.

Nghịch lý thiếu-thừa lao động

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở mới công bố: Trong tổng số gần 86 triệu người, nước ta hiện có trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và chưa đầy 30% sống ở đô thị. Trong tổng số lực lượng lao động, chỉ có 25% qua đào tạo, gần 75% là lao động giản đơn và đó chính là rào cản đối với các nỗ lực tăng tốc nền kinh tế. Đó cũng là thực trạng kìm hãm các mục tiêu công nghiệp hóa cũng như xây dựng một nền kinh tế tri thức mà chúng ta đang kỳ vọng.

Nếu tính tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên chiếm một nửa dân số, thì cả nước hiện có khoảng 40 triệu người đến tuổi lao động. Như vậy, chúng ta chỉ mới có 10 triệu lao động được đào tạo. Trong khi lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp vẫn chiếm gần 57%, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 17,88%, và khu vực dịch vụ chiếm 25%. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,09%, riêng khu vực thành thị là 5,31%.

Nếu lấy con số tròn 20 triệu người cho khu vực miền Trung, các con số tương ứng sẽ là 10 triệu lao động từ 18 tuổi trở lên, lao động được đào tạo nghề chỉ có 2,5 triệu và đa số còn lại là lao động nông nghiệp, lao động phổ thông. Với tổng thể ấy, khi tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài và tái cơ cấu lại kinh tế khu vực miền Trung, tình cảnh thiếu lao động có tay nghề và thừa lao động phổ thông là điều tất yếu.

Tại một hội thảo về đào tạo nghề cho khu vực miền Trung tổ chức tại Hà Tĩnh hồi quý 3 vừa qua, ông Lê Duy Đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Việc cung lớn hơn cầu đối với lao động giản đơn lại đang đẩy tiền công có xu hướng ngày càng thấp và lợi thế luôn thuộc về chủ sử dụng lao động. Vì vậy, thiếu lao động qua đào tạo, thiếu lao động lành nghề đang là khó khăn chung cho việc tìm kiếm nhân lực của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào các tỉnh miền Trung.

Giải quyết bài toán khó khăn này không thể là chuyện một sớm một chiều và chỉ bằng ý chí hoặc các nghị quyết. Tại các hội nghị phát triển nguồn nhân lực tổ chức trong vài năm qua, phát biểu của nhiều địa phương đều cho thấy đang tồn tại nghịch lý thiếu-thừa lao động tương tự. Thừa nhưng vẫn thiếu vì đầu tư cho đào tạo của khu vực nói chung còn nhiều bất cập, hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực các dự án phát triển mới, công tác dự báo còn chung chung, chất lượng các trường đào tạo không đồng đều và đặc biệt là nhân lực cũng như cơ sở thiết yếu trong công tác đào tạo vẫn thiếu trầm trọng.

Các dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh, nhu cầu sử dụng lao động đến năm 2015 được dự báo cần khoảng 119 ngàn người được đào tạo có tay nghề kỹ thuật và trình độ chuyên môn. Tại Quảng Nam, từ nay đến năm 2010 cần gần 60 ngàn lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp, 1.200 cao đẳng nghề và khoảng 10 ngàn lao động có tay nghề cao. Trong khi đó, tính đến hết năm 2007, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng chậm, bình quân khoảng 1,5%/năm (tỷ lệ này của cả nước là 2,2%/năm) và mới đạt khoảng 18% lực lượng lao động. Tại Thanh Hóa, dự báo nhu cầu lao động năm 2015 lên đến 140 ngàn người, riêng khu kinh tế Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, và các dự án mở rộng nhiều nhà máy xi-măng, ô-tô, gang thép... nhưng nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng được.

Lãnh đạo các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An cũng cho biết đó là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung...

Là đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, TP. Đà Nẵng tuy có những khởi sắc trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nhưng so với các mục tiêu kinh tế-xã hội mà địa phương đặt ra trong những năm tới, thực tế vẫn còn xa. Mỗi năm, Đà Nẵng đã có 3,2 – 3,3 vạn lao động được tạo việc làm mới; giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 5,95% năm 2000 xuống còn 5,02% năm 2007. Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động được nâng lên nhanh chóng trong 10 năm qua ở mọi cấp; đặc biệt, đào tạo công nhân kỹ thuật 5 năm gần đây tăng bình quân 12,56%/năm.
 
Tuy nhiên, chất lượng lao động còn thấp. Theo số liệu điều tra lao động - việc làm năm 2006, nguồn lao động trình độ chuyên môn: Đại học, cao đẳng chiếm 12,41%, trung học chuyên nghiệp chiếm 6,85%, công nhân kỹ thuật chiếm 15,95%. Lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm đến gần 65%; ngoài ra, một số lượng không nhỏ lao động đã qua đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng! Chỉ riêng ở Đà Nẵng, giáo viên dạy nghề vẫn còn thiếu đến 400-500 người trong những năm tới...

Do chất lượng lao động quá kém, theo phân tích của Bộ LĐ-TB-XH, năng suất lao động của ta hiện nay đang kém từ 2 đến 15 lần so với các nước trong khu vực ASEAN. Thật chua xót, khi yếu tố lao động giá rẻ vẫn được xem là ưu thế, là điều hấp dẫn đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
 
Trong khi, chúng ta đang cần tìm một thứ khác hơn là lao động rẻ để thu hút giới đầu tư nước ngoài nếu muốn tạo sự phát triển bền vững. Đó là chưa kể tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, xây dựng các khu công nghiệp, sân golf... hàng ngàn hecta đất nông nghiệp bị thu hồi đã khiến cho nhiều người mất đất sản xuất phải bỏ ra thành thị làm các công việc không ổn định, làm tăng thêm gánh nặng thất nghiệp ở đây và tạo ra các áp lực khác về môi trường, trật tự và dân sinh rất khó lường!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG



;
.
.
.
.
.
.
  • Trong đêm sâu
    Hôm Hoàng và Lê nhắn tin chốt lại ngày để hẹn nhau ra tòa, lại nhằm ngay ngày sinh nhật Lê. Khi mới phát hiện ra, Hoàng có chút hẫng trong lòng. Sao không muộn hơn một ngày, để ít ra còn dự sinh nhật sau cùng của nhau? Rồi Hoàng nghĩ lại, để làm gì, đâu có thiết tha đến nỗi muốn ngồi lại cùng nhau? Nếu thiết tha, cả hai đã chẳng đưa nhau đến quyết định ly hôn.
    .
  • Bờ bãi tháng Tư
  • THƠ
.

Đọc nhiều

.
.