Có một thời, người ta truyền miệng câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Có lẽ vì thế mà khi đã vào và quyết định cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, không ít người thầy cô đã thật sự tận tâm và làm tất cả “vì học sinh (HS) thân yêu”. Thế hệ sinh viên (SV) sư phạm ngày đó, nay phần lớn đã và sắp về hưu. Gia tài mà họ có được là sự tôn kính của xã hội, là tình cảm không gì có thể thay thế qua nhiều thế hệ học trò.
Cô giáo của trò nghèo
. |
Năm 1988, cô giáo Tài rời Quảng Điền về làm dâu tại mảnh đất nghèo Hòa Sơn. Rồi khó khăn bắt đầu khi cô không thể xin được việc ở quê chồng. Quá nhớ trường, nhớ lớp, cô giáo Tài mở lớp dạy thêm tại nhà để tiếp tục công việc giảng dạy. Cô nhớ lại, khi còn dạy học ngoài Huế, biết mình là giáo viên ở xa đến, các em HS suốt ngày quấn quýt. Buổi tối, cả nhóm lại chạy sang phòng trọ cô chơi, khi thì mang cho cô mấy củ sắn, củ khoai. Khi thì chụm nhau một góc ngồi học bài. Những kỷ niệm đáng yêu khi mới vào nghề đã cho cô sức mạnh để gắn bó với nghề giáo.
Ngày đầu mở lớp tại nhà, cô phải đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con đến học. Từ một lớp học lèo tèo vài ba HS, giờ các em đến với cô ngày càng nhiều, phải chia ca mà học. Cô bảo, HS ở Hòa Sơn nghèo nhưng hiếu học, hiếm khi các em có thái độ hỗn xược với thầy, cô giáo. Gia đình nào khá giả thì “đến tháng” gửi tiền, gia đình nào khó khăn quá thì hẹn gặt xong mùa lúa sẽ gửi cô sau. Suốt hơn 20 năm qua, dù không đứng lớp hoặc thuộc biên chế của một trường nào nhưng người dân nơi đây vẫn luôn ưu ái gọi cô là “cô giáo Tài”.
Tiếng lành đồn xa. Giờ đây, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô giáo Tài tại tổ 7, Phú Thượng, Hòa Sơn trở thành địa chỉ học tập mà nhiều em HS tìm đến. Em Nguyễn Đình Hiếu, HS lớp 10/8, Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: “Em học thêm môn Anh văn ở đây từ năm lớp 6. Cô giáo rất nghiêm khắc, không cho các bạn xem bài nhau nên muốn làm học trò của cô thì tụi em phải ráng học”. Nhìn những em HS lem luốc vì tuổi thơ không đầy đủ, tôi hiểu rằng, với cô giáo Tài, suốt hơn 20 năm qua, cô mở lớp dạy thêm ở nhà cũng vì yêu nghề, yêu những đứa trẻ vùng quê này.
Hơn 20 năm qua, dù không thuộc biên chế một trường nào, nhưng cô giáo Tài vẫn ngày đêm truyền chữ cho học trò nghèo Hòa Sơn. |
|
Bây giờ, khi đã ở tuổi 56, cô vẫn miệt mài đi đi về về giữa hai xã Hòa Ninh và Hòa Sơn để tham gia công tác giảng dạy và đến với HS nghèo.
“Một ngày mới, bước chân trên đèo cao”
Rời nhà cô giáo Tài, tôi ngược xe về nhà cô giáo Trần Thị Quảng (58 tuổi), nguyên giáo viên Trường tiểu học Hải Vân ở tổ 15, phường Hòa Hiệp Bắc. Nói về mình, cô tâm sự, ra trường năm 1974, cô tham gia giảng dạy ở Trường tiểu học Túy Loan (Hòa Phong) rồi sang dạy học ở Hòa Liên. Cuối cùng là chuyển về Trường tiểu học Hòa Hiệp 3 (nay là Trường tiểu học Hải Vân). Từng ấy năm đứng trên bục giảng, học trò của cô phần lớn con nhà nghèo. Ngày chia làm 2 buổi, một buổi đến trường, một buổi theo ba mẹ lên rừng lấy củi. Nhìn những đứa trẻ chỉ trên dưới mười tuổi phải vật lộn với miếng cơm manh áo, cô không khỏi xót xa, thương cảm và nghĩ mình phải làm được điều gì đó cho các em.
Ở tuổi 58, cô giáo Quảng tuần 2 buổi vẫn ra với học sinh nghèo làng Vân. |
Trong lớp học ấy có đôi bạn tên Rin và Tiêu Văn Lai chơi thân với nhau. Một lần, hai bạn cùng lên rừng lấy củi, chẳng may rựa chém vào chân Rin. Không thể để cho Rin nghỉ học, mỗi tối sau đó, lúc nào Lai cũng cõng bạn đến lớp trong niềm yêu thương chia sẻ của bạn bè.
Về hưu cuối năm học 2005-2006, nhưng cô giáo Quảng đã tình nguyện đăng ký ra làng Vân dạy học, một tuần 2 lần. Cuối mỗi buổi dạy, người phụ nữ ở tuổi 58 lại được học trò làng Vân hỏi trìu mến: “Khi mô cô ra lại hả cô?” hay “Cô vô rồi, nhớ ra sớm cô nghe”. Miệt mài với công tác này đã hơn 3 năm, dù học trò cô Quảng ngoài làng Vân hiện nay chỉ vỏn vẹn 10 em.
Chia tay cô giáo Quảng, tôi nhớ mãi lời bài hát “Một ngày mới” cô đã viết cho học trò làng Vân: “Một ngày mới đến cho mọi người/Một ngày mới, bước chân trên đèo cao...” và mường tượng tới hình ảnh của người phụ nữ cặm cụi băng qua hầm Hải Vân, đi bộ một quãng đường dài, men theo đường xe lửa, vắt vẻo một bên núi, một bên vực sâu để ra với học trò làng Vân.
Hội Cựu giáo chức (CGC) TP. Đà Nẵng thành lập ngày 15-11-2005. Lúc này chưa có tổ chức ở quận, huyện, xã, phường mà chỉ là những hội viên trong CLB nhà giáo hưu trí tự nguyện chuyển sang sinh hoạt với số lượng 200 hội viên. Dù đã về hưu, nhưng hình ảnh nhiều nhà giáo vẫn luôn tỏa sáng trong lòng nhiều thế hệ học trò: Nhà giáo ưu tú Phạm Ký, Nguyễn Trọng Hoàng; nhà giáo Phạm Đình Hảo (Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố), Phạm Phát (Trưởng ban Vận động Hội CGC), Lương Mậu Kỳ (Chủ tịch Hội CGC), Nguyễn Thị Mai Hương (Chủ tịch UBMTTQVN phường Thanh Bình), Phạm Thị Hoàng Yến (tổ 19 K43/55 Lê Hữu Trác, Sơn Trà), Huỳnh Ngọc Thúc, Trần Thị Hòa, Đặng Thị Thắng (Hòa Vang)… Ở những con người đáng kính ấy, luôn có một chỗ đứng vững bền trong lòng nhiều thế hệ học trò bằng tình yêu và tâm niệm luôn cống hiến vì sự nghiệp trồng người. |
Ghi chép của TIỂU YẾN