Hãy hình dung miền Nam vào năm 1972. Giữa khi mà chiến tranh đang hết sức khốc liệt. Thành phố đầy rẫy lính Mỹ, gái điếm, snack-bar… Những cô gái chân chất rũ bỏ tấm áo quê mùa còn ngái nồng mùi bờ bãi ruộng đồng. Và gót chân nứt nẻ giấu biến trong những đôi giày cao gót. Những đôi tay còn đượm màu phèn đất dường như chưa kịp rửa sạch đã vội bôi lên nước sơn đỏ tươi và bóng bẩy... Những áo hở cổ, mini jupe xanh tím hoa hòe có che nổi đôi vai đen đủi, bắp chân thợ cấy vâm vấp chắc săn?
Ở Sài Gòn và sống nơi đô hội nên như bao người, nhạc sĩ Trần Quang Lộc phải chứng kiến quá nhiều những hình ảnh như vậy. Và đau đớn và ngậm ngùi và xót xa… Rồi một lần về thăm quê ngoài Đà Nẵng. Mà Đà Nẵng, một thành phố lớn của miền Trung cũng nào có khác gì. Lại doanh trại Mỹ, lại gái quê bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên phố kiếm sống… Lại vũ nữ, những tờ đô-la, động điếm, rượu bia, ma túy và sự sa ngã.
Sao có thể cản ngăn được những cám dỗ? Sao cứ phải ra đi? Chẳng lẽ vườn tược, ruộng nương không níu được chân người? Chẳng lẽ tình cảm chân thành và da diết của những chàng trai quê mộc mạc không đủ mãnh liệt để buộc giữ? Mà phố phường mới phù phiếm và giả tạo biết bao! Đã ngu muội lỡ bước chân đi nên rất dễ lạc lối về. Có phải? Đâu đã hết hy vọng và rất nên biết đợi chờ. Dẫu mơ hồ quá là tiếng kêu bi thiết của những tình tự quê hương. Và chông chênh quá những bước lấp xấp xiên ngã trên lối về chập chùng cỏ hoang và gai độc…
Giữa muôn vàn những ngổn ngang của tâm trạng, ý nghĩ… Trần Quang Lộc tình cờ có được bài thơ của A Khuê. Đọc và đồng cảm. Mới hay thơ đã chắp thêm cho anh đôi cánh để bay lên. Để: “Về đây nghe em” ra đời. Bài hát là những nhắc nhở ân cần: Hãy luôn nhớ em vẫn còn một quê nhà. Nơi có mẹ áo nâu, chân đất và những giọt mồ hôi lao nhọc… Cái ảng nước, chiếc gáo dừa và một cái chái hiên…
Mỗi tối nơi khoảnh sân nhà thơm nồng mùi rạ mới, mọi người trong thôn xóm tụ lại hút thuốc rê, uống nước chè tươi và bàn chuyện lúa má, heo gà, con trâu, đôi nghé... Và em có biết? Quê nhà luôn réo gọi. Hãy: “ …về đây mặc áo the đi guốc mộc kể chuyện tình bằng lời ca dao…”. Quê nhà luôn dang rộng đôi tay chào đón em trở lại. Hãy vứt bỏ tháng ngày rỗng tuếch và nhớp nhúa lại phía sau. Hãy thôi tuyệt vọng bởi: “… Này người ơi vươn cao vươn cao. Đem ánh sáng hân hoan trên trời. Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương…”.
Chiến tranh rồi đã đi qua. Những tưởng hòa bình không còn nữa những bối cảnh của miền Nam ngày trước. Và một ca khúc như “Về đây nghe em” phổ từ thơ của A Khuê, hẳn, không cần phải ngân rung như những hồi chuông cảnh báo. Đâu ngờ! Cảnh cũ lại tái hiện chỉ đổi thay nơi chốn và những con người. Những cám dỗ và tiền bạc, sự lười biếng và tham lam, những nông nổi và ngu muội, bao ước mơ và những ươn hèn … đã thúc đẩy thêm vô vàn những cô gái quê rời nông thôn dấn thân dặm trường.
Đài Loan hay Hàn Quốc? Trung Hoa hay Mã Lai? Buồn thật và phẫn nộ thật. Không cách gì hình dung nổi… Những thương cảm giấu mình trong nỗi đớn đau. Chợt nhận ra: “Về đây nghe em” vẫn chưa hề lỗi nhịp dẫu đã trên ba mươi năm, kể từ khi Trần Quang Lộc phổ bài thơ này ở Đà Nẵng. Bài hát như nói hộ mình và bỗng muốn cất tiếng: “…Về đây đứng khóc trên sông nước này. Chở lòng người trở về quê hương. Chở hồn người vào dòng suối mát…”.
Có là muộn quá chăng cho những răn đe, nhắc nhở. Hả các em? Những Mít những Trà những Xuân những Nhị… Sao có thể khước từ, ném hắt đi tất cả. Sao có thể không nhớ? Chẳng lẽ có thể quên được thứ không gian quê, thứ đời sống quê… đã thấm đẫm trong mỗi chúng ta tự thủa còn nằm trong bụng mẹ. Rồi cái mùi đặc sệt nhà quê và cả nữa những cái màu rất đỗi nhà quê - không nhầm lẫn và không nhòa lấp – hương lúa và những sắc vàng rơm rạ, mùi đất nồng đượm và màu xanh mạ non… Những yêu thương bình dị, những tình người… Là tất cả… Em có hay? Xin hãy quay về…
Nguyễn Mỹ Nữ