huỳnh Lê

;
.
.
.
.
.